Có bằng đại học nhưng làm công việc chỉ cần bằng cao đẳng
Cập nhật: 06/12/2021
Công an Hòa Bình phá án ma túy lớn
Xác định 29 phóng viên, CTV Tạp chí Môi trường và Đô thị có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
[VOV2] - TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên nhưng lại làm công việc chỉ yêu cầu trình độ Cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững ngày 05/12, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo, dù Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
Đặc biệt, tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua, từ 12% tăng lên 25%.
“Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hơn hai thập kỷ qua. Chúng ta sẽ hết cơ hội để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”, ông Dũng cảnh báo.
Nhìn lại bốn đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông Trương Anh Dũng cho rằng áp lực đang đè nặng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quý III/2021 cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ông Trương Anh Dũng nhận định, các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vaccine, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại. Nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh là 21% Đại học; 66% Giáo dục nghề nghiệp; 13% chưa qua đào tạo.
“Để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh tiến độ bao phủ vaccine, phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt; Có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đồng bộ, hiệu quả… thì điều tiên quyết vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao - một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới”, ông Dũng nêu ý kiến.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho thị trường, đáp ứng yêu cầu phục hồi nền kinh tế, theo TS. Trương Anh Dũng, trước mắt cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động.
Về trung hạn và dài hạn, ông Dũng cho rằng, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm.
Đặc biệt cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Cùng với đó cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết Giáo dục nghề nghiệp với Doanh nghiệp và thị trường lao động…", ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Từ khóa: Thị trường lao động, dịch Covid-19, TS. Trương Anh Dũng, nguồn nhân lực, việc làm, đào tạo nghề
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2