Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa lịch sử
Cập nhật: 29/09/2024
TP.HCM kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc
Ban Kinh tế Trung ương đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn bộ máy trong năm 2025
VOV.VN - Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong dịp Việt Nam và Mông Cổ kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 - 17/11/2024) và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ mang ý nghĩa lịch sử, có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, với trọng tâm hàng đầu là đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đây là khẳng định của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh.
PV: Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng và những nội dung trọng tâm chuyến thăm Mông Cổ lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?
Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Mông Cổ từ ngày 30/9 đến 01/10. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 - 17/11/2024) và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hai nước. Đây là một trong những chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cả hai cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Chuyến thăm có vai trò quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường quan hệ ngoại giao và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, văn hóa và an ninh, quốc phòng, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước trong tương lai. Trọng tâm hàng đầu trong chuyến thăm là đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, bề dày lịch sử quan hệ, tạo xung lực mới, đưa quan hệ hợp tác song phương ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, chuyến thăm nhằm tái khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ với mong muốn nâng tầm và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác song phương, phù hợp với tình hình mới và lợi ích của hai nước.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ và các tập đoàn kinh tế lớn của Mông Cổ. Hai bên sẽ đi sâu trao đổi chiến lược, xác định các phương hướng, giải pháp lớn nhằm cụ thể hóa, tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực phát triển ổn định, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới, tương xứng với mức độ quan hệ hai bên mới thiết lập. Dự kiến, có nhiều văn bản, thỏa thuận mới sẽ được ký trong chuyến thăm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên.
PV: Việc đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới được cả hai nước kỳ vọng trong chuyến thăm lần này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương?
Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra một giai đoạn hợp tác mới toàn diện, thực chất, hiệu quả và lâu dài vì lợi ích của nhân dân hai nước. Việc đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới thể hiện sự cam kết của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội mới để hai bên tận dụng tiềm năng hợp tác chưa được khai thác; thúc đẩy giao lưu nhân dân và sự hiểu biết lẫn nhau. Nâng cấp quan hệ ngoại giao không chỉ là dấu mốc về mặt chính trị mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, củng cố lòng tin và tạo tiền đề cho những bước tiến mới trong hợp tác song phương, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, nâng cấp quan hệ ngoại giao giúp củng cố lòng tin và tình hữu nghị, thể hiện sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Mông Cổ, từ đó củng cố tình hữu nghị lâu đời và tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp hai nước tăng cường sự hiểu biết và hợp tác về chính trị, an ninh, quốc phòng. Đây là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho cả hai quốc gia.
Thứ hai, nâng cấp quan hệ ngoại giao giúp hai nước mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai nước đều có tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm và khai thác khoáng sản. Việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ giúp cải thiện dòng chảy thương mại, cải thiện môi trường đầu tư giữa hai quốc gia, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường hai bên.
Thứ ba, nâng cấp quan hệ ngoại giao giúp hai nước mở rộng hợp tác về văn hóa, giáo dục và du lịch. Việt Nam và Mông Cổ đều có văn hóa độc đáo, giàu truyền thống. Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác về văn hóa, giáo dục, giúp gia tăng sự hiểu biết và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển du lịch, khi hai quốc gia có thể tăng cường sự quảng bá, thu hút lẫn nhau về các điểm đến du lịch hấp dẫn.
Thứ tư, nâng cấp quan hệ giúp tăng cường tiếng nói chung trên trường quốc tế. Việt Nam và Mông Cổ có thể tăng cường phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên như Liên hợp quốc, ASEM, ARF, APEC…, đặc biệt trong việc ủng hộ các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ hòa bình và ổn định quốc tế. Việc có quan hệ tốt hơn sẽ giúp hai nước dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn của khu vực và thế giới.
Tóm lại, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà còn góp phần vào việc duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ cũng như nỗ lực thúc đẩy kết nối văn hóa, giao lưu nhân dân hai nước?
Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ sẽ được tổ chức từ ngày 30/9 - 01/10/2024 tại thủ đô Ulaanbaatar. Ngày Văn hóa Việt Nam sẽ mang một ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc. Đây không chỉ là cơ hội để người dân Mông Cổ và bạn bè quốc tế khám phá, trải nghiệm và hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, mà còn là dịp để củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Việc kết nối văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Mông Cổ giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, giáo dục và du lịch giữa hai nước. Văn hoá luôn đóng vai trò là cầu nối gắn kết giữa các dân tộc và giúp thắt chặt tình cảm hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ, từ đó mở rộng cơ hội hợp tác toàn diện hơn giữa hai nước.
Ngoài ra, sự kiện này cũng là một phần trong chiến lược thúc đẩy ngoại giao văn hóa của Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Sự kiện này không chỉ giới thiệu về Nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, âm nhạc và trang phục mà còn mở ra nhiều cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia.
Nỗ lực thúc đẩy kết nối văn hóa và giao lưu nhân dân cũng là yếu tố then chốt trong việc củng cố hợp tác lâu dài giữa hai nước, trong những năm qua, hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân hai nước đã không ngừng được mở rộng và phát triển, góp phần thắt chặt quan hệ chính trị và tăng cường hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cả Việt Nam và Mông Cổ.
PV: Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã đóng vai trò cầu nối kết nối nhiều doanh nghiệp hai nước. Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước?
Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ còn rất lớn, thế mạnh kinh tế hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau. Mặc dù quy mô về thương mại hai nước hiện nay còn khá khiêm tốn, nhưng có nhiều lĩnh vực có thể phát triển hơn nữa như nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, khai khoáng, dệt may và du lịch.
Mông cổ có nhiều loại khoáng sản quý và có nguồn đất hiếm dồi dào, đây đều là các nguồn nguyên liệu quan trọng cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh đó, với gần 70 triệu đầu gia súc, Mông Cổ có tiềm năng cung cấp nguồn nguyên liệu thô như thịt, sữa, da, lông…, trong khi Việt Nam có thể đóng vai trò cung cấp các sản phẩm chế biến và hàng tiêu dùng. Đồng thời, với 100 triệu dân, 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực thi và đang đàm phán, Việt Nam hứa hẹn là thị trường lớn và rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Mông Cổ.
Hợp tác về du lịch, hàng không cũng là những lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của cả hai bên.
Tâm thế của doanh nghiệp hai nước hiện có phần thận trọng do chưa có nhiều thông tin về thị trường của nhau và rào cản logistics. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ đã bắt đầu quan tâm và tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Các hội chợ, triển lãm và diễn đàn doanh nghiệp song phương cũng được tổ chức thường xuyên để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.
Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tích cực trong việc kết nối doanh nghiệp hai nước. Trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các sự kiến xúc tiến thương mại, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế song phương.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!
Từ khóa: Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tô Lâm, Đại sứ, Việt Nam, Mông Cổ, quan hệ ngoại giao
Thể loại: Nội chính
Tác giả: bích thuận/vov-bắc kinh
Nguồn tin: VOVVN