“Cô gái nhà người ta” - Làn gió mới của dòng phim đề tài nông thôn
Cập nhật: 19/02/2020
VOV.VN - Bộ phim “Cô gái nhà người ta” mang lại một làn gió mát mẻ sau thời gian dài khán giả liên tục thưởng thức các món ăn về ngoại tình, tình tay ba...
Đề tài nông thôn dần bị quên lãng...
Cách đây khoảng chừng 10 năm, đề tài nông thôn được các nhà làm phim Việt nhiệt tình khai thác và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng. Tuy mỗi bộ phim có góc nhìn khác nhau, khai thác những câu chuyện khác nhau nhưng những vấn đề được đề cập nhiều nhất vẫn là làn sóng đô thị hóa, sự quan liêu, tha hóa, các tệ nạn mới trong xã hội…
Phim "Bão qua làng" củaNSƯT Trần Quốc Trọng. |
Có thể kể đến “Người thổi tù và hàng tổng” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, “Đất và người” (được chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường), “Bão qua làng” là bộ phim của đạo diễn NSƯT Trần Quốc Trọng, “Ma làng” với góc nhìn trực diện về đêm trước đổi mới ở nông thôn Việt Nam, “Gió làng Kình” phản ánh trực diện nông thôn thời đổi mới với sự xáo động về quyền lợi kinh tế, đất đai, ảnh hưởng tệ nạn xã hội ; “Làng ma 10 năm sau” tiếp sau thành công của bộ phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, phim “Bí thư tỉnh ủy” kể câu chuyện về thời kỳ cuối những năm 1960, đầu 1970, lấy nguyên mẫu là cố Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim Ngọc của tỉnh Vĩnh Phúc…
Một cảnh trong phim "Đất và người". |
Không thể không nhắc đến "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh lấy bối cảnh nông thôn hiếm hoi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng", xoay quanh cuộc đời đầy bất hạnh của những người phụ nữ nông thôn Bắc bộ thời hậu chiến. Bối cảnh chính trong phim được đặt tên là làng Đông - ngôi làng vắng bóng đàn ông bởi phái mạnh nơi đây đã đi chiến trận và chẳng hẹn ngày trở về. Xem phim khán giả sẽ không ít lần phải rùng mình ám ảnh bởi những định kiến hà khắc một thời...
Bối cảnh làng quê được đầu tư trong "Thương nhớ ở ai". |
Thế nhưng một vài năm trở lại đây, số lượng phim truyền hình về đề tài nông thôn trở nên khan hiếm. Và phải đến tận đầu năm 2020, khán giả mới lại được một lần nữa nhìn thấy hình ảnh làng quê Việt trên phim truyền hình "Cô gái nhà người ta" của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài truyền hình Việt Nam.
"Cô gái nhà người ta" đang lên sóng VTV3. |
Lấy bối cảnh ở một làng quê Bắc bộ, "Cô gái nhà người ta" xoay quanh câu chuyện về tình yêu, tình bạn cùng những khát khao khởi nghiệp của những chàng trai, cô gái, thế hệ trẻ ở nông thôn. Bộ phim tuy chưa tạo hiệu ứng mạnh mẽ nhưng mang lại một làn gió mới mát mẻ, dễ chịu sau một thời gian dài, khán giả Việt liên tục thưởng thức các món ăn về mâu thuẫn gia đình, ngoại tình, tình tay ba…
Muôn vàn khó khăn…
Năm 2016, sự thành công vang dội, có phần bất ngờ của “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” thậm chí còn khiến chính nhà đài ngỡ ngàng. Chiều thị hiếu khán giả, những bộ phim về đời sống gia đình hiện đại, về tình yêu nam nữ từ đó thi nhau chiếm sóng giờ vàng của nhà đài, với “bom tấn” “Quỳnh búp bê” và đạt đỉnh thành công rực rỡ với bộ phim truyền hình quốc dân “Về nhà đi con”.
Bộ phim "Quỳnh búp bê" của đạo diễn Mai Hồng Phong. |
Dễ dàng nhận thấy, nội dung của những bộ phim “thành thị” thường xoay quanh các vấn đề liên quan đến chuyện đôi lứa yêu nhau, mâu thuẫn gia đình: mẹ chồng-nàng dâu, ngoại tình; mối quan hệ đại gia - chân dài cùng dàn diễn viên đẹp, bắt mắt, ăn mặc hào nhoáng, bối cảnh sang trọng…
Tình tay ba trong "Về nhà đi con". |
Với các bộ phim về đề tài nông thôn, chuyện các đoàn phim phải đợi đến vài tháng trời chỉ để quay được vài tiếng trên cánh đồng lúa vào vụ mùa, tìm bối cảnh làng quê có cổng làng cổ, nhà gỗ, mái ngói, gian chợ đất, nhà tranh vách đất…. còn “khó hơn đường lên trời”.
Theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh – một trong hai đạo diễn phim “Thương nhớ ở ai”, điều khó khăn nhất của đoàn làm phim là phải tìm sân đình, sân kho, bờ kênh, con sông để ghép lại thành một bức tranh làng quê đẹp bình dị. Đoàn phim cũng phải tìm đến các nhà sưu tầm những vật dụng thời xưa ở nông thôn để mượn hoặc mua lại làm đạo cụ cho các cảnh quay trong phim". Đồng thời phải tiến hành quay ở 18 ngôi làng khác nhau và mất đến 3 năm để dàn dựng bối cảnh làng quê sao cho gần nhất với giai đoạn những năm 1954 – 1975.
Đạo diễn Trịnh Lê Phong. |
Đạo diễn Trịnh Lê Phong-phim “Cô gái nhà người ta” chia sẻ: “Làm phim về đề tài nông thôn thì cái khó khăn nhất chính là điều kiện sản xuất. Chúng tôi phải chọn bối cảnh rất nhiều nơi khác nhau để thành một làng, diễn viên phải đi xa để làm vai, thời gian đi lại rất mất công, di chuyển tốn kém”. Nữ diễn viên Phương Oanh cho biết, cô đã mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị phục trang cho vai cô giáo Uyên trong “Cô gái nhà người ta”. Mặc dù vậy, khi lên tạo hình, đạo diễn Trịnh Lê Phong vẫn chưa đồng ý, yêu cầu cô phải thay trang phục rộng và tuềnh toàng hơn nữa, giấu toàn bộ đường cong để cho ra đúng “chất” của một cô giáo quê…
Bên cạnh khung "giờ vàng" và chuyện bối cảnh, kịch bản cũng được xem là một trong những nguyên do quan trọng khiến phim đề tài nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định: “Những phim có doanh thu cao (nhiều tính giải trí) vẫn là những phim có khai thác ý tưởng, cấu trúc, thậm chí cả nội dung chi tiết của phim nước ngoài. Những phim này khi thực hiện và phát sóng ở nước ngoài đã đạt doanh thu cao rồi. Những phim do chính người Việt xây dựng kịch bản rất hiếm khi đạt doanh thu cao như thế. Nguyên nhân vẫn ở khâu kịch bản. Mặc dù Việt Nam là là mảnh đất phì nhiêu cho những người tìm truyện, nhưng rõ ràng khả năng tiếp cận cuộc sống của các biên kịch trẻ - những người đang thực sự hiện diện trong trận địa này – chưa thật mạnh mẽ và phong phú”.
Gian nan tìm bối cảnh phim đề tài nông thôn. |
Hầu hết phim về đề tài nông thôn đã lên sóng truyền hình được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Phim "Đất và người" chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; "Ma làng" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong. Bên cạnh đó còn có "Chuyện làng Nhô" được dựa trên tiểu thuyết "Kẻ ám sát cánh đồng" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Và ngay cả "Gia phả của đất" cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Hoàng Minh Tường. Điều này chứng minh rằng, chúng ta thiếu hẳn những kịch bản phim sáng tác mới về đề tài nông thôn.
Một lý do phim về đề tài nông thôn có số lượng ít vì nhà sản xuất phải dựa vào quảng cáo để thu hồi vốn. Thành ra xu hướng của phim ảnh lại đi theo hướng phụ thuộc vào nhà đầu tư. Đề tài nông thôn thường xuyên nhận được sự e ngại, dò xét từ các nhà tài trợ, bởi đối tượng câu rating là người trẻ, người thành thị. Và kết qủa là, thay vì định hình thị hiếu người xem, các nhà làm phim lại nương theo thị hiếu của khán giả.
Ở Hàn Quốc, trong lịch sử 100 năm của điện ảnh Hàn, chưa ai làm được kỳ tích như đạo diễn Bong Joon Ho với bộ phim “Ký sinh trùng”-khi vừa giành giải Cành Cọ Vàng vừa giành cú ăn 4 lịch sử tại Oscar 2020. Một trong những lý do quan trọng làm nên chiến thắng của “Ký sinh trùng” là bộ phim đã châm biếm sâu sắc và lên án sự bất bình đẳng trong xã hội Hàn Quốc, cùng việc quan tâm đến bi kịch của những mảnh đời tuyệt vọng dưới đáy xã hội…
Bên cạnh đời sống đô thị sôi động và phong phú thì đời sống làng quê Việt Nam cũng là nguồn chất liệu phong phú và dồi dào cho các nhà làm phim. Bởi vậy, các nhà quản lý, các cơ quan truyền thông, nhà làm phim cần có trách nhiệm mô tả, phản ánh đúng thực trạng xã hội ở nhiều chiều, nhiều phương diện khác nhau./.
Phương Oanh bị căng thẳng khi hôn Đình Tú trong “Cô gái nhà người ta”
Mối tình không phân biệt tuổi tác của cặp đôi “Cô gái nhà người ta“
Từ khóa: Cô gái nhà người ta, phim đề tài nông thôn, đề tài nông thôn, phim việt đề tài nông thôn, bối cảnh phim đề tài nông thôn
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN