Có thể “chặn” tham nhũng trong hoạt động tư pháp?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực toà án cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Vi phạm pháp luật trong hoạt động của toà án tuy không nhiều như lĩnh vực khác nhưng có tính chất, mức độ và hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vì chủ thể của hành vi này là những người được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý nhưng đã trực tiếp xâm hại đến quyền con người dẫn đến bỏ lọt tội phạm; làm oan người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật; làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực toà án cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện để cho người dân và xã hội giám sát hoạt động của cơ quan toà án, đảm bảo cho toà án thực sự độc lập trong hoạt động là giải pháp quan trọng.

Ông Trần Văn Độ - Nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao, Trưởng nhóm nghiên cứu về hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hệ thống toà án đưa ra số liệu: bình quân mỗi năm có xấp xỉ 10 cán bộ toà án các cấp bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách đến xử lý bằng hình sự vì có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

co the "chan" tham nhung trong hoat dong tu phap? hinh 1
Ông Trần Văn Độ.

Ông Độ cũng khẳng định, số liệu này chưa phản ánh đúng thực chất tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của toà án. Bởi lẽ trong hoạt động của toà án, từ tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự; xem xét, phân công thẩm phán phụ trách xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, giải quyết vụ án quá hạn luật định; lập hồ sơ, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án; áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời… tất cả đều có nguy cơ cao xảy ra tham nhũng.

Ông Trần Văn Độ nêu thực tế: “Tham nhũng vặt, nhận tiền vặt của đương sự thì không thiếu, dù là vặt nhưng đều ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Pháp luật của ta hiện nay chưa có những quy định xử lý, giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động toà án, đặc biệt là giám sát của đương sự”.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho rằng, tham nhũng ở các cơ quan tư pháp nói chung và toà án nói riêng diễn ra ở hầu hết các khâu của quá trình tố tụng với những biểu hiện cụ thể. Bà Trâm nêu ví dụ: “Tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì xuất hiện hầu hết ở các giai đoạn tố tụng, trong xử lý các vụ việc, vụ án như chuyển đơn lòng vòng, không giải quyết dứt điểm và gây nên sự phức tạp kéo dài, ra quyết định thì không có căn cứ…”.

Vì sao tham nhũng vẫn xảy ra ở các cơ quan này? Có nhiều nguyên nhân, đó là hệ thống pháp luật của nước ta còn chồng chéo, chưa rõ ràng; một số chế định pháp luật còn áp dụng chế tài tuỳ nghi; việc giải thích, hướng dẫn pháp luật chưa kịp thời và chưa được quan tâm đúng mức khiến cho việc nhận thức, áp dụng pháp luật giữa những người cầm cân nảy mực thực hiện các hoạt động không thống nhất; việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động toà án chưa chặt chẽ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng.

co the "chan" tham nhung trong hoat dong tu phap? hinh 2
GS-TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

GS-TS Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nhận định, hệ thống tố tụng, các quy trình về điều tra, truy tố, xét xử có quan hệ chế ước lẫn nhau nhưng các chức danh tư pháp chưa được độc lập, việc họ tiếp xúc trực tiếp với luật sư, đương sự dễ tạo nên sự móc ngoặc, tiêu cực. Vì vậy, theo tiến sĩ Trần Ngọc Đường, để hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của toà án cần có quy định thực sự độc lập giữa các bên.

“Điều phổ biến dẫn đến tiêu cực, tham nhũng là việc độc lập giữa thẩm phán, kiểm sát viên với đương sự trong các vụ án dân sự mà ở đây là luật sư, người đại diện. Do pháp luật của chúng ta chưa ngăn cách được một cách tuyệt đối mối quan hệ giữa cấp sơ thẩm với cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm. Sơ thẩm với phúc thẩm cũng có thể móc ngoặc với nhau không độc lập trong một bản án. Những người trong hội đồng xét xử với luật sư nếu tiếp xúc với nhau sẽ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng do bàn bạc với nhau, do thoả thuận với nhau tìm những kẽ hở trong việc xây dựng hồ sơ mà dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Tôi cho rằng đó là hai điểm rất cơ bản mà cả luật tố tụng cũng như quy tắc đạo đức nghề nghiệp phải quy định thật chặt chẽ”, TS Trần Ngọc Đường phân tích.

Nhận định thực hiện nguyên tắc tranh tụng là yêu cầu quan trọng trong việc bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động tư pháp, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh nêu thực trạng: nguyên tắc tranh tụng chưa được quy định đầy đủ như một trong những giải pháp cần thiết để phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Khi giải quyết các vụ án, ngay chính toà án cũng chưa tuân thủ triệt để nguyên tắc này.

“Dưới góc nhìn của hoạt động nghề nghiệp luật sư, chúng tôi cho rằng, nếu toà án chưa lấy kết quả tranh tụng tại toà để đưa ra phán quyết các bản án thì tiêu cực, tham nhũng vẫn có đất để tồn tại”- ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy số vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp không nhiều so với các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng tính chất, mức độ và hậu quả của nó rất nghiêm trọng. Bởi vì chủ thể của loại tội phạm này là những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hành vi của họ đã trực tiếp xâm phạm đến quyền con người, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động toà án; hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật đối với thẩm phán, cán bộ toà án; xây dựng phần mềm điện tử hoá phân công án để đảm bảo minh bạch, khách quan. Đó là những giải pháp hữu hiệu làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay./.

Từ khóa: chống tham nhũng, tham nhũng trong lĩnh vực tòa án, tòa án, tội phạm

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập