Có công chức móc nối, bảo kê dự án ma lừa dân hay không?
Cập nhật: 05/11/2019
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai
Tổng kiểm kê tài sản công để khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước
VOV.VN - Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để dự án ma tồn tại lừa dân.
Sáng 5/11, phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Đinh Duy Vượt – đoàn Gia Lai đánh giá công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực.
Những vấn đề nổi cộm đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan tư pháp tập trung xử lý, giải quyết, nhất là tấn công, trấn áp, xử lý mạnh các loại tội phạm như hoạt động tín dụng đen, sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy, đánh bạc ngàn tỷ, băng nhóm lừa đảo.
Đại biểu Đinh Duy Vượt. |
Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng xảy ra ở nhiều nơi.
Điển hình trong số đó là vụ Công ty Alibaba lừa đảo với hàng ngàn người bị hại, số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khó có khả năng khắc phục. Công ty Angel Lina có hành vi lừa đảo tương tự, chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng, hay vụ khởi tố ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh về tội lừa dối khách hàng.
Các vụ việc trên được vạch trần, dư luận nhân dân đồng tình đánh giá cao sự quyết liệt, trí tuệ, kiên trì đấu tranh của lực lượng công an và các cơ quan tố tụng.
Qua các phương tiện thông tin, qua đơn thư của cử tri, đại biểu nhận thấy lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho các đối tượng lừa đảo hoạt động mạnh nhất, hình thành nên các băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho kinh tế và trật tự xã hội. Mối nguy này đang tiềm ẩn gây ra nợ xấu trong một số tổ chức tín dụng vô tình tiếp tay cho các “dự án ma” của băng nhóm lừa đảo.
Theo ông, còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động như Công ty Alibabba, hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi.
Các công ty này đều có thủ đoạn với công thức ban đầu là “nổ”, "lòe", lừa, giăng bẫy đưa khách hàng vào mê hồn không dễ nhận biết, lừa lọc không từ một ai để thu tiền. Tiếp đó, dùng nhiều chiêu trò gian manh, ủy quyền hợp đồng sang nhượng, bán dự án lòng vòng.
“Với chiêu thức kiểu "ve sầu thoát xác" nhằm vừa chiếm đoạt tiền, vừa che giấu hành vi, xóa dấu vết hồ sơ phạm tội sau đó đổ thừa, lánh mặt, “xù” hàng trăm người bị lừa nhằm trốn tránh trách nhiệm, đẩy nhiều gia đình vào khốn khổ, thậm chí đến đường cùng” – đại biểu Đinh Duy Vượt nói.
Đại biểu đặt câu hỏi: Có phải tại cơ chế, kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước? Hay nguyên nhân chính là có công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác, cùng tạo ra môi trường tù mù, lùng bùng để tội phạm lộng hành, chiếm đoạt tài sản?
Nhấn mạnh đây cũng là môi trường hoạt động của nhiều loại tội phạm, kể cả rửa tiền, nơi kiếm chác, làm ăn của nhiều đối tượng bất lương, đại biểu đoàn Gia Lai đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, các cơ quan tố tụng tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt điều tra, truy tố, trừng trị nghiêm liên minh có tổ chức trên lĩnh vực đất đai và các lĩnh vực khác.
“Đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để "dự án ma" tồn tại, nở rộ kiểu "con voi chui lọt lỗ kim"- đại biểu đề nghị./.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Rất nhiều Thẩm phán xin nghỉ việc
Từ khóa: dự án ma, công ty Alibaba, lừa đảo, bất động sản, Kỳ họp thứ 8
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN