CMC Telecom và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của Châu Á

Cập nhật: 17/07/2022

(VOV5) -Việc chủ động xây dựng các sản phẩm “Make in Vietnam” như CMC Telecom nhằm khẳn định quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ của Việt Nam

Dự thảo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021 – 2030 được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đã đặt ra yêu cầu phát triển đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành “Digital Hub” – nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Với tinh thần "đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam", CMC Telecom (thuộc Tập đoàn công nghệ CMC) đã nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống Data Center (trung tâm dữ liệu) hiện đại, nhằm góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, hướng tới mục tiêu này.

Khái niệm Digital Hub được hiểu là nơi để lưu trữ, xử lý các dữ liệu lớn của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, cho phép trung chuyển dữ liệu qua, đồng thời có thể cung cấp dịch vụ này ra ngoài khu vực. Digital Hub không chỉ mang nội hàm xử lý dữ liệu tại địa phương mà còn ecosystem (mở rộng hệ sinh thái công nghệ) tầm khu vực.

Nếu xét về các điều kiện cần, Việt Nam có một số lợi thế chiến lược phù hợp về mặt không gian lãnh thổ địa lý để trở thành Digital Hub khu vực. Thực tế, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước hết, đó là bước thay đổi lớn về thể chế, chính sách, tạo động lực cho các nhà đầu tư công nghệ số Việt Nam.

CMC Telecom và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của Châu Á - ảnh 1Ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom. Ảnh: CMC

Ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom cho rằng: “Chúng ta đang có bước thay đổi rất lớn. Thay đổi này đã được văn bản hóa qua việc Việt Nam đã phê duyệt định hướng hạ tầng thông tin và truyền thông 2025, tầm nhìn 2030. Chúng ta đã định nghĩa những bước dịch chuyển rất rõ từ hạ tầng bưu chính truyền thống sang hạ tầng chuyển phát và thương mại điện tử, hạ tầng viễn thông chuyển thành hạ tầng số, hoặc là hạ tầng công nghệ thông tin chuyển thành hạ tầng chuyển đổi số. Trong tuyên bố mới nhất về Local Zones (do Amazon Web Services công bố hạ tầng điện toán đám mây AWS Local Zone) thì Việt Nam nằm trong 22 nước, thậm chí nhiều nước trong ASEAN còn chưa có trong danh sách này. Điều này khẳng định sự thay đổi lớn, định vị Việt Nam.

Nhờ định hướng chiến lược từ Chính phủ, là doanh nghiệp hạ tầng viễn thông duy nhất của Việt Nam có cổ đông nước ngoài, CMC Telecom đã từng bước đầu tư mở rộng mạng lưới hạ tầng kết nối tại khắp các nước trong khu vực và thế giới.

Hiện tại, CMC Telecom đang sở hữu mạng đường trục CVCS (Cross Vietnam Cable System), tuyến cáp Việt Nam đầu tiên kết nối xuyên Đông Nam Á, kết nối trực tiếp với hạ tầng mạng viễn thông A-Grid, kết nối trực tiếp với 05 tuyến cáp quang biển quốc tế AAE1, APG, A-Grid, Unity và Faster. CMC Telecom cũng là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt chứng chỉ MEF 3.0 – chứng chỉ khẳng định năng lực trong việc cung cấp dịch vụ kết nối Ethernet với chất lượng cao nhất trên thị trường, dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, CMC Telecom đã sở hữu 3 Data Center trung lập. Đây là những Data Center đầu tiên tại Việt Nam có chứng chỉ bảo mật thanh toán PCI DSS (Payment Card Industry Data Security Standard) cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Các Data Center của CMC Telecom đều được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật được đào tạo bài bản với các chứng chỉ quốc tế như CDCE, CDCS, CDCP, CDFOM,…

Đầu năm 2022, CMC Telecom vừa xây dựng và đưa vào vận hành Data Center Tân Thuận (HCM) đạt tiêu chuẩn Uptime Tier III có diện tích 10.000 m² cung cấp 1.200 rack với công suất cao lên tới 20kw/rack. Tháng 5/2022, Uptime Institute cũng chính thức công bố Data Center Tân Thuận đã thành công đạt được chứng chỉ TCCF (Tier Certification of Constructed Facility) đầu tiên với số lượng bài test cao nhất Việt Nam tính đến hiện tại, trở thành Data center hiện đại và an toàn nhất Việt Nam. Định hướng của CMC Telecom thời gian tới là tiếp tục chuyển đổi tư duy từ công ty nội địa thành toàn cầu, xây dựng đội ngũ con người đáp ứng các giá trị cốt lõi, và chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom Đặng Tùng Sơn khẳng định: “Việc đầu tư Digital Hub phải là một lộ trình. CMC chúng tôi đã quy hoạch 1 lộ trình về Data Center từ nay đến 2025 để làm sao bảo đảm chủ động được 40Megawat Data Center và các data center này đều phải đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn quốc tế, an toàn an ninh thông tin và đặc biệt các data center này phải mở, kết nối mở, trung lập, khách hàng có nhiều quyền lựa chọn. Đó là định hướng mà chúng tôi đã theo đuổi trong nhiều năm qua.”

CMC Telecom và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của Châu Á - ảnh 2Đội ngũ chuyên gia bảo mật CMC Cyber Security. Ảnh: CMC

Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 hay không, để đất nước phát triển dựa trên công nghệ cao và trở thành trung tâm số thì điều kiện tiên quyết chính là hạ tầng số. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam” là một chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm khơi dậy nội lực, khát vọng phát triển đất nước trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc chủ động xây dựng các sản phẩm “Make in Vietnam” như CMC Telecom nhằm khẳn định quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ của Việt Nam: “Phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam chính là con đường để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số mới, đưa Việt Nam sớm tự lập, tự cường và đây cũng chính là chìa khóa để Việt Nam vươn lên thứ bậc cao trong chuỗi giá trị, bắt kịp các nước phát triển.”

Theo Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong phát triển hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng viễn thông và IoT, hạ tầng điện toán đám mây, dự thảo nhấn mạnh tới yêu cầu, định hướng phát triển trung tâm dữ liệu. Theo đó sẽ xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và trung tâm dữ liệu điện toán biên kết nối đồng bộ và thống nhất nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.

Liên quan đến định hướng phát triển Digital Hub, dự thảo nêu rõ sẽ hình thành và phát triển hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối khu vực “Digital Hub”- nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Đến năm 2025 sẽ hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu Hub cho khu vực và quốc tế. Đến năm 2030 sẽ hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của Digital Hub. Hiện nay tại Việt Nam chưa hình thành Digital Hub. Trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang có 3 Digital Hub là Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản.

Ngay từ khi thành lập năm 2008, CMC Telecom đã định hướng để trở thành nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu. Không dừng lại ở đó, CMC Telecom vẫn đang ấp ủ một mục tiêu xa hơn nữa trong thời gian tới là đưa Việt Nam trở thành 1 trong các trung tâm kết nối của Châu Á. Chiến lược của CMC Telecom là hợp tác với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới nhắm đưa Việt Nam thành một Digital Hub trung chuyển trong khu vực. Nếu nhìn vào những gì mà CMC Telecom đạt được trong thời gian qua thì thấy mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở./.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, CMC Telecom và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của Châu Á

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập