Có 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một thực trạng của Việt Nam
Cập nhật: 10/04/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Ngày 9-10/04, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tọa đàm khoa học: “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” với sự tham gia của nhiều chuyên gia chính sách, giáo dục, việc làm.
Trường nghề mà không được dạy văn hóa là sai tinh thần của nghị quyết Trung ương
Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu, trong 5 năm tới (2021-2025) sẽ đào tạo 12,8 triệu lao động, trong đó trình độ Cao đẳng-Trung cấp là 3,2 triệu người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 9,6 triệu người. Thu hút 40% học sinh THCS và 45% học sinh THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia đối với các bậc thuộc giáo dục nghề nghiệp và tham chiếu khung trình độ ASEAN, tạo điều kiện cho lao động có kỹ năng trong 8 lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển trong cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Dự thảo chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người; trong đó học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Thu hút 55% học sinh THCS và 60% học sinh THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Ít nhất 85% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Công nhận trình độ phù hợp cho 50% người lao động trong khu vực công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao.
Góp ý dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa 14 nhấn mạnh, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Và để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp phải giải quyết 2 vấn đề: Quy mô và hiện đại hóa.
Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khiến cho năng suất lao động thay đổi hoàn toàn khác so với thời kỳ lao động thủ công. Phải cấu trúc lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề. Quy mô đào tạo phải gắn liền với chất lượng, với việc làm và với thị thường lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặc biệt lưu ý, việc đẩy mạnh tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa là chỉ quan tâm thu hút người học “có tiền” mà phải quan tâm đặc biệt đến nhóm lao động nghèo. Nhóm lao động này nhà nước phải bao cấp, đầu tư đào tạo.
Để không mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định cần phải làm tốt công tác phân luồng. Trong đó phải gỡ nút thắt đào tạo văn hóa tại các trường nghề.
“Không thể nói trường nghề không được dạy văn hóa. Nói như vậy là sai tinh thần của nghị quyết Trung ương. Nghị quyết Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến phân luồng giáo dục, trong đó phân luồng sau THCS có ít nhất 30% học sinh đi học nghề còn 70% học tiếp lên bậc THPT. Sau khi học nghề, học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa. Tại sao lại ngăn cấm? Hết THPT thì 70% đi học nghề và chỉ 30% đại học thôi. Học đại học nhiều để làm gì? Bài học học những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một thực trạng của Việt Nam”. - Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp: Phải dự báo được cấu trúc nghề nghiệp tương lai
Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã vạch ra định hướng đào tạo nguồn nhân theo hướng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế công nghiệp hiện đại, đồng thời phát triển bao trùm, hướng tới bền vững, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp cho mọi đối tượng.
Trên cơ sở tiếp thu các mô hình hiện đại của thế giới, hình thành một hệ thống đào tạo nghề nghiệp hiện đại của Việt Nam, cho Việt Nam theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh và điều kiện đất nước trong giai đoạn mới.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng nếu định hướng đúng và trúng, chiến lược này sẽ rất quan trọng cho đất nước, làm thay đổi diện mạo, thay đổi đẳng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên đặc biệt lưu ý, chiến lược phải dự báo được cấu trúc nghề nghiệp trong tương lai. Công nghệ và kinh tế số đang phát triển chóng mặt đòi hỏi định hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển khác hẳn.
“Nếu không chuẩn bị tốt cho tương lai thì chúng ta sẽ là người có tội khiến cho đất nước phát triển chậm lại trong khi thế giới tiến lên”. – PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng gợi ý, trong tương lai cần phải gắn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các tập đoàn lớn và hướng tới đào tạo nghề nghiệp sáng tạo.
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chủ đề của chiến lược là: Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong giai đoạn trước, nhưng với bối cảnh thời kỳ dân số vàng của chúng ta đang dần trôi qua, cùng với các yêu cầu rất cao trong giai đoạn tới, câu hỏi đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay là có thể làm gì để phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng và Chính phủ”. – TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp, chiến lược, dạy văn hóa ở trường nghề, đổi mới, trường nghề, tuyển sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2