Chuyện làm thêm giờ “nóng” hội nghị đóng góp ý kiến về luật lao động

Cập nhật: 19/10/2019

VOV.VN - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, giờ làm thêm với quy định mức trần bó buộc như hiện nay gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp...

Chiều 14/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chứcHội nghị người sử dụng lao động quốc gia năm 2019, đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).

du thao luat lao dong (sua doi): can ton trong quyen lam them cua nguoi lao dong hinh 1

Hội nghị người sử dụng lao động quốc gia năm 2019 đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) bức xúc chia sẻ, Luật lao động còn quá nhiều bất cập và không công bằng.

Với việc quy định thời gian làm thêm của luật Lao động, ông Nam cho biết, tại Điểm b, khoảng 2 điều 106 luật lao động 2012 nêu rõ: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm”.

Thực tế, doanh nghiệp rất cần làm thêm giờ khi ngành tôm, cá nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đều có tính chất thời vụ. Vào vụ thu hoạch tôm, cá hoặc các nông sản khác, người nông dân mang rất nhiều về các nhà máy để bán. Trong những ngày này, nếu các nhà máy nhận hết sản phẩm của nông dân làm ra để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm trong ngày, trong tháng dẫn đến bị lỗi. Nếu doanh nghiệp chỉ mua đủ số lượng sản phẩm của nông dân mang lại còn bao nhiêu trả về vì quy định của luật làm thêm giờ thì hậu quả kinh tế xã hội sẽ ra sao?

Theo ông Nam, chỉ cần vi phạm thêm 1 giờ trong một tháng thôi là bị lỗi nặng. Khách sẽ không mua hàng. Chờ đến đợt đánh giá tiếp mà khắc phục được thì mới mua hàng. Trong khi phí mỗi lần đánh giá không dưới 3.000 USD. Việc làm thêm giờ để giải quyết hết những sản phẩm của nông dân làm ra lại vi phạm luật.

Nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách hàng thì phải tăng ca làm việc dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm. Doanh nghiệp không mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm; 300% làm thêm giờ cho những ngày lễ và 200% làm thêm vào ngày nghỉ. Làm thêm giờ phải trả lương thêm trong khi doanh nghiệp không thể bán giá cao được.

Ông Nam bày tỏ, hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu. Minh Phú hiện có 44 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất Minh Phú cần 20.000 lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất.

Vì những lý do trên, đại diện Minh Phú đề nghị, Chính phủ trình Quốc hội sửa lại quy định làm thêm giờ theo hướng “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày và không quá 500 giờ trong 1 năm (bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo tháng).

Chia sẻ và thấu hiểu với những khó khăn của doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình cho rằng, những lĩnh vực như thuỷ sản, chế biến nông sản có tính mùa vụ không thể để nông sản, thủy sản chờ thời gian làm việc bình thường để làm, bắt buộc phải chế biến ngay. Trong khi đó, thực tiễn doanh nghiệp đều trưng biển tuyển lao động nhưng không được.

“Doanh nghiệp Nhật Bản còn phàn nàn không tuyển được lao động thì doanh nghiệp nào có thể tuyển được? Cùng với đó, chi phí làm thêm giờ thì cao hơn lao động bình thường nên khi doanh nghiệp không thể tuyển lao động, lại vẫn phải thu mua nông sản cho người dân nên bắt buộc phải tăng giờ làm”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho biết thêm, người lao động cũng muốn tăng giờ làm thêm và sẵn sàng làm thêm. Nhưng nếu áp quy định tại Dự luật như hiện nay thì với thực tế này, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt vi phạm quy định và các đối tác huỷ hợp đồng. Vì vậy, tư duy làm Luật phải đảm bảo tôn trọng quyền có việc làm và làm thêm của người lao động. Đồng thời, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động.

Khẳng định không phải là quan điểm riêng của VCCI hay doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, với mọi nền kinh tế thì quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động phải thống nhất với nhau. Cộng đồng doanh nghiệp quan ngại với những văn bản được đưa ra trước đó khi đứng quá nhiều về phía người lao động. Nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm đi. Tiền lương giảm đi thì người lao động vẫn buộc phải làm thêm những công việc khác, đó là nhu cầu chính đáng và họ vẫn có sức khoẻ, có thời gian.

“Do đó, giờ làm thêm với quy định mức trần bó buộc như hiện nay gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, cần cân nhắc, doanh nghiệp kiến nghị tăng thêm 100 giờ làm thêm/năm so với quy định hiện nay”, ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến./.

Từ khóa: luật lao động, dự thảo luật lao động sửa đổi, làm thêm giờ, tự do kinh doanh, VCCI

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập