Cổ phần hoá doanh nghiệp đang “giậm chân tại chỗ” vì sao?

Cập nhật: 19/10/2019

VOV.VN - Từ năm 2018 đến nay, công tác CPH DNNN gần như “giậm chân tại chỗ”, Hà Nội và TPHCM vẫn chưa có doanh nghiệp Nhà nước nào triển khai cổ phần hóa.

Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hoá, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối... Thế nhưng, việc cổ phần hoá (CPH) bán vốn tại các DNNN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020 đang rất chậm. Vì sao lại như vậy?

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là một nội dung căn bản của quá trình sắp xếp lại, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Thông qua cổ phần hóa, bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối sẽ thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, làm đa dạng hóa nguồn vốn và khơi thông các nguồn lực trong nền kinh tế, qua đó, giúp cho hoạt động của DNNN trở nên năng động và hiệu quả hơn, cộng đồng doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng và công bằng hơn.

co phan hoa doanh nghiep dang "giam chan tai cho" vi sao? hinh 1
Từ năm 2018 đến nay, công tác CPH DNNN gần như “giậm chân tại chỗ”. (Ảnh: KT)

Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là một trong những doanh nghiệp tiến hành CPH của ngành Công Thương bước đầu cho hiệu quả rõ rệt ở cả hoạt động sản xuất kinh doanh, cho lợi nhuận, giá trị cổ phiếu tăng cao cũng như giúp quản trị doanh nghiệp tốt hơn mô hình 100% vốn nhà nước. VEAM triển khai công tác CPH doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thoái vốn DNNN giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, sau khi thoái vốn tại VEAM, tỷ lệ vốn nhà nước sở hữu tại doanh nghiệp này sẽ giảm xuống chỉ còn 36%. Bắt đầu tiến hành IPO và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 23/1/2017, đến tháng 7/2018 VEAM hoạt động theo mô hình công ty đại chúng.

Chỉ sau 1 năm, VEAM đã đưa giá trị cổ phiếu tăng gấp 2 lần so với giá trị ban đầu. Cụ thể, lợi nhuận năm 2018 của VEAM đạt 5.200 tỷ trên tổng vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất khoảng 7.200 tỷ đồng. Không chỉ bảo toàn và phát triển vốn, đem lại lợi nhuận tương đối cao so với chính VEAM của thời điểm trước khi CPH cũng như so với nhiều doanh nghiệp khác mà công tác quản trị doanh nghiệp cũng trở nên công khai, minh bạch hơn.

Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) chia sẻ: “Với sự chuyển đổi từ mô hình 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần chúng tôi thấy cách quản lý, phương thức quản lý, công tác quản trị từ công ty mẹ đến công ty con đến các công ty thành viên thì đều có sự chuyển đổi.

Chuyển sang hoạt động theo công ty cổ phần cũng giúp cho minh bạch hóa thông tin, cách làm.. thông qua đó cũng giúp cho những nhà quản lý phải nâng cao năng lực quản trị của mình lên… Tôi cho rằng, đây là một xu hướng tất yếu. Nếu những DN không thuộc diện phải nắm giữ cổ phần chi phối thì nên tính để chuyển đổi sang hoạt động theo công ty cổ phần… Việc chuyển đổi từ mô hình HĐTV sang HĐQT là bước chuyển đổi căn bản.

HĐQT không chỉ đóng vai trò quản lý vốn mà còn đóng vai trò chỉ đạo, tiến hành thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hơn và do đó trashc nhiệm của HĐQT cũng cao hơn so với trách nhiệm của HĐTV…

Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, công tác CPH DNNN gần như “giậm chân tại chỗ”. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2018, cả 2 đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội và TPHCM vẫn chưa có doanh nghiệp Nhà nước nào triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch.

Trong 8 tháng năm 2019 mới có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế đến hết tháng 8/2019, mới CPH được 36 trên tổng số 128 doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Nghĩa là, từ nay đến hết năm 2020 còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017 - 2020 phải thực hiện thoái/bán được khoảng 60.000 tỷ đồng vốn tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng số thoái vốn 8 tháng qua mới chỉ đạt hơn 2.400 tỷ đồng, thu về 4.650 tỷ đồng. Bộ Tài chính đánh giá tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn hiện đang rất chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác CPH, thoái vốn tại các DNNN thời gian qua có chậm lại bởi đã coi trọng chất lượng hơn số lượng, trong đó, một trong những mục tiêu mà Trung ương, Đảng và Nhà nước chỉ đạo là phải làm đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

“Đúng pháp luật ở đây đầu tiên là phải đúng pháp luật về đất đai, lập lại kỷ luật, kỷ cương về đất đai để sao cho công khai minh bạch, tránh việc lợi dụng trong quá trình CPH tránh việc chưa kịp xác định giá trị đất đai thì để chuyển đổi mục đích. Trong quá trình làm xác định việc phối hợp giữa các cơ quan ở địa phương với các doanh nghiệp, ban chỉ đạo CPH của các bộ, ngành còn chậm và chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong vấn đề sắp xếp đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp. Và tính quyết liệt và trách nhiệm của những người đứng đầu DN và của cơ quan đại diện chủ sở hữu.” - ông Tiến cho biết.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện CPH DNNN thành công và có hiệu quả khi dẫn chứng về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quyết tâm thực hiện thoái vốn, CPH thành công tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung cảm thấy “tiếc” bởi vai trò khá mờ nhạt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong công tác này.

“Cho đến nay thì cảm nhận của tôi về vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước còn khá mờ nhạt trong việc thúc đẩy CPH và thoái vốn. Tôi cho rằng Ủy ban nên tập hợp lại tài sản của những tập đoàn, tổng công ty mà hiện nay đang có trên thị trường và có thể thúc đẩy bán đi những cổ phần, những tài sản mà thực sự Nhà nước không cần nắm giữ và thu hồi số vốn ấy về để tập trung đầu tư vào những khâu, những lĩnh vực then chốt thuộc hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty mà dưới quyền quản lý” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng đồng thời đề xuất, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ủy ban cần nâng cao vai trò của SCIC “phải thúc đẩy, buộc các bộ, UBND các cấp chuyển những doanh nghiệp mà đáng ra thuộc về SCIC nhưng lâu nay chưa được chuyển về phải được chuyển về và thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp lại, đổi mới quản trị, làm cho doanh nghiệp tốt hơn, để có thể bán vốn nhà nước một cách có hiệu quả hơn”./.

Từ khóa: cổ phần hoá, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, cổ phần hoá giậm chân tại chỗ

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập