"Cơ chế phù hợp với lòng người sẽ khơi dậy triệt để nhất động lực văn hoá của con người"
Cập nhật: 24/11/2021
Cùng Phố ông Đồ, Đường mai đón Tết sớm ở TP.HCM
TasteAtlas praises Vietnamese spring rolls on global list of best fried-dishes
VOV.VN - GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống...
Chiều 24/11, tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trình bày tham luận về vấn đề cần nhìn nhận một cách đầy đủ động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá trong sự phát triển của đất nước.
GS.TS Lê Hồng Lý cho biết văn hoá trong quá trình phát triển của đất nước đã được thảo luận trong nhiều năm qua, từ đề cương văn hoá năm 1943 đến bước chuyển quan trọng là Nghị quyết Trung ương V khoá 8, sau đó là nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và gần đây nhất được khẳng định bởi Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XIII.
Trải qua những thử thách và thực tế thời gian qua, kinh tế cho thấy sự phát triển nhanh chóng đã đạt được rất nhiều thành tích quan trọng, tuy nhiên, văn hoá lại chưa có sự nhìn nhận đầy đủ. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã khẳng định lại và làm sâu sắc hơn vai trò của văn hoá trong hoàn cảnh mới. Ngày 17/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", trong đó nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống
GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng cần nhận thức rõ sự hiện diện của văn hoá trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Văn hoá chính là con người, gắn chặt với con người trong mọi khía cạnh cuộc sống, mọi thời điểm từ lúc họ sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay và chi phối họ trong tất cả mọi hành vi, thái độ, ứng xử ở mọi nơi mọi lúc…
Hiểu như vậy để thấy rõ văn hoá là động lực, là sức mạnh nội sinh. Cũng phải thấy rằng, văn hoá có mặt tích cực và tiêu cực của nó, cái tiêu cực ta thường gọi là phản văn hoá hay phi văn hoá, vô văn hoá, nhưng xét cho cùng nó vẫn là một sản phẩm do con người làm ra.
Để đẩy mạnh sự phát triển của xã hội thì phải khuyến khích, cổ vũ, đề cao những phần tích cực của văn hoá và hạn chế, kiềm chế, hướng đến triệt tiêu phần tiêu cực của văn hoá. Chúng ta không thể làm ngơ, bỏ qua hay tránh khỏi những phần tiêu cực này, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý, về mặt lý thuyết đều thống nhất với nhau và thực tế trên các giáo trình cũng như nội dung học tập, tuyên truyền của khá thống nhất về vấn đề này. Tuy nhiên trong thực tế, đôi khi vì những lý do này hay lý do khác, chúng ta lại quên đi sự nhìn nhận rộng về văn hoá và sự có mặt của nó trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người.
Ông nêu ra có thời kỳ, do ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần có lúc quá mức, nên trong các hoạt động chống mê tín dị đoan đã phá đi nhiều thiết chế văn hoá (đình, đền, chùa…), phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh, giá trị lễ nghĩa, trên dưới trong xã hội.
Ở phương diện đào tạo văn hoá, chúng ta thấy Đại học văn hoá trước đây chỉ tập trung vào 4 mảng theo chức năng quản lý của bộ văn hoá đó là: Bảo tàng, Thư viện, Văn hoá nghệ thuật và Văn hoá quần chúng…Gần như toàn bộ phần văn hoá tín ngưỡng như tên gọi phổ biến hiện nay không được nhắc đến hay nhắc đến với tâm lý kỳ thị. Nhiều loại hình văn hoá tín ngưỡng một thời bị cấm đoán, xoá bỏ đó ngày nay đã trở thành di sản văn hoá đại diện cho nhân loại như ta đã thấy, là minh chứng cho điều đó.
GS.TS Lê Hồng Lý khẳng định chúng ta đúng đắn khi coi văn hoá là một mặt trận trong chiến đấu và xây dựng. Trong giai đoạn trước, tất cả mọi nguồn lực vật chất và tinh thần của con người được tận dụng để hướng tới mặt trận, vì chiến thắng cuối cùng. Điều này được thể hiện rất rõ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Tuy nhiên trong xây dựng, nhất là đời sống cho toàn xã hội thì không phải lúc nào cũng nhìn được thật rõ động lực ấy của văn hoá. Khi đất nước còn nghèo, thì kinh tế được ưu tiên phát triển, do đó, không có sự nhìn nhận về vai trò của văn hoá nên nhiều giá trị văn hoá bị mất mát. Không chỉ các di sản vật thể và phi vật thể còn còn là những khía cạnh văn hoá liên quan đến đạo đức, lối sống, tâm hồn….của con người, dẫn đến sự tha hoá của một bộ phận cán bộ và trong xã hội...
Nhìn từ góc độ văn hoá đó chính là sự không nhìn nhận động lực của những khía cạnh văn hoá trong mọi hoạt động và hành vi cuộc sống. Sự buông lỏng của văn hoá gia đình xuất phát từ sự phó mặc việc nuôi dạy con cái cho nhà trường, đoàn thể nên nhiều gia đình không quan tâm đến việc giáo dục con cái một cách sát sao. Những giá trị gia đình, cộng đồng, dòng họ… không còn được như xưa nên sự thái quá của những hành động tiêu cực nhiều khi tăng lên do bị làm ngơ, vô cảm của xã hội. Bên cạnh đó, những tiêu cực trong lối sống, cách ứng xử, mất kỉ cương xã hội, gặp những bất công trong thực tế…., tạo nên những suy nghĩ rồi dẫn đến hành động tiêu cực...
Làm gì để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá?
Theo GS. TS Lê Hồng Lý, trước hết, phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hoá truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hoá đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hoá nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.
Tiếp theo cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được, mà cái động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống trở thành gien di truyền văn hoá trong mỗi con người. Có như vậy cái động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ một cám dỗ vật chất hay tinh thần nào để nó bị vẩn đục, tha hoá thì sẽ dẫn đến dân tộc ấy bị tàn lụi, đúng như câu nói "Văn hoá mất là dân tộc mất".
Văn hoá là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy, con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó. Tạo cho con người sự bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, có như vậy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho họ.
Để làm tốt những điều đó thì vấn đề pháp luật, kỷ cương phải được đề cao, đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và phải thật nghiêm minh. Pháp luật, kỷ cương được tôn trọng, công minh và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ họ khi họ làm đúng những gì mà luật pháp cho phép. Như thế động lực này sẽ khơi dậy sự sáng tạo cho con người. Và điều quan trọng hơn là tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỷ cương có một môi trường tốt cho tất cả các cơ hội phát triển...
Theo cách nhìn nhận như vậy, chúng ta còn có thể chỉ ra rất nhiều các khía cạnh có thể khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá trong rất nhiều hoạt động khác nhau của mỗi con người. Vấn đề là nhìn ra được để khơi dậy động lực ấy làm nó thúc đẩy sự phát triển cho đất nước.
Như vậy, nếu nhìn văn hoá một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy văn hoá có mặt ở tất cả những gì liên quan đến con người và trong tất cả mọi lĩnh vực. Một khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không phải chỉ thuần tuý ở một loại hình văn hoá, nghệ thuật hay kinh tế xã hội nào khác. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội động lực văn hoá và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn.
Hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá đề có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá, không chỉ thuần tuý ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hoá trong bối cảnh riêng của ngành mình.
"Thiết nghĩ đến lúc này sự hiểu biết về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá ở chúng ta cũng cần phải được hiểu một cách thông suốt và nhuần nhuyễn không chỉ ở những người đứng đầu các bộ, ngành, mà phải lan toả sự hiểu biết ấy ra toàn xã hội. Có như vậy, mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hoá đối với sự phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp", GS.TS Lê Hồng Lý nêu quan điểm./.
Từ khóa: Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng, văn hoá, hội nghị văn hoá toàn quốc, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, công nghiệp văn hoá, động lực văn hoá, sức mạnh văn hoá, con người, phát triển con người
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN