Chuyện thời xa xưa ùa về trong Tiểu thuyết “Triệu Xuân - Sống và viết“
Cập nhật: 28/03/2020
VOV.VN - Những ngày tháng Ba - kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đọc “Triệu Xuân - Sống và viết” cứ ngỡ như bạn mình đang tuổi thanh niên.
Đầu xuân Canh Tý (2020) tôi được Triệu Xuân Điến (bút danh Triệu Xuân), bạn đồng môn khoá 14 (1969-1973) khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, gửi tặng cuốn sách “Triệu Xuân - Sống và viết” (NXB Hội nhà văn). Cầm trên tay cuốn sách khổ 14,5x20,5cm, dày hơn 600 trang, thấy cảm phục sức làm việc của bạn mình.
Tôi với Triệu Xuân Điến cùng được gọi vào học ở khoa Ngữ Văn tháng 8/1969. Khoá tôi vẫn tự hào rằng là khoá đầu tiên phải chịu kỳ thi sát hạch của trường, sau mấy năm trường tuyển thẳng. Lao động xây dựng trường lớp 3 tháng sinh hoạt chung, rồi chúng tôi chia làm hai lớp Văn và Ngữ. Tôi học Ngôn ngữ, Điến học lớp Văn. Tuy chia làm hai lớp nhưng Văn và Ngữ có nhiều chuyên đề học chung, nhiều sinh hoạt chung cho đến khi ra trường nên biết về nhau khá rõ. Ngay từ khi còn là sinh viên, Điến đã có ước mơ viết văn như nhiều sinh viên khoa Ngữ Văn thời ấy. Nhưng ước mơ là một chuyện, còn có thực hiện được không lại là chuyện khác. Tuỳ thuộc ở mỗi người.
Cho nên, sau khi tốt nghiệp,năm 1974 Triệu Xuân Điến là một trong số ít Cử nhân trường Tổng hợp vào chiến trường khu 5 làm báo phát thanh. Tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải. Đài phát thanh Giải phóng tiếp quản một cơ sở phát thanh bí mật của CIA ở nhà số 7 Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và Triệu Xuân Điến cùng làm việc tại đấy.
Công bằng mà nói, lúc này bạn tôi có một sự lựa chọn. Thay vì làm phóng viên thời sự suốt ngày lăn lộn với tin tức bài vở nhanh nhạy, chính xác, bạn tôi chọn làm phóng viên chuyên đề, có thời gian rảnh rỗi hơn.
Đến hôm nay, đọc “Triệu Xuân - Sống và viết”, gồm nhiều bài phê bình, tiểu luận, chân dung văn học… phải công nhận rằng Triệu Xuân Điến sớm lăn lộn với cuộc sống của xã hội miền Nam mới giải phóng hơn nhiều bạn bè cùng lứa. Anh đã sớm xoá bỏ thói quen “sống bao cấp” mà làm thêm nhiều nghề để kiếm sống (để nuôi nhiều con và viết văn) trong đó có nghề “chụp ảnh dạo”. Như anh tâm sự: lăn lộn kiếm sống giúp thu nhận được nhiều chất liệu tươi rói của cuộc sống hơn, làm “lưng vốn” cho nghề làm báo lúc đó, và viết văn sau này.
Hai tác phẩm văn xuôi “Những người mở đất” và “Giấy trắng” với bút danh Triệu Xuân, anh viết trong thời gian đang làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có ước mơ và phấn đấu để thực hiện ước mơ, là bài học đầu tiên trong cuộc đời của nhà báo Triệu Xuân Điến.
Nhà vănTriệu Xuân (thứ 4 từ trái sang hàng sau) với các bạn cùng khoá 14 Khoa Ngữ VănĐH Tổng hợp Hà Nội. |
Bẵng đi một thời gian, tôi (đang làm phóng viên phòng Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam) gặp Triệu Xuân Điến tại Hà Nội trong Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 những người viết văn trẻ. Điến tâm sự rất hình tượng: mấy năm qua theo nghiệp Văn, như tay cầm một con dao, vừa phát cây dọn cỏ, vừa đào từng bậc để leo từ vực sâu lên đỉnh núi vậy.
Triệu Xuân đã có mấy tiểu thuyết được in: Nổi chìm trong dòng xoáy (1987); Đâu là lời phán xét cuối cùng (1987); Trả giá (1988): Bụi đời (1990).
Từ tháng 12/2000, nhà văn Triệu Xuân Điến về làm Trưởng chi nhánh nhà xuất bản Văn Học tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ một nhà báo, nhà văn, Triệu Xuân chuyển sang cương vị “bà đỡ” cho các bản thảo, trở thành người bạn đi trước ân cần giúp đỡ các cây bút trẻ. Hệt như năm xưa anh được các nhà văn đàn anh chăm chút, hướng đạo cho.
Đọc “Triệu Xuân - Sống và viết” thấy anh quay lại với nghề làm báo, viết rất nhiều bài báo cổ vũ cho một cây bút mới, một tác phẩm mới.
“Quỹ phát triển tài năng Văn học Việt Nam”:”Nhóm văn chương Hồn Việt” Website chuyên nghiêp: “ www.trieuxuan. Info về Văn chương Nghê thuật” do anh sáng lập hoạt động rất tích cực, góp phần làm sôi động không khí học thuật về văn hoá-văn nghệ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Thấm thoát chúng tôi xa mái trường Đại học Tổng hợp đã nửa thế kỷ. Khoá 14 khoa Ngữ Văn chúng tôi học hệ 4 năm rưỡi nhưng thời gian thực học không nhiều vì chiến tranh, vì thiên tai… Nhưng có lẽ thời ấy chúng tôi “học thật” nên những gì chúng tôi được truyền giảng, được thực tập… đã là hành trang tốt cho chúng tôi bước vào làm việc. Người trở thành Giáo sư, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp trong các Viện khoa học, người trở thành các ông tướng-tá trong lực lượng vũ trang, người trở thành nhà báo và một số ít trở thành “nhà văn”- một nghề “đặc biệt”.
Triệu Xuân Điến - Triệu Xuân, cử nhân Văn khoa sinh năm Nhâm Thìn (1952) quê ở Hải Dương là một trong số ít người đi vào cái nghề đặc biệt này nhờ vào lòng kiên trì cực lớn. Năm 2019, khi làm tập kỷ yếu về khoá 14, chúng tôi tìm được bức ản Triệu Xuân Điến, người cao lòng khòng, mặc quân phục “Quân giải phóng” chụp ảnh cùng bạn đồng môn Lê Ngọc Văn trên đường vào chiến trường khu 5 năm 1974. Thầm nghĩ thật là may mắn cho hai người bạn của chúng tôi.
Đất nước cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường. Thời ấy là vậy. Bây giờ vẫn vậy. Trong cái chung, có cái riêng. Hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nhưng để làm nên sự nghiệp cho đời mình, cần phải có quyết tâm và lòng dũng cảm.
Những ngày tháng 3 này là kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đọc “Triệu Xuân - Sống và viết” cứ ngỡ như bạn mình đang tuổi thanh niên./.
Từ khóa: tiểu thuyết, triệu xuân sống và viết, nhà văn triệu xuân
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN