Cơ chế để Mặt trận Tổ quốc giám sát, phản biện hiện nay chưa hợp lý
Cập nhật: 25/09/2019
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành các tỉnh thành phía Nam
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương
VOV.VN - Với cơ chế như hiện nay, dễ dẫn đến tâm lý e ngại, sợ đụng chạm trong quá trình thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Trong số các quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của luật, có thể nói, “Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” và “Giám sát, phản biện xã hội” là những chức năng quan trọng, thể hiện một cách rõ nét vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp.
Có tâm lý e ngại, sợ đụng chạm khi giám sát, phản biện
PGS.TS. Lê Bá Trình |
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS. Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt kể từ khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) được ban hành và triển khai thực hiện, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó đáng ghi nhận là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật và chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, so với vai trò, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo ông Lê Bá Trình, một trong các nguyên nhân khiến cho việc thực hiện các chức năng của Mặt trận còn nhiều hạn chế là do con người và bộ máy giúp việc của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn quá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cán bộ Mặt trận chuyên trách chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đúng với yêu cầu của công tác Mặt trận mà thường được thuyên chuyển từ các nguồn đào tạo khác về làm công việc Mặt trận nên nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội ở nhiều lĩnh vực chưa sâu.
Thêm nữa, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội như hiện nay là chưa thật hợp lý. Với cơ chế như hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa khắc phục được tâm lý “xin - cho” trong mối quan hệ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (với tư cách là chủ thể giám sát và phản biện xã hội) với chính quyền cùng cấp (với tư cách là đối tượng được giám sát và phản biện xã hội), do đó, còn có tâm lý e ngại, sợ đụng chạm trong quá trình thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Hơn nữa, việc hoàn thiện các quy định của luật pháp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu quả.
Sẽ có cơ sở đào tạo chuyên môn cho cán bộ Mặt trận
Ông Lê Bá Trình nhấn mạnh, nhiệm kỳ mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiều thời cơ, thuận lợi, cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đó là quá trình Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó sẽ có những bước hoàn thiện chính sách, pháp luật của công tác Mặt trận Mặt trận nói chung và công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng. Điều đó sẽ khắc phục được những vấn đề chưa hợp lý về cơ chế thực hiện như đã nói ở trên; đồng thời, yêu cầu về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị cũng như trước toàn dân ngày càng cao.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tìm cách vượt qua những khó khăn, trở ngại của chính bản thân mình. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang hoàn thiện cơ sở đào tạo về chuyên môn công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận các cấp. Đồng thời, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ đề ra nhiều giải pháp đổi mới hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động sao cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác mặt trận.
Ông Đỗ Duy Thường |
Theo ông Đỗ Duy Thường, Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong nhiệm kỳ mới, Mặt trận cần tiếp tục đẩy mạnh chức năng đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đây là chức năng rất quan trọng, không chỉ người dân kỳ vọng mà Đảng cũng trông đợi ở Mặt trận.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát hàng năm phải xây dựng chương trình theo một định hướng chung của tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước, tập trung giám sát những vấn đề sát sườn của địa phương, những bức xúc của nhân dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật.
“Từ thực tiễn công tác, tôi muốn Mặt trận sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bằng hình thức hội nghị phản biện. Những năm qua, hình thức này được triển khai, thực hiện ở tất cả các cấp, ở các địa phương, cho thấy mô hình này đang phù hợp với hoạt động thực tiễn của ta và đạt nhiều kết quả”, ông Thường đề nghị./.
Từ khóa: Mặt trận Tổ quốc, giám sát, phản biện xã hội, Lê Bá Trình, đại đoàn kết dân tộc
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN