Cơ hội cho Tổng thống Pháp Macron trở thành người dẫn dắt EU sau bà Merkel?

Cập nhật: 27/09/2021

VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất muốn thay thế vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dù vậy, theo Washington Post, nhiều khả năng, châu Âu sẽ không có một nhân vật ảnh hưởng trung tâm duy nhất.

Sau khi cử tri Đức bỏ phiếu vào ngày 26/9 và một chính phủ mới được thành lập, Thủ tướng Angela Merkel sẽ rời nhiệm sở sau 16 năm với tư cách là nhân vật thống trị chính trường châu Âu.

Thủ tướng Đức Merkel mặc dù được ghi nhận là người dẫn dắt châu Âu qua nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng cũng bị chỉ trích là thiếu tầm nhìn chiến lược.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phong cách tự tin và phóng khoáng hơn, đôi khi khiến các đối tác châu Âu và cả Washington cảm thấy lăn tăn. Ông đã đưa ra các ý tưởng về một châu Âu độc lập và hội nhập hơn, chủ động hơn vì sự phòng thủ và các lợi ích của chính mình.

“Kỷ nguyên Macron”?

Nhưng sau “sự phản bội” của Anh-Mỹ trong vụ tàu ngầm với Australia, người ta cho rằng, ông Macron đôi khi có những tham vọng vượt quá tầm với của mình. Mặc dù thực tế kỷ nguyên Merkel sẽ kết thúc, một “kỷ nguyên Macron” vẫn khó có thể ra đời.

Thay vào đó, các nhà phân tích cho rằng, Liên minh châu Âu đang hướng tới một thời kỳ bất ổn kéo dài và tiềm ẩn sự suy yếu và bấp bênh. Không một nhân vật nào, kể cả ông Macron, hay một thủ tướng mới của Đức, sẽ có ảnh hưởng như bà Merkel - một nhà lãnh đạo quyền lực, tài năng, người lặng lẽ dàn xếp thỏa hiệp và xây dựng sự đồng thuận giữa nhiều nhân vật lớn và bất đồng chính kiến.

Điều đó khiến người ta mường tượng ra viễn cảnh về sự tê liệt hoặc một châu Âu rối ren với những thách thức của mình, về việc phải làm gì với một nước Mỹ ngày càng lạnh nhạt, với Trung Quốc và Nga, cũng như về thương mại và công nghệ - hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là phá vỡ sự thống nhất vốn luôn “bấp bênh” của khối.

Ông Macron, chuẩn bị tái tranh cử vào tháng 4/2022, sẽ phải chờ đợi một chính phủ mới ở Berlin - có thể sẽ chưa hoạt động cho đến tháng 1/2022 hoặc lâu hơn, sau đó làm việc chặt chẽ với một thủ tướng ít có sức ảnh hưởng hơn của Đức.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị cho biết: “Chúng ta sẽ có một thủ tướng Đức yếu hơn đứng đầu một liên minh rộng lớn hơn, ít thống nhất hơn. Một thủ tướng yếu hơn sẽ ít có khả năng gây ảnh hưởng ở châu Âu, và với cuộc bầu cử ở Pháp, chu kỳ chính trị của 2 quốc gia chủ chốt này sẽ không đồng bộ với nhau”.

Sự bất ổn có thể sẽ kéo dài cho đến sau cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào tháng 6/2022 – cuộc bầu cử được nhận định là ông Macron sẽ giành chiến thắng.

Cơ hội thúc đẩy tầm nhìn về quân đội chung châu Âu?

Ông Macron cho rằng châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ lợi ích của chính mình trong một thế giới mà Trung Quốc đang trỗi dậy và Mỹ đang tập trung vào châu Á. Giới chức Pháp đang chuẩn bị cơ sở cho một số vấn đề chính và chờ đợi đến tháng 1/2022, khi Pháp tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Nhưng với khả năng các cuộc đàm phán thành lập liên minh ở Đức có thể kéo dài, cơ hội để đạt được những bước tiến nhất định là rất hẹp.

Ông Macron sẽ cần sự giúp đỡ của Đức. Vì vậy, xây dựng mối quan hệ với tân thủ tướng Đức, dù là nhân vật ít ảnh hưởng hơn, sẽ vẫn là mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Pháp.

“Phong cách lãnh đạo của ông Macron có tính đột phá và phong cách của người Đức là thay đổi các thể chế một cách từ từ. Cả hai sẽ cần suy nghĩ về cách họ có thể trợ giúp đối phương một cách xây dựng”, bà Daniela Schwarzer, Giám đốc điều hành phụ trách Châu Âu và Á-Âu của Tổ chức Open Societies Foundations, nhận định.

Sau khi Australia bất ngờ hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp và chọn thỏa thuận với Anh và Mỹ, nhiều lãnh đạo châu Âu có xu hướng đồng quan điểm với ông Macron rằng châu Âu phải bớt phụ thuộc hơn vào Mỹ và quan tâm nhiều hơn vào việc bảo vệ chính mình.

Tuy nhiên, ở châu Âu cũng ít người muốn hủy hoại vĩnh viễn mối quan hệ với Mỹ và NATO.

Marta Dassu, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Italy và Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu tại Viện Aspen, cho biết: “Italy muốn một châu Âu mạnh mẽ hơn, điều đó ổn thôi, nhưng về NATO, chúng tôi không cùng quan điểm với Pháp”.

Theo bà Dassu, Thủ tướng Italy Mario Draghi, người có ảnh hưởng ở Brussels, tin tưởng mạnh mẽ vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

“Chúng tôi gần Đức hơn Pháp, nhưng không có sự mơ hồ về Nga và Trung Quốc”, bà Dassu nói.

Các quan chức cho biết, Pháp cũng muốn trở nên quyết đoán hơn bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế và tài chính mà châu Âu đã có, đặc biệt là thương mại và công nghệ. Mục đích của Pháp không phải là thúc đẩy quá nhanh, quá mạnh mà là nâng tầm cuộc chơi của châu Âu trước Trung Quốc và Mỹ.

Sẽ khó có nhân vật thay thế ảnh hưởng của bà Merkel

Nước Đức sẽ phải trải qua một quá trình chuyển đổi. Một thủ tướng mới của Đức dự kiến chỉ giành được 1/4 số phiếu bầu và có thể phải đàm phán thỏa thuận liên minh giữa 3 đảng khác nhau. Quá trình này có thể sẽ kéo dài cho tới Giáng sinh, thậm chí lâu hơn.

Thủ tướng mới cũng sẽ cần phải bắt kịp các vấn đề châu Âu, vốn hầu như không xuất hiện trong chiến dịch tranh cử và xây dựng uy tín với tư cách là người mới trong số 26 nhà lãnh đạo của EU.

Cho dù ai chiến thắng, chính sách của Đức đối với châu Âu sẽ gần như không thay đổi, bởi Đức là một quốc gia gắn kết sâu sắc với các lý tưởng EU, thận trọng và muốn giữ gìn sự ổn định và thống nhất. Câu hỏi thực sự là liệu bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu nào có thể trở thành lực lượng gắn kết như những gì bà Merkel từng làm - và nếu không, điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của châu lục.

“Bản thân bà Merkel đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đoàn kết của EU. Bà luôn ghi nhớ lợi ích của rất nhiều người ở châu Âu, đặc biệt là Trung Âu và cả Italy, để mọi người luôn ở trên một con tàu”, nhà phân tích Ulrich Speck của Quỹ Marshall Đức cho biết.

Một quan chức cấp cao của châu Âu gọi bà Merkel là “người bảo vệ” các giá trị của EU, luôn coi EU là cốt lõi trong chính sách của mình, đồng thời sẵn sàng nhún nhường để duy trì đoàn kết của khối.

Thomas Kleine-Brockhoff, người đứng đầu văn phòng Berlin của Quỹ Marshall Đức, cho biết: “ Bà Merkel đã đóng vai trò hòa giải khi có rất nhiều thế lực đang làm suy yếu châu Âu. Chưa rõ vị thủ tướng tiếp theo sẽ có vai trò như thế nào và ảnh hưởng của nước Đức sẽ ra sao”.

Ông Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng “dù ai trở thành thủ tướng mới, Đức vẫn đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với các nước khác trong các vấn đề lớn, từ cách đối phó với Trung Quốc đến các cuộc chiến công nghệ và biến đổi khí hậu”. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Pháp Macron “biết rằng ông ấy sẽ phải vượt qua cái bóng của Đức”.

Dù vậy, vị trí của Pháp và Italy cũng rất quan trọng trong các vấn đề tài chính đang chờ giải quyết như tích hợp tài chính và ngân hàng, hoàn thiện thị trường đơn nhất và giám sát quỹ phục hồi đại dịch Covid-19.

Việc bà Merkel rời khỏi chính trường có thể tạo cơ hội cho những loại thay đổi mà ông Macron mong muốn, ngay cả khi ở phiên bản thu nhỏ. Một số nhà phân tích cho rằng “tình yêu” của bà Merkel đối với nguyên trạng là lạc hậu vào thời điểm mà châu Âu phải đối mặt với rất nhiều thách thức./.

Từ khóa: Lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Đức Merkel, Angela Merkel, Tổng thống Pháp Macron, nữ hoàng châu Âu, đầu tàu châu Âu, EU, Liên minh châu Âu, bầu cử Đức, NATO, quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập