Có nên để cấp tỉnh, thành quản lý hoạt động thi người đẹp, người mẫu?

Cập nhật: 14/07/2020

VOV.VN- Các thành viên Chính phủ lựa chọn phương án Bộ VHTT&DL quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp theo địa bàn.

Sáng 14/7, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo Bộ trưởng, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79 và 15 đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi. Trong đó có việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

co nen de cap tinh, thanh quan ly hoat dong thi nguoi dep, nguoi mau? hinh 1
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Bên cạnh đó, quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi. Về thủ tục, so với quy định hiện nay, dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính, như cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam.

Dự thảo Nghị định cũng phân cấp quản lý theo hướng hoạt động biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó. Ngoài ra, dự thảo Nghị định không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế, các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.

Thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu đáp ứng điều kiện không vi phạm trật tự công của Nhà nước: Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

co nen de cap tinh, thanh quan ly hoat dong thi nguoi dep, nguoi mau? hinh 2

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều thống nhất quan điểm cần có quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng còn ý kiến khác nhau về biện pháp quản lý.

Bộ đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ về hai phương án: Phương án 1: Bộ VHTT&DL quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn. Phương án này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay. Phương án 2: Tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức “chui” như hiện nay.

Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ VHTT&DL cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu. Theo Bộ trưởng, kết quả có 20/23 Thành viên Chính phủ chọn phương án 1; 3/23 ý kiến chọn phương án 2.

Thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, so với quy định hiện hành (Bộ VHTTDL chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia mỗi năm), dự thảo Nghị định không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong năm. Thay vào đó, chỉ cần đáp ứng quy định tại các điều trong Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Cũng theo cơ quan thẩm tra, thời gian qua, hoạt động thi người đẹp, người mẫu diễn ra khá sôi động ở cả Trung ương và địa phương, với quy mô, cách thức tổ chức, tiêu chí đánh giá tương đối đa dạng, phong phú.

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với thực tế hiện nay, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý với phương thức quản lý đổi mới trong dự thảo Nghị định. “Ủy ban chỉ lưu ý Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về điều kiện, năng lực tổ chức, quản lý; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam”, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, lĩnh vực này lâu nay đã thu được nhiều “trái ngọt”, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều “trái đắng”. Ông lưu ý, nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu gây lùm xùm, tốn giấy mực của báo chí, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… Vậy giờ phân cấp cho địa phương thì quản lý thế nào. “Chúng ta nên có kiểm soát, không nên phân cấp cho địa phương. Tôi không theo phương án lựa chọn đa số của các thành viên Chính phủ”, ông Hiển nêu.

Không chỉ hoạt động biểu diễn trên sân khấu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh thực trạng “biểu diễn” trong cộng đồng, đặc biệt tại các sự kiện cưới hỏi, rất ồn ào, hát hò nhảy múa rất phản cảm. Rồi nhiều cuộc thi “người đẹp thôn, người đẹp xã, phường…” gây tốn kém, lãng phí, cần quy định cụ thể để quản lý tốt hơn./.

Từ khóa: tổ chức thi hoa hậu, cuộc thi hoa hậu, cuộc thi người đẹp, quản lý hoạt động thi người đẹp, bộ vhttdl

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập