Chuyên gia y tế Việt kiều trả lời những câu hỏi liên quan đến đại dịch Covid-19
Cập nhật: 14/08/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Các chuyên gia người Việt ở nước ngoài là GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin, Paris và thành viên Taskforce Hội chứng Covid mãn tính của Liên minh Châu Âu; TS. BS. Nguyễn Nhất Linh - Chương trình chống lao toàn cầu (WHO) đã có buổi trả lời thính giả VOV.
Ba buổi hội thảo đặc biệt của Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) thực hiện, kết hợp cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhằm lan tỏa những thông tin khoa học dễ hiểu, hữu ích đã được kiểm chứng tới công chúng, nhất là tại Việt Nam, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng này.
Các chuyên gia người Việt ở nước ngoài là GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin, Paris và là thành viên Taskforce Hội chứng Covid mãn tính của Liên minh châu Âu cùng TS. BS. Nguyễn Nhất Linh - Chương trình chống lao toàn cầu (WHO) trả lời thính giả sau bài trình bày trong buổi hội thảo thứ 3 với chủ đề “Mối nguy hiểm của biến thể Delta và cách phòng tránh” .
Hiện nay TP.HCM có nhiều bệnh nhân F0 có nguy cơ trở nặng khi được cách ly và điều trị tại nhà. Thường sau 7-10 ngày mắc bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng như khó thở, ho nhiều. tức ngực. Các bác sĩ có thể tư vấn dùng sớm một loại thuốc nếu bắt đầu xuất hiện triệu chứng? Vai trò và liều lượng của Dexamethasone trong điều trị?
GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn: Khi đã ở trong tình trạng F0 ai cũng quan ngại, không biết mình sẽ khỏi bệnh hay bệnh nặng hơn. Điểm mốc từ 7 đến 10 ngày sau khi có triệu chứng là điểm mốc khá quan trọng và trong thời gian đó phải theo dõi rất kỹ bệnh nhân. Thứ nhất là vấn đề ho, khó thở và lúc nào triệu chứng bệnh trở nặng? Rất nhiều trường hợp vì tâm lý nên chúng ta có cảm thấy khó thở, nhưng thực ra chưa hẳn thế. Điều quan trọng nhất trong thời điểm đó là đo được SpO2 – độ bão hòa oxy trong máu. Đólà bằng chứng cụ thể xem hệ hô hấp của chúng ta còn hoạt động bình thường hay không. Nếu SpO2 vẫn bình thường, nghĩa là vẫn cao hơn 92% lúc đó không có gì quan ngại, nếu SpO2 tụt xuống lúc đó bắt buộc phải đến bệnh viện.
Đến bệnh viện không có nghĩa phải nhập viện. Ở bên Pháp, đầu tiên chúng tôi chụp CT hoặc XQ, để xem triệu chứng có thể hiện trên những chẩn đoán hình ảnh hay không. Nếu có dấu hiệu phổi đã bắt đầu bị viêm hay bị trắng sẽ can thiệp ngay. Còn chẩn đoán hình ảnh bình thường thì cho bệnh nhân an tâm về nhà và tiếp tục theo dõi.
Về việc sử dụng Corticoid, rõ ràng WHO đã khuyến cáo chúng ta nên dùng Corticoid đối với những bệnh nhân trở bệnh nặng, còn những bệnh nhân mới bắt đầu bị bệnh thì tuyệt đối không dùng bởi vì Corticoid làm giảm hệ miễn dịch, và lúc cơ thể đang giao tranh với con virus chúng ta cần có hệ miễn dịch rất mạnh. Trong khi đó, nếu trở bệnh nặng nghĩa là cơ thể đang bị cơn bão cytokine - hệ miễn dịch đã tăng cường quá độ nên chúng ta mới nên dùng Corticoid.
Có thể tiêm hai loại vaccine ngừa Covid 19 khác nhau hay không?
GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn: Chuyện tiêm hai loại vaccine nghĩa là dùng liều đầu với Astra Zeneca và liều thứ hai với Moderna hoặc Pfizer Biotech. Có câu chuyện vài tháng trước bên châu Âu, vaccine Astra Zeneca bị dư luận nghi ngờ, nên các chính phủ đã quyết định tạm ngừng tiêm thuốc này, trong khi đó có một số người đã tiêm rồi và đến lượt phải tiêm mũi thứ hai. Mũi hai này rất quan trọng, bắt buộc phải tiêm. Lúc đó Đan Mạch, Pháp, Đức… đã quyết định sẽ pha trộn, mũi thứ hai sẽ tiêm với Moderna hoặc Pfizer. Kết quả đã được tất cả mọi người thấy, là tiêm như vậy không những không có hại mà còn có vẻ có công hiệu cao hơn mũi hai dùng bằng Astra Zeneca. Những thông tin này đã được đăng tải trên tạp chí uy tín Nature Medicine, phát hành ngày 26/7. Các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến cả hai loại miễn dịch: miễn dịch thể dịch và loại miễn dịch tế bào. Nếu tiêm hai loại vaccine như vậy thì hai loại miễn dịch đều được tăng cường.
Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ tiêm hai mũi khác nhau như vậy hay là chỉ dùng một loại vaccine – bất cứ loại nào, nhưng được tiêm đủ 2 mũi, đều tốt như nhau. Cần thiết nhất là tiêm vaccine và tiêm đủ 2 liều.
Có đúng là vaccine không phải cho mọi người mà chỉ dành cho nhóm có nguy cơ cao? Vì có ý kiến cho rằng vaccine đang đẩy nhanh quá trình tiến hóa chọn lọc tự nhiên của virus, nên lại cần có một loại vaccine mới để ứng phó với các biến thể mới là không tránh khỏi?
GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn: Thực ra nên trả lời câu hỏi này một cách rất cụ thể: Ngày hôm, nay khi chúng ta đang thiếu vaccine tại quốc gia này hay quốc gia khác, thì nên ưu tiên dành cho những nhóm có nguy cơ cao. Điều này để làm gì? Để giảm áp lực ở các bệnh viện. Bởi những người đó bị nhiễm bệnh thì sẽ có nhiều nguy cơ trở bệnh nặng và khi khả năng chữa bệnh không đủ thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ bị quá tải.
Nhưng tôi cũng xin nói rõ một khi chúng ta có đầy đủ vaccine, phải tiêm hết cho tất cả mọi người từ già đến trẻ, từ người khỏe đến người có bệnh nền, từ một quốc gia giàu có châu Mỹ, châu Âu đến những quốc gia nghèo nhất bên châu Phi. Bởi nếu không làm việc đó, con virus vẫn tiếp tục truyền từ nơi này qua nơi nọ, và sẽ xảy ra một số biến chủng mới. Ngày hôm nay chúng ta có biến chủng Delta đang làm cho tất cả mọi người lo sợ, đang có biến chủng Lambda lấp ló ở Nam Phi. Nếu chúng ta không kiểm soát được, năm 2012 - 2013 lúc nước Pháp, Mỹ, Anh... đã tiêm hết cho tất cả, có thể châu Phi sẽ có biến chủng mới và biến chủng đó sẽ quay trở lại (các nước đã tiêm chủng), sẽ làm cho những vaccine hiện nay vốn đang công hiệu với biến chủng cũ nhưng có thể không có công hiệu với biến chủng mới. Lúc đó chúng ta sẽ quay trở lại điểm xuất phát. Đó là điều chúng ta hoàn toàn không thể để xảy ra.
Với những vaccine đang được tiêm tại Việt Nam, với người cao tuổi và có nhiều bệnh nền nên tiêm vaccine loại gì? Và nên tiêm vào thời điểm nào để giảm thiểu sự phản ứng vaccine?
TS. BS. Nguyễn Nhất Linh: Người già, có bệnh nền có nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong rất cao khi mắc Covid-19. Vì vậy khi dịch lan rộng, nếu nhóm người này không được bảo vệ bằng vaccine, chúng ta sẽ phải đối mặt với tỷ lệ tử vong rất cao và quá tải bệnh viện. Phần lớn các vaccine có thông tin cho những nhóm người già, người bệnh nền đều có hiệu quả tốt.
GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn: “Hiện nay, các cơ quan truyền thông khi nói đến vaccine đều đưa ra những con số so sánh thí dụ như là Pfizer BioNtech 95 %, Moderna 96 %, Astra Zeneca chỉ có 65,66 %... nhưng những con số đó cho dù là thực sự chính xác, nhưng nó mới chỉ liên quan đến sự lây nhiễm (Covid).
Trong khi đó, nếu chúng ta nghĩ rằng vaccine dùng để giảm thiểu số tử vong và giảm thiểu những ca bệnh nặng, thì tất cả những loại vaccine từ Astra Zeneca đến Pfizer BioNtech tới Johnson and Johnson… đều có công hiệu như nhau. Nói một cách khác là một người lớn tuổi có bệnh nền nếu được tiêm 2 mũi vaccine sẽ không có ai hay là có một số rất ít bị trở bệnh nặng có thể gây tử vong./.
Từ khóa: Chuyên gia y tế Việt kiều, AVSE Global, trả lời về Covid 19
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN