Chuyện về nghề “vươn tới những vì sao”
Cập nhật: 08/06/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Công nghệ vũ trụ là ngành công nghệ non trẻ ở Việt Nam. Nhưng với 2 vệ tinh hoàn toàn do Việt Nam chế tạo đã chứng minh, ước mơ “vươn tới những vì sao” không hề viển vông …
Những vệ tinh “made in Việt Nam”
Tại Trung tâm Khám phá Vũ trụ trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Th.s khoa học Trịnh Hoàng Quân cùng các đồng nghiệp thường xuyên thực hiện nhiều chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ cho các đoàn khách ở các lứa tuổi khác nhau. Với các mô hình thiết kế, kết hợp công nghệ hiện đại, Trung tâm cho phép người tham gia được trải nghiệm và hình dung về không gian vũ trụ đầy hấp dẫn.
Th.s Hoàng Quân thường xuyên nhận được những câu hỏi của khách tham quan: “Ồ! Đây là vệ tinh ư? Cứ tưởng nó phải to lớn khổng lồ như ảnh chụp trên quỹ đạo chứ sao lại chỉ như cái thùng carton thế này?”.
Hoàng Quân cười hóm hỉnh dẫn khách tới cạnh một vệ tinh: “Con vệ tinh này có kích thước mỗi cạnh 10cm, cân nặng chỉ 1kg và giá thành tính ra tiền Việt khoảng 2,5 tỷ đồng. Còn con như thùng carton kia nặng 50 kg và tính ra mất 4 triệu đô-la chi phí chế tạo. Cũng có những vệ tinh to nặng hàng tấn. Nhưng phải ở những quốc gia phát triển mới đủ lực đầu tư những sản phẩm lớn như vậy"
Pico Dragon là vệ tinh đầu tiên “made in” Việt Nam do các kĩ sư Việt Nam đã mày mò tự chế tạo. Ngày 4/8/2013, PicoDragon với cân nặng 1 kg được phóng thành công và vận hành 3 tháng ngoài không gian. Dù chưa có kết nối và thời gian sống ngắn nhưng là sự kiện cho thấy kỹ sư của chúng ta hoàn toàn có khả năng làm chủ công nghệ này khi được đào tạo bài bản.
Sau thành công bước đầu, 36 cán bộ, kĩ sư đầu tiên của nước ta được cử sang Nhật từ năm 2015 để học chuyên ngành khoa học vũ trụ. Thời điểm đó, Việt Nam chưa có trường nào đào tạo về ngành khoa học này.
Ngày 18/1/2019, vệ tinh Micro Dragon với trọng lượng 50 kg, chi phí 4 triệu đô- la (ước khoảng 90 tỷ đồng Việt Nam) của đội ngũ kĩ sư Việt được đào tạo tại Nhật được phóng thành công, đặt dấu ấn đặc biệt cho ngành nghiên cứu vũ trụ của nước ta trong việc kết nối về trái đất.
Trực tiếp thiết kế, thi công vệ tinh này nên cảm xúc trong lần đầu tiên nhận hình ảnh chuyển từ vệ tinh về mặt đất thật khó quên với Hoàng Quân, chàng kĩ sư trẻ khi ấy, đó là sự “Vui mừng, phấn khởi, hãnh diện”.
Nghề nghiên cứu đầy đam mê và không thiếu lãng mạn, nhưng Hoàng Quân cũng nhìn nhận rất thật sản phẩm của ngành khoa học chế tạo này không thể phát triển nhanh và mạnh như nhiều ngành khác bởi nguồn kinh phí khổng lồ và tính đơn lẻ của từng thiết kế. Mỗi vệ tinh được tạo ra cho một mục đích riêng như để chụp ảnh trái đất hay để thám hiểm không gian nên tất cả phải là những chế tạo đơn lẻ.
“Nhiều bạn hỏi tôi rằng đã lắp đặt và phóng thành công vệ tinh thì tại sao còn phải chế tạo? Các bạn hình dung thế này, ngành công nghiệp ô tô chẳng hạn, sau khi chế tạo thì có dây chuyền sản xuất để cho ra hàng loạt sản phẩm. Còn vệ tinh là sản phẩm đơn lẻ, giá thành cực cao nên không thể có dây chuyền như sản xuất ô tô, xe máy, xe đạp...”- Hoàng Quân so sánh.
Vệ tinh khi phóng lên không gian phải chấp nhận rủi ro. Nếu hỏng sẽ không có cơ hội lấy lại để sửa chữa phần cứng. Vì thế, các kĩ sư chế tạo cần tính toán, lường trước những khả năng hay dự phòng lỗi vệ tinh, ví dụ phải có thêm chân tiếp đất dự phòng…
Vệ tinh Micro Dragon đến nay đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn sống trong không gian và tiếp tục được khai thác. Dự kiến vệ tinh thay thế NanoDragon nặng 7 kg, giá thành 12 tỉ đồng trong dự án của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ được phóng vào năm 2023.
Nghiên cứu vũ trụ không chỉ để đưa con người vào không gian
Khác với các cường quốc về công nghệ vũ trụ đã đi trước đầu tư nhiều vào thực hiện khám phá không gian, tại Việt Nam, ngành vũ trụ hướng tới những ứng dụng sát sườn, phục vụ cuộc sống, lao động, sản xuất hiện tại.
TS Nguyễn Hồng Quảng, phụ trách về Viễn thám và Thông tin địa lí nêu ví dụ những ứng dụng công nghệ vũ trụ như phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên biển, phát triển nông nghiệp, thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và truyền hình qua vệ tinh, các ứng dụng định vị vệ tinh, v.v..
Những hình ảnh vệ tinh qua phân tích của người nghiên cứu chuyên sâu sẽ chỉ ra một cách chính xác những vấn đề cụ thể như lũ lụt, mất rừng, vùng ngập mặn, các quy hoạch cụ thể cho từng địa phương... TS Hồng Quảng cùng các đồng nghiệp đã phát hiện mất rừng ở Tây Nguyên từ hình ảnh vệ tinh và gửi thông tin tới ngành kiểm lâm, góp phần kiểm soát và bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả hơn.
Niềm tin ở việc đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ
Với mỗi quốc gia, công nghệ cao, trong đó có công nghệ vũ trụ, được đánh giá là “biểu tượng sức mạnh công nghệ” cũng như khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Khi được hỏi về yêu cầu năng lực và trình độ để tham gia công việc đặc biệt này, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, cũng như nhiều ngành nghề khác, vũ trụ gồm nhiều mảng nghiên cứu, ứng dụng khác nhau nên cần những tố chất khác nhau.
Nếu tham gia phát triển vệ tinh, người làm khoa học công nghệ cần có các kĩ năng về kĩ thuật và hầu như sinh viên các ngành kĩ thuật như cơ khí, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, vật liệu… đều có thể tham gia. Ngoại ngữ, ít nhất tiếng Anh, được coi như yêu cầu bắt buộc với công việc này vì tài liệu cũng như các chuyên gia về khoa học vũ trụ đều thuộc về các quốc gia phát triển.
Riêng chuyên ngành vệ tinh, theo TS Lê Xuân Huy, chúng ta đã có ít nhất 3 trường Đại học đào tạo chuyên sâu gồm Đại học Quốc gia HN, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và trường Đại học Việt Pháp. Còn các ứng dụng nghiên cứu vũ trụ như viễn thám, vật lí thiên văn vũ trụ đã có khá nhiều trường đào tạo.
Ông Xuân Huy cũng thừa nhận thực tế nguồn lực còn hạn chế nên mức thu nhập của người làm nghề chưa tương xứng. Tuy nhiên, đa phần cán bộ, kĩ sư của trung tâm vẫn gắn bó với công việc bởi hơn ai hết, các anh chị được thực thi những vấn đề có tính toàn cầu.
“Những dữ liệu vệ tinh thu về không dừng ở một quốc gia cụ thể mà luôn mang tính kết nối, đòi hỏi tinh thần hợp tác quốc tế. Quá trình làm việc, trao đổi, học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vũ trụ tạo thêm động lực, thách thức, đam mê cho mỗi cán bộ kĩ sư ở trung tâm”- ông Huy bày tỏ.
Điều quan trọng hơn cả, những hình ảnh, tài liệu từ vệ tinh gửi về góp phần đánh giá được thiệt hại về rừng, về nguy cơ xâm nhập mặn với đồng bằng Sông Cửu Long… khiến công việc của những người làm “vũ trụ” không phải hái sao trên trời mà trở nên thiết thực, gắn bó với đời sống, trở thành động lực làm nghề cho anh chị em ở Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam.
Đặc biệt từ đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 169/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược Phát triển, Ứng dụng khoa học và Công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Một hành trình dài, nhiều khó khăn nhưng mở ra cơ hội với người đam mê nghiên cứu, cống hiến cho ngành nghiên cứu vũ trụ ở nước ta.
Mời các bạn bấm nút nghe chia sẻ của các kỹ sư công nghệ vũ trụ tại đây:
Từ khóa: vũ trụ, trung tâm vũ trụ, nghiên cứu vũ trụ, ứng dụng nghiên cứu vũ trụ, nano, pico, dragon, vệ tinh, bảo vệ rừng, hình ảnh, dữ liệu, trái đất
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2