Cơ hội chuyển đổi số trong đào tạo ở bậc Đại học
Cập nhật: 17/04/2020
VOV.VN - "Dịch bệnh Covid-19 vừa thách thức nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi số trong đào tạo ở bậc đại học".
Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19” do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay với sự tham gia của hơn 300 điểm cầu trong cả nước.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến hướng tới phát triển các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đối với giáo dục đại học trong tương lai chứ không chỉ trong bối cảnh có dịch Covid-19 như hiện nay.
ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: VNU) |
Việc phải tạm ngừng học tập trung kéo dài do dịch Covid-19 là một thách thức rất lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học. Để ứng phó với việc chưa thể quay lại học tập trung, các cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng các phương pháp đào tạo trực tuyến.
Thực tế của hoạt động giảng dạy trực tuyến đã cho thấy có nhiều khó khăn, thách thức nhất định. Tuy nhiên, đại diện các cơ sở đào tạo đại học cho rằng, đây là cơ hội để tạo ra “cú huých” trong chuyển đổi số của ngành giáo dục nói chung và lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói: "Chúng tôi coi đây là cơ hội, không chỉ học offline sang online mà đây thực sự là quá trình chuyển đổi số trong đào tạo đại học. Việc chia sẻ giữa các trường đại học hết sức quan trọng. Trong quá trình chuyển đổi số sẽ hình thành những chuỗi giá trị. Các trường sẽ cung cấp các giá trị của mình về nội dung về bài giảng, về học liệu và những cái khác nữa".
Nói về những cơ hội nếu biết thay đổi kịp thời để thích ứng với tình hình mới trong dạy và học của giáo dục đại học Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thuỷ, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết: "Giáo dục đại học Việt Nam sẽ có cơ hội đóng vai trò đầu tàu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ. Giáo dục đai học Việt Nam sẽ cần nhìn nhận lại phương thức dạy và học, nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển dịch vụ đao tạo đại học mới, tái cấu trúc lại đội ngũ giảng viên của mình để bắt kịp xu hướng của thời đại".
Còn theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, không chỉ trong dịch Covid-19 các trường đại học mới phải đào tạo trực tuyến, mà các cơ sở giáo dục đại học đã thực sự nhận thấy được tầm quan trọng của phương thức đào tạo online. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học thúc đẩy hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp ICT quốc gia, đa quốc gia; phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến hỗ trợ cho hình thức đào tạo truyền thống.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: "Không chỉ vấn đề chúng ta ứng phó với mùa dịch Covid-19 mà các cơ sở giáo dục đại học đã nhận thấy tầm quan trọng của việc dạy trực tuyến. Thực chất đây là chuyển đổi số trong ngành giáo dục và là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục. Việc này mở ra một triển vọng to lớn đối với sinh viên, sẽ có phương thức học tập đa dạng và có thể học mọi lúc, mọi nơi".
Theo thống kê, đến nay, cả nước có 110 trường đại học tham gia đào tạo trực tuyến với các mức độ từ đơn giản đến hoàn chỉnh. Trong số các trường đã đào tạo trực tuyến có 63 trường công lập, 42 trường ngoài công lập và 5 trường nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Hiện tại vẫn còn 104 trường đại học chưa đào tạo trực tuyến, trong đó công lập là 86 trường và 18 trường ngoài công lập. Ngoài ra, 33 trường khối an ninh - quốc phòng đều học trực tiếp, không đào tạo trực tuyến./.
Từ khóa: thi THPT quốc gia, ĐH Quốc gia Hà Nội, thi đánh giá năng lực, tuyển sinh đại học 2020, thi riêng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN