“Có tình trạng cán bộ bày cách cho doanh nghiệp trốn thuế”
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu cho rằng, có tình trạng DN thỏa hiệp với cán bộ, cán bộ bày cho DN trốn thuế.
Sáng 24/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thảo luận tại hội trường Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế; có ý kiến đề nghị rà soát để bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của một số bộ, ngành khác có liên quan trong quản lý thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày tại hội trường. |
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo rà soát và bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế. Cụ thể, như sửa đổi quy định về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng tăng cường công tác thẩm định dự án đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, tránh thuế, thay cho nhiệm vụ “Phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế” đã được quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, thời gian qua, ngành thuế đã có rất nhiều cố gắng, khắc phục nhưng cũng gặp phải nhiều sức ép. Thực tế cán bộ thuế, ngành thuế nhiều khi cũng có những xung đột với các doanh nghiệp, vì doanh nghiệp luôn tìm cách trốn thuế, cán bộ thuế tìm cách thu được thuế. Theo đại biểu Phương, hiện nay nhiều doanh nghiệp lợi dụng hoạt động chuyển giá để giảm miễn thuế và đã có doanh nghiệp bị phát hiện và xử lý.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). |
Vì vậy, đại biểu Phương đề nghị, cần bổ sung hành vi cấm xuất hóa đơn ảo làm hợp lý hóa chi phí nguồn ngân sách gây thất thoát nguồn thu chi ngân sách. Bởi hóa đơn bằng giấy, hóa đơn ảo rất nhiều, kể cả các cơ quan nhà nước cũng có. Bên cạnh đó, cấm cán bộ thuế thỏa hiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế. Vì đã có nhiều doanh nghiệp thỏa hiệp với cán bộ thuế, cán bộ thuế tìm cách bày cho doanh nghiệp trốn thuế.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị, sớm chuyển từ hóa đơn giấy trở thành hóa đơn điện tử. “Ở Canada trước đây cũng có hiện tượng trốn thuế, gian lận thương mại. Sau khi phát hiện sự việc, Thượng viện đã giao Uỷ ban tài chính ngân sách đi các nước học tập. Đến bây giờ, họ quản lý thuế rất chặt chẽ. Hiện nay, thời đại công nghệ 4.0 phát triển mà không sử dụng hóa đơn điện tử thì sẽ thất thu thuế rất lớn. Đến Hàn Quốc, tôi thấy tất cả chi tiêu của đoàn đều trả thẻ, bởi họ bảo trả thẻ là cách quản lý chặt chẽ nhất. Khách du lịch đến họ sẽ biết chi bao nhiêu”-đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Theo đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang), để tránh tình trạng thông đồng trốn thuế, việc thực hiện xóa nợ tiền thuế tiền, tiền nộp, tiền phạt phải thực hiện sau khi đã thực hiện triển khai các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang). |
Do đó, đại biểu Tuyến đề nghị bổ sung Điều 86 hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nội dung là các hồ sơ tài liệu chứng minh đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế quy định tại khoản 1 Điều 125 của Dự thảo Luật này.
Tước quyền tài sản người nộp thuế không phù hợp đạo lý
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho biết, trong điểm a khoản 3 Điều 60 quy định, không trả lại tiền nộp thừa cho người nộp thuế nếu không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo. Đại biểu cho rằng việc tước quyền tài sản trong trường hợp này là không có cơ sở pháp lý, không thống nhất với các quy định về sở hữu của Bộ luật dân sự, không phù hợp với thực tiễn và cả đạo lý.
“Người nộp thuế chỉ không kịp yêu cầu trả lại tài sản của mình do người khác chiếm giữ chỉ trong 30 ngày mà mất đi quyền sở hữu chưa kể đến trường hợp vì lý do nào đó người nộp thuế không nhận được thông báo của cơ quan thuế, thông báo bị thất lạc hoặc người nộp thuế mất tích nên không yêu cầu trả lại tài sản của mình trong thời hạn 30 ngày. Vì vậy tôi đề nghị không quy định nội dung này trong Dự thảo luật” - đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nói./.
Luật Quản lý thuế sửa đổi: Lấp lỗ hổng chính sách về chống chuyển giá
Hóa đơn điện tử không phải chìa khóa vạn năng để quản lý thuế
Sửa Luật Quản lý thuế: Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế
Từ khóa: luật quản lý thuế, doanh nghiệp, trốn thuế, hóa đơn điện tử, đại biểu nguyễn ngọc phương
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN