Cơ quan thuế có "nắm" được nguồn thu tiền tỷ của các YouTuber?

Cập nhật: 17/03/2021

VOV.VN - Mặc dù có nguồn thu "khủng" từ thị trường Việt Nam nhưng nhiều YouTuber cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số vẫn chưa tự giác thực hiện các nghĩa vụ thuế. Điều này đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý cho ngành thuế.

Nhiều YouTuber kiếm tiền “khủng”

Theo chính sách công bố của YouTube, một tài khoản YouTube cá nhân (YouTuber) được trả trung bình từ 0,01 - 0,03 USD/lượt xem quảng cáo, một cá nhân có thể kiếm được khoảng 18 USD cho mỗi 1.000 lượt xem quảng cáo. Ngoài số tiền từ lượt xem quảng cáo trong các video, YouTuber còn kiếm được tiền từ một số hoạt động khác như liên kết cộng tác viên để xem những liên kết nằm trong phần mô tả video và mua hàng. Do vậy, những YouTuber có nhiều người theo dõi thường tạo thương hiệu ngoài kênh của họ và bán hàng hoặc các YouTuber lâu năm với lượng người theo dõi lớn sẽ có các công ty hợp tác cùng; những YouTuber nổi tiếng cũng kiếm tiền thông qua tài trợ thương hiệu...

Theo ước tính của trang Social Blade (chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Twitch và Instagram...), MixiGaming (Độ Mixi) đứng đầu Top 10 nhà sáng tạo YouTube nổi bật nhất năm 2020 với 4,45 triệu người đăng ký và có hơn 1,2 tỷ lượt xem, ước tính kênh Độ Mixi có thu nhập từ 145.700 - 2,3 triệu USD trong vòng 1 năm, tương đương 3,35 - 53 tỷ đồng.

Xếp thứ 2 trong danh sách là kênh Trấn Thành Town của MC Trấn Thành với 4,6 triệu người đăng ký theo dõi và tổng số lượt xem video đạt hơn 938,7 triệu. Kênh này được ước tính trong vòng 1 năm có thu nhập được từ 70.500 - 1,1 triệu USD, tương đương từ hơn 1,6 - 25,3 tỷ đồng.

Những YouTuber như Thơ Nguyễn hay Bà Tân Vlog cũng là cái tên nổi tiếng sở hữu lượt người xem “khủng”, tương ứng họ sẽ nhận lại số tiền lớn hàng tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỷ view trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu view/tháng. Doanh thu có thể tương đương 16 tỷ đồng/năm, mỗi tháng khoảng 1,3 tỷ đồng.

"Hụt hơi" truy thu thuế

Theo quy định, các cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm từ các nền tảng công nghệ như YouTube, App Store, Facebook... đều phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc đóng thuế đối với các YouTuber hay các cá nhân kinh doanh trên nền tảng số ở Việt Nam hiện vẫn chưa được rõ ràng. Trên thực tế hiện nay, nhiều người kinh doanh trên Google, Facebook, Internet đã tự giác kê khai, nộp thuế, nhưng vẫn có nhiều trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Điển hình, vụ việc kho hàng lậu hơn 10.000m2 chứa hàng hóa bán qua livestream trên Facebook ở thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai vào trung tuần tháng 7/2020 được đánh giá là vụ việc điển hình của các hành vi trốn thuế, né thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền; tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Có nghĩa cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5000 kênh trên tổng 15.000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế. Như vậy, có thể thấy, tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, Youtube đã nộp đang thấp hơn rất nhiều so với tổng số thuế theo nghĩa vụ phải nộp.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính hiện đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan. Trong đó, nội dung đáng chú ý là quản lý thuế đối với các “ông lớn”, trong đó có YouTube, đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng hệ thống tư vấn, kê khai, cung cấp mã số thuế đa ngôn ngữ để tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài.

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra, Tổng cục thuế cho biết, ngành Thuế đang tiến hành thanh tra, kiểm tra bằng phương thức điện tử; áp dụng việc phân loại doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin truy thu thuế. Cùng với việc đầu tư có nền tảng công nghệ tốt, ngành Thuế sẽ thực hiện biện pháp mạnh giám sát thu thuế thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới với những trường hợp lợi dụng chính sách thuế để né thuế, trốn thuế.

“Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, các bộ ngành, ngân hàng thương mại phải trao đổi dữ liệu về thanh toán đối với hoạt động thương mại điện tử cho cơ quan thuế để thực hiện công tác quản lý thuế trên thương mại điện tử. Phối hợp sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập dữ liệu từ các app vận tải trung gian vận tải; thu thập dữ liệu từ vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua, kết hợp với dữ liệu thanh toán từ ngân hàng để xác định định danh rõ đối tượng không kê khai nộp thuế vào ngân sách nhà nước...”, ông Vũ Mạnh Cường cho biết.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, chặn đường trốn thuế, né thuế của các hoạt động kinh doanh công nghệ, kinh doanh online từ các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu từ Facebook, Google… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong năm 2021.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện tại các nguồn thanh toán như Youtube, Google, Facebook thanh toán cho các cá nhân làm các sản phẩm dịch vụ số trên không gian mạng phục vụ chủ yếu cho quảng cáo, hay là các trò chơi điện tử, thông qua trung tâm thanh tra giám sát các giao dịch bất thường của các cá nhân liên quan đến tài khoản quốc tế được các tổ chức này cung cấp, cơ quan Thuế đã nắm được một số thông tin liên quan đến cá nhân đã nhận được các khoản của nước ngoài, cơ quan thuế sẽ tuyên truyền cho các cá nhân này trách nhiện tự kê khai thuế, tự tính tự nôp.

“Trong trường hợp nếu không thực hiện đến một thời hạn thì cơ quan thuế sẽ mời các cá nhân này lên để trao đổi để thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Và khi chúng tôi thấy có các dòng tiền thanh toán các khoản này thì cơ quan Thuế hoàn toàn có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp liên quan đến các khoản thanh toán của các tổ chức này cho các cá nhân của Việt Nam để thực hiện công việc quản lý thuế”, ông Minh nêu rõ.

Khẳng định với quy định của Nghị định 126 đưa ra, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, nếu cá nhân có thu nhập từ các nền tảng số không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ bị phạt gấp 1-3 lần số thuế phải đóng. Cụ thể, các lập trình viên kiếm tiền từ việc viết trò chơi, ứng dụng trên điện thoại hay người làm clip đăng tải lên YouTube; cá nhân có nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm từ các nền tảng công nghệ như App Store, Facebook, Instagram... sẽ bị phạt từ 1-3 lần số thuế phải nộp nếu không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

“Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, ngành Thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. Ngoài ra, các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh./.

Từ khóa: thuế thương mại điện tử, YouTuber, quản lý thuế, thuế thu nhập cá nhân, trốn thuế

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập