Có nên bỏ chế độ biên chế suốt đời với giáo viên?
Cập nhật: 04/11/2019
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
VOV.VN - Việc bỏ chế độ biên chế suốt đời với giáo viên được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho các trường tự chủ tuyển dụng người tài, song vẫn còn những lo ngại.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang nhận được nhiều quan tâm từ các đại biểu. Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng từ chính sách này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ chế độ biên chế suốt đời với giáo viên sẽ trở thành động lực cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng cũng đặt ra những nỗi lo khiến giáo viên khó lòng yên tâm gắn bó lâu dài với nghề...
Nội dung bỏ biên chế suốt đời với giáo viên đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận xã hội. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Trao đổi về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Hùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội ủng hộ phương án bỏ chế độ biên chế suốt đời với giáo viên. Thầy Hùng cho rằng việc này nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Mỗi người sẽ phù hợp với một vị trí việc làm và được nhận mức lương theo từng công việc. Nếu tiếp tục duy trì hình thức biên chế như hiện nay, việc trả lương giáo viên bị hạn chế, không tạo được hiệu quả làm việc. “Nếu chúng ta bỏ biên chế, trả lương theo vị trí việc làm sẽ khá giống với mô hình mà các trường ngoài công lập đang làm. Bản thân tôi đang dạy ở trường tư thấy rằng động lực làm việc rất lớn trong từng tiết học. Giáo viên không có sức ì trong công việc, bởi chất lượng công việc sẽ ảnh hưởng đến vị trí, mức lương, mỗi người đều phải tự vận động. Tuy nhiên khi bỏ biên chế giáo viên, cũng cần xem xét đánh giá tác động xã hội đa chiều. Với những vùng sâu vùng xa nên có biện pháp hỗ trợ giáo viên, nhưng trên diện rộng thì đây là giải pháp tiến bộ cần thực hiện càng sớm càng tốt”.
Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, viên chức thực hiện ký hợp đồng lao động có thời hạn sẽ giúp người lao động thực hiện công việc nghiêm túc hơn. Theo GS Dong, hiện có một đội ngũ giáo viên không nhỏ khi được vào biên chế thì chểnh mảng công việc, do đó với những đề xuất nêu trên nếu giáo viên không nỗ lực, phát huy năng lực của bản thân thì không thể tồn tại được.
Đối với quy định không có hình thức hợp đồng lao động không xác định thời gian sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động loại bỏ người có năng lực yếu kém, không làm được việc. Ngoài ra, việc ký hợp đồng lao động có thời hạn khi cần lao động đến đâu, các trường, địa phương sẽ ký hợp đồng lao động đến đó, từ đó, cũng tránh được tình trạng thừa thiếu giáo viên như hiện nay. “Khi cân đối được đội ngũ thì quỹ tiền lương sẽ ổn định hơn và thu nhập của giáo viên sẽ tốt hơn”, GS Dong nhận định.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, hiện nay không ít nhà trường có tình trạng, giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, nhất là thái độ với nghề nghiệp chưa đúng chuẩn mực nhưng vẫn phải bố trí việc làm vì họ đã vào biên chế. Cũng không ít nhà trường cần tuyển giáo viên, nhân viên để làm việc mà không được tuyển.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, việc cào bằng chế độ khiến nhà trường thiếu động lực thay đổi. “Tôi cho rằng, cần “cởi trói” để các nhà trường chủ động tuyển dụng, bố trí việc làm, đánh giá, sa thải giáo viên một cách minh bạch và chịu trách nhiệm với Nhà nước, với nhân dân”.
Cần cân nhắc khu vực miền núi
Trong khi đó, thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng Tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam lại cho rằng, biên chế giống như một “thói quen” không phải nói bỏ là bỏ. Việc bỏ biên chế suốt đời với giáo viên có thể thực hiện ở các thành phố lớn, nhưng tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nếu bỏ sẽ khiến giáo viên hụt hẫng.
“Nhiều lần tôi lên miền ngược để bổ túc cho các giáo viên tại đây mới thấy các thầy cô sống rất khổ sở. Có thể mức lương họ cao hơn ở miền xuôi nhưng lại phải hy sinh cả thanh xuân. Nhiều người từ các tỉnh đồng bằng lên vùng cao dạy học cũng chỉ để được vào biên chế. Do đó, nếu bỏ biên chế ở các thành phố có thể chấp nhận được, nhưng tại các vùng khó khăn dễ bị khủng hoảng về giáo viên".
Lo ngại khi bỏ biên bế chế đối với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường sẽ thâu tóm quyền lực và việc ký hợp đồng hay tuyển dụng giáo viên sẽ xảy ra tiêu cực, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, trước tiên các cần phải có quy định thành lập hội đồng trường ở các trường phổ thông. Hội đồng sẽ làm công việc tuyển dụng giáo viên, ký hợp đồng lao động với giáo viên… Hội đồng trường này sẽ do cộng đồng xã hội giám sát, để tránh quyền lực giao cho hiệu trưởng. Như vậy, việc ký hợp đồng lao động đối với giáo viên sẽ tránh được tiêu cực.
“Chỉ khi nào các trường phổ thông thành lập được hội đồng trường thì quy định bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên mới thực hiện hiệu quả”, ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh./.
Hàng chục giáo viên hợp đồng Sóc Sơn xin rút không thi viên chức
Không có giáo viên hợp đồng nào tại Hà Nội được xét tuyển đặc biệt
Hàng ngàn giáo viên hợp đồng của Hà Nội tắt ngấm hy vọng
Từ khóa: bỏ chế độ biên chế với giáo viên, biên chế giáo viên, giáo viên hợp đồng, luật công chức, viên chức
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN