Chuyện về người mẹ 9 con nhưng chưa một lần sinh nở
Cập nhật: 09/10/2019
Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng ở Đắk Lắk (25/11/2024)
Luật Nhà giáo khắc phục các bất cập trong ngành giáo dục hiện nay (22/11/2024)
VOV.VN - Phong tục của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nếu vợ chết sớm, người chồng phải trở về gia đình cũ, bỏ lại tài sản và con cái cho dòng họ bên vợ...
Suốt 40 năm qua, bà K’Hiếu, ở tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đã mở rộng vòng tay đón 9 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật về chăm sóc. Tấm lòng nhân hậu, đồng cảm với những phận đời khốn khó của người mẹ K’ho chưa một lần sinh con thật đáng trân quý.
Bà K'Hiếu chăm sóc người con trai út K'Niệm bị bệnh thần kinh. |
Căn nhà gỗ cũ kỹ nằm trong ngõ nhỏ ở tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng của gia đình bà K’Hiếu suốt 40 năm qua chưa bao giờ ngớt tiếng cười của những đứa trẻ kém may mắn. Đây là mái ấm tình thương mà người mẹ mồ côi K’Hiếu (60 tuổi) dành cho 9 đứa con nuôi.
Em K’Lực, người con thứ 6 trong gia đình đặc biệt này, cho biết, tuy các anh chị em không phải do mẹ K’Hiếu sinh ra, nhưng tất cả luôn đùm bọc thương yêu nhau còn hơn ruột thịt.
“Tình cảm bố mẹ nuôi dành cho em còn hơn tình cảm bố mẹ đẻ. Anh em từ nhỏ đến lớn luôn nghe lời bố mẹ, đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Cảm ơn bố mẹ đã giang tay nuôi nấng tụi em khôn lớn, nên người, được học hành, được ăn uống như mọi gia đình khác”, K’Lực nói.
Bà K’Hiếu kể, những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi là hình ảnh của chính bản thân bà cách đây hơn 50 năm. Theo phong tục của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nếu vợ chết sớm, người chồng buộc phải trở về gia đình cũ, bỏ lại tất cả tài sản và con cái cho dòng họ bên vợ.
Khi bà vừa lên 7 tuổi, mẹ không may qua đời. Người cha đã bỏ lại bà trong căn nhà cô quạnh. Những tháng ngày không cha không mẹ, bà K’Hiếu lang thang khắp làng, trông con cho người để đổi lấy chén cháo, củ khoai. Lớn hơn bà đi làm thuê cuốc mướn khắp làng trên, buôn dưới.
Chứng kiến 3 anh em K’Len, K’Lễ, K’Hiểu bị cha bỏ rơi sau khi mẹ qua đời, thiếu nữ K’Hiếu đã đưa 3 cháu nhỏ về chăm sóc. Rồi lần lượt 6 đứa trẻ khác bị cha mẹ bỏ rơi cũng được bà đưa về cưu mang.
Bà K’Hiếu tâm sự: Cứ thấy các cháu bị bỏ rơi là không kìm lòng được, lại xin về nuôi mặc dù bản thân rất khó khăn: “Mình hồi còn nhỏ cũng sống bơ vơ, không có người thân gần gũi với mình. Nên khi thấy lũ trẻ rơi rớt như vậy lòng mình rất đau. Bởi vậy mình cứ xin nuôi mà không cần suy nghĩ đến khó khăn. Mình chỉ nghĩ bản thân phải đứng tên làm mẹ cho mấy đứa nhỏ nó có chỗ dựa”.
Bà K'Hiếu được trao giải thưởng KOVA hạng mục sống đẹp năm 2017. |
Thấy K’Hiếu xoay xở một mình lo cho bọn trẻ, chàng thanh niên K’Déo ở cùng buôn đem lòng cảm mến. Dù bị cha mẹ kịch liệt phản đối, K’Déo đã quyết tâm vượt qua luật tục, về chung nhà với cô gái mồ côi, cùng chăm sóc những đứa con nuôi.
Ông K’Déo giãi bày, bà K’Hiếu bị bệnh nên không thể sinh con. Nhưng vợ chồng ông hạnh phúc vì đã có tới 9 người con sum vầy.
“Mặc dù mình không đẻ ra nhưng mình vẫn thương chúng nó như chính con ruột. Hồi xưa nghèo khổ lắm không có sữa để nuôi chúng, vợ chồng phải bán chuối, bán gạo, bán cái này cái khác để có tiền mua sữa cho con. Bây giờ giờ nó trưởng thành, nó có gia đình mình cũng vui, cũng mừng lắm”, ông K’Déo bộc bạch.
Trong 9 người con, hiện 6 người đã được bà K’Hiếu dựng vợ, gả chồng. Một người không may mắc bệnh qua đời. Hiện còn hai người con trai khuyết tật, một bị mù, một bị bệnh thần kinh, đang được hai vợ chồng bà chăm sóc hàng ngày. Các con của bà K’Hiếu đã có gia đình riêng vẫn luôn yêu thương đùm bọc nhau chăm sóc cho hai người em thiếu may mắn.
Theo ông Nguyễn Thái Duy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, bà K’Hiếu không chỉ là người mẹ nhân hậu, mà còn là tấm gương sáng vượt lên các hủ tục trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Hiện bà làm trưởng ban công tác mặt trận thôn, đi đầu trong việc tuyên truyền bà con K’ho xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh.
“Trước đây vùng đồng bào dân tộc việc cưới bà con hay kéo dài thời gian, tuy nhiên bà K’Hiếu luôn đi đầu tuyên truyền vận động bà con nhân dân cưới không lãng phí. Việc tang không để quá lâu, theo phong tục họ để 4 đến 5 ngày nhưng nay thì chỉ 36 tiếng là bà con đã đưa đi chôn cất. Khi gia đình nào có con em đi nghĩa vụ hay có công việc gì thì bà K’Hiếu luôn đến thăm hỏi, động viên tinh thần để con em hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Duy cho biết.
Với những đóng góp cho xã hội, bà K’Hiếu đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhưng niềm vui lớn nhất của bà là giúp 9 đứa trẻ không bị mồ côi vì hủ tục, và phần thưởng lớn nhất là các con đã trưởng thành, bà có thêm những đứa cháu nuôi./.
Chủ tịch Phường nhận con nuôi, thân nhân cháu bé muốn "đòi" lại
Tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới
Con nuôi Hoài Linh khóc nghẹn sợ hãi vì bất ngờ nổi tiếng quá nhanh
Từ khóa: có 9 người con dù chưa một lần sinh nở, người dân tộc, Tây Nguyên, dân tộc K'ho, nuôi 9 con thơ
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN