Có nên tồn tại mô hình “Hiệp sĩ đường phố” nữa hay không?

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN-Có thể giai đoạn lịch sử nào đó đội ngũ hiệp sĩ cần tồn tại để đảm bảo an ninh trật tự, nhưng giai đoạn hiện nay nên dành quyền đó cho cơ quan Nhà nước.

"Hiệp sĩ đường phố" Bình Dương giả danh công an cướp sòng bạc tại Sóc Trăng; một số thành viên của nhóm hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải lên mạng xã hội bóc phốt nhau về việc giúp người lấy tiền, thậm chí lấy mác “hiệp sĩ đường phố” để công khai làm bảo kê… Đây là câu chuyện đang làm xấu đi hình ảnh của những hiệp sĩ đường phố vốn được dư luận tôn vinh là những con người can đảm, trọng nghĩa dám xả thân không vụ lợi…

Phải chăng, lực lượng hiệp sĩ đường phố đang lộng quyền, quá ảo tưởng vào sức mạnh của mình? Vai trò quản lí của chính quyền ở đâu khi để xảy ra những sự việc như thế này? Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch về vấn đề này.

co nen ton tai mo hinh "hiep si duong pho" nua hay khong? hinh 1
Thạch Đạt (ngồi), từng tham gia Câu lạc phòng chống tội phạm phường Phú Hòa ra đầu thú vì giả danh công an cướp sòng bạc ở Sóc Trăng.

PV: Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của mô hình “Hiệp sĩ đường phố” trong thời quan qua. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đang ngầm chứa những rủi ro không chỉ đối với bản thân hiệp sĩ đường phố mà còn đối với cả cộng đồng, thưa ông?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, các Hiệp sĩ ở TPHCM và Bình Dương là 2 địa phương có tình hình an ninh trật tự khá phức tạp đã có đóng góp rất lớn trong việc giữ trật tự xã hội. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến các hiệp sĩ thực sự trượng nghĩa, thực hiện công việc đó như bản năng của mình để giúp xã hội. Tuy nhiên, bắt cướp, khống chế những người vi phạm pháp luật cần có môi trường đào tạo chuyên nghiệp thì mới có thể thực hiện được. Nếu chỉ cần bất kỳ sai sót dù nhỏ nhất thì nó có thể ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, tính mạng của các hiệp sĩ, cũng như chính những người bị hiệp sĩ bắt, khống chế, thậm chí là người dân.

Nhìn những cảnh tượng truy đuổi tội phạm trên đường phố nhiều khi cảm thấy thót tim, nguy hiểm không chỉ đối với hiệp sĩ, người bị truy đuổi mà còn đối cả hệ thống giao thông. Vậy nên, bản thân công an cũng không khuyến khích việc đuổi các xe vi phạm hay người phạm tội mà phải có các biện pháp khác nhằm đảm bảo an toàn chung cho xã hội.

PV: Với một số hành động của hiệp sĩ Bình Dương như giả danh công an hay giả danh hiệp sĩ đường phố để làm bảo kê, ông nhìn nhận như thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật luôn luôn công bằng, bất kỳ cá nhân nào vi phạm pháp luật thì đều bị trừng trị theo quy định. Vì ngoài tính chất răn đe còn có ý nghĩa giáo dục chung trong toàn xã hội.

Ở đây, tôi thấy có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù những người là hiệp sĩ đường phố hay bất kỳ ai thì đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những hậu quả của việc phát triển khá nóng mô hình hiệp sĩ trong thời gian qua ở TPHCM và Bình Dương.

Để trấn áp tội phạm, từ trước đến nay luôn đề cao phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng không có nghĩa ai cũng là chiến sĩ công an, ai cũng là bộ đội, mà đề cao theo hướng tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi người không vi phạm pháp luật thì xã hội sẽ an toàn.

Còn nói lực lượng hiệp sĩ có thể thay các cơ quan đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn như công an xã, phường, quận là không đúng. Chúng ta nên xem hiệp sĩ là lực lượng hỗ trợ mà không nên xem đây là lực lượng cần phải có trong phường, xã.

PV: Như ông nói ở TPHCM và Bình Dương thời gian qua phát triển khá nhanh mô hình “Hiệp sĩ đường phố”. Ông có nghĩ rằng, mô hình này phát triển khá nhanh nhưng lại thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng?

Luật sư Trần Tuấn Anh: TPHCM và Bình Dương cũng loay hoay trong việc tìm nơi quản lý và cũng đã thành lập tổ đội, có quy chế hoạt động. Tuy nhiên, vì không có hành lang pháp lý nên dù xây dựng quy chế nhưng khi đối chiếu các quy định pháp luật về an ninh trật tự thì nó lại trái. Nên chúng ta chưa xây dựng được mô hình vững chắc cho các hiệp sĩ hoạt động.

PV: Mọi người đều kêu gọi toàn dân phòng chống tội phạm nhưng để trao quyền cho hiệp sĩ như một lực lượng chức năng thì không đúng, thưa ông. Bởi nếu nghi ngờ tội phạm thì hiệp sĩ đường phố có thể báo cho cơ quan có trách nhiệm?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Là công dân, nếu thấy hành vi vi phạm thì phải báo cho cơ quan chức năng. Bởi vì không ai có thể xâm phạm đến thân thể người khác, kể cả người đó vi phạm pháp luật, nên phải lực lượng chức năng thực hiện theo một trình tự, thủ tục nhất định theo Bộ luật tố tụng Hình sự.

Hiện nay, từ nhận tin tố giác của công dân cho đến điều tra, xác minh đều đã có lực lượng chức năng thì việc tồn tại lực lượng hiệp sĩ là không cần thiết. Dưới góc độ xã hội, mô hình này chủ yếu ở TPHCM và Bình Dương, còn ở 61 tỉnh thành khác không có. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự của của 61 tỉnh này cũng không phức tạp hơn. Do đó, cần phải đánh giá lại việc có nên tồn tại mô hình này hay không, cơ quan chức năng cần xem xét một cách nghiêm túc.

PV: Trong trường hợp mô hình này vẫn được khuyến khích thì cần phải đặt ra giới hạn nào đối với hiệp sĩ đường phố, thưa ông?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Rất khó để đưa ra quy chế đối với hiệp sĩ đường phố, bởi đây không phải là lực lượng chính quy, được đào tạo bài bản. Nếu tăng quyền thì vi phạm luật tố tụng, còn nếu giảm quyền thì mô hình này coi như trở lại như cũ. Do đó, có thể giai đoạn lịch sử nào đó đội ngũ hiệp sĩ cần tồn tại để đảm bảo an ninh trật tự, nhưng đến giai đoạn hiện nay, nên dành quyền này cho cơ quan Nhà nước.

Như chúng ta đã tăng cường lực lượng công an chính quy về xã thì hoàn toàn có thế gánh vác những công việc mà các hiệp sĩ đã làm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ khóa: hiệp sĩ đường phố, hiệp sĩ đường phố lộng quyền, săn bắt cướp, công an chính quy về xã

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập