Cơ hội cho nông sản Việt Nam vào châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực

Cập nhật: 21/09/2020

VOV.VN - Thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu có những khác biệt, vì vậy nông sản Việt Nam cần có những thay đổi trong cách thức sản xuất, cung ứng để vào thị trường châu Âu.

Hiện nay thì thị trường Liên minh châu Âu – EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam và sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực thì tiềm năng phát triển của thị trường này càng rộng mở hơn. Bao lâu nay thì các mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn có danh tiếng tốt tại thị trường châu Âu do chúng ta có nhiều loại quả nhiệt đới đa dạng, nhiều sản phẩm chủ lực có chất lượng và năng suất cao như gạo, cà phê.

Hiện tại ở châu Âu thì gạo và chanh leo là hai mặt hàng rất được chào đón. Như tại Pháp, gạo được nhập nhiều qua hệ thống siêu thị châu Á tại Paris còn chanh leo hay các loại hoa quả khác được nhập qua chợ đầu mối Rungis, là khu chợ đầu mối lớn nhất châu Âu. Ngoài ra, mặt hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam cũng hiện diện tương đối nhiều trong các siêu thị và mỗi năm Việt Nam cũng xuất khẩu được hơn 1,1 tỷ euro sang thị trường này.

Nhìn chung, các mặt hàng nông sản Việt Nam được đánh giá cao về sự đa dạng, về tính mới lạ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải vượt qua nhiều rào cản về thị hiếu cũng như về kênh tiêu thụ mà hy vọng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, với mức thuế về 0% với rất nhiều sản phẩm sẽ có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vào được châu Âu hơn.

Thị trường châu Âu vốn vẫn được biết đến là một trong những thị trường có những tiêu chuẩn khắt khe nhất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất. Do đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam đều phải đáp ứng đủ các yêu cầu như có chứng nhận an toàn thực phẩm, có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tôn trọng sự phát triển bền vững, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động. Những điều này đều đã được đề cập trong Hiệp định EVFTA và được coi là các tiến bộ lớn.

Trước khi xuất khẩu sang châu Âu, các mặt hàng của Việt Nam đều đã được kiểm tra kỹ về các yêu cầu nên hầu như không có, hoặc rất ít mặt hàng bị trả lại. Tuy nhiên, EU cực kỳ quan tâm đến khía cạnh môi trường khi châu lục này đang đặt tham vọng biến thành một châu lục xanh vào năm 2050 và thời gian qua Ủy ban châu Âu đã ra lệnh cấm với hàng loạt thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, đối với mặt hàng nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chế biến, khai thác, cũng như trong quy trình sản xuất vì rất dễ bị Ủy ban châu Âu kiểm tra, đánh giá, thẻ vàng đối với thủy sản là một ví dụ.

Thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu cũng rất khác châu Á, đây là một trong những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý. Ví dụ, mặt hàng quả vải. Cách đây vài năm Việt Nam đã xuất khẩu thành công quả vải sang Pháp nhưng thực tế là trong các chuỗi siêu thị lớn của Pháp như Carrefour, Auchan… lại chủ yếu bán vải của Madagascar hay một số nước châu Phi. Loại vải này nhỏ, vỏ khô, rất ít nước nhưng có lợi thế là bán được trong phần lớn thời gian trong năm, trong khi quả vải Việt Nam lại chủ yếu trong Hè, thời điểm mà thị trường hoa quả ở châu Âu vô cùng đa dạng.

 Do đó, có lẽ Việt Nam cũng nên tính đến đẩy mạnh việc bán các sản phẩm vải sấy khô.

Một ví dụ khác là quả xoài. Người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng loại xoài cứng và ngọt vừa phải của Bờ Biển Ngà hay Peru, trong khi đa số xoài Việt Nam lại mềm, ngọt. Vấn đề lớn nhất vẫn là nông sản Việt phải phát triển được các kênh phân phối hiệu quả vì trong các siêu thị tại Pháp, có nhiều mặt hàng nông sản, hoa quả khác như chanh, bưởi, hành, tỏi… của các nước khác thì đều không có gì khác biệt về mẫu mã, chất lượng so với nông sản Việt Nam./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập