Chuyên gia quốc tế nhận định về chuyến thăm Singapore và Brunei của Thủ tướng
Cập nhật: 08/02/2023
Vũ khí giúp Ukraine hạ gục loạt xe bọc thép hạng nặng của Nga
Quân khu 9 chăm lo xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị
VOV.VN - Chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước lên tầm cao mới.
Nhận định này được Tiến sỹ Vannarith Chheang, chuyên gia chính sách công và các vấn đề quốc tế, Đại học Công nghệ Nanyang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tầm nhìn Châu Á (Asia Vision Institute) đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV trước thềm chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (từ 8-11/2).
PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore và Đối tác toàn diện Việt Nam - Brunei?
Tiến sỹ Vannarith Chheang: Chính sách đối ngoại của Việt Nam hết sức chủ động, nhất là việc tăng cường quan hệ với các quốc gia láng giềng và các thành viên ASEAN. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Singapore. Chuyến thăm sẽ là một dấu mốc quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Singapore lên tầm cao mới.
Singapore hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, do đó chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Một lĩnh vực quan trọng khác là du lịch. Có thể thấy số lượng khách du lịch Singapore đến Việt Nam và ngược lại ngày càng tăng, cùng với đó là sự gia tăng về trao đổi giáo dục và giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Trong hợp tác khu vực, có nhiều lợi ích hội tụ giữa Việt Nam và Singapore. Với vai trò và vị thế chiến lược ở Đông Nam Á, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác chiến lược rất quan trọng của Singapore. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đang tích cực, chủ động thúc đẩy các chương trình, kế hoạch hội nhập khu vực.
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam - Brunei, dù chưa có nhiều thành công như quan hệ Việt Nam-Singapore về thương mại-đầu tư, song lại có những khía cạnh hợp tác độc đáo như hợp tác về dầu khí. Ngoài ra, cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam và Brunei sẽ hợp tác chặt chẽ theo các khuôn khổ, cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có chương trình nghị sự về các vấn đề khu vực cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông.
PV: Vậy theo ông, đâu là những điểm nhấn về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế và khu vực?
Tiến sỹ Vannarith Chheang: Mặc dù Việt Nam không tuyên bố là cường quốc tầm trung, nhưng với vị thế địa chiến lược, địa kinh tế của mình, có thể xếp Việt Nam là một cường quốc tầm trung được rất nhiều cường quốc quan tâm.
Đối với Singapore, dù là quốc đảo nhỏ, với chính sách đối ngoại của mình, Singapore luôn thể hiện sự tích cực trong thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để đảm bảo tất cả các quốc gia đều tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm về cách thức củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cách thức vận dụng luật pháp quốc tế để giải quyết xung đột. Hiện cả hai nước đã và đang tích cực ủng hộ các chuẩn mực này.
Trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của tất cả các cường quốc, không quốc gia nào trong khu vực mong muốn Mỹ và Trung Quốc đối đầu. Singapore và Việt Nam đều nhất quán lập trường không chọn bên, mong muốn Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh lành mạnh, ổn định.
Đây là thông điệp quan trọng mà cả Singapore và Việt Nam đều mong muốn chuyển tải. Do đó, trong chuyến thăm sắp tới, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và đề ra các biện pháp nhằm phối hợp lập trường trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác do ASEAN hay Liên Hợp Quốc dẫn dắt nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
PV: Năm 2023, Việt Nam và Singapore sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược. Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực trong những năm tới?
Tiến sỹ Vannarith Chheang: Tôi nghĩ rằng lĩnh vực kinh tế sẽ đạt được động lực mới. Vì Việt Nam hiện nay đang có vị thế chiến lược và địa kinh tế với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam hiện có những mối liên kết rất chặt chẽ với thế giới và khu vực.
Tôi nghĩ việc Singapore đầu tư vào Việt Nam không chỉ nhờ nguồn lợi từ nhân công giá rẻ, trình độ tay nghề cao, mà Singapore còn có thể tiếp cận thị trường Việt Nam, cũng như các thị trường khu vực và thế giới thông qua các FTA mà Việt Nam ký kết.
Ngoài ra, Việt Nam còn có rất nhiều lợi thế như sự ổn định chính trị, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, hậu cần, cảng biển và chi phí sản xuất ở Việt Nam cũng rất cạnh tranh. Do vậy, từ góc nhìn của Singapore, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất.
Một lĩnh vực quan trọng khác mà chúng ta có thể thấy rõ là sự hội tụ về quan điểm và lợi ích chiến lược trong các vấn đề quốc tế.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là giao lưu nhân dân, tôi nghĩ rằng cả hai quốc gia đều sẽ tăng cường trao đổi văn hóa và giáo dục.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội hợp tác mới, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore, sau chuyến thăm này?
Tiến sỹ Vannarith Chheang: Tôi nghĩ rằng một lĩnh vực mà cả hai quốc gia cần hợp tác là an ninh hàng hải. Nói cách khác là việc hợp tác để đảm bảo duy trì trật tự hàng hải ổn định và dựa trên luật lệ. Singapore có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực hàng hải, công nghệ và nguồn nhân lực cũng như các chuyên gia. Vì vậy, tôi nghĩ hợp tác hàng hải là lĩnh vực mà hai quốc gia có thể đi sâu trao đổi và tăng cường hơn nữa.
Một ví dụ nữa là lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh giữa Việt Nam-Singapore. Năm 2018 (trên cương vị Chủ tịch ASEAN), Singapore đã thúc đẩy thành lập mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, tất nhiên, đi kèm với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Singapore có công nghệ, nền kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh và an ninh mạng tiên tiến hơn.
Trong khi Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để cung cấp như việc Việt Nam đang chuyển đổi số rất nhanh. Việt Nam là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp nhà nước rất am hiểu công nghệ và có tinh thần khởi nghiệp công nghệ.
Vì vậy, tôi nghĩ đây là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Hai nước có thể thúc đẩy hợp tác xây dựng năng lực về kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh, mạng lưới thành phố thông minh và an ninh mạng.
Ngoài ra, hai nước có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau nhằm tăng cường quan hệ kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: Thủ tướng thăm singapore và Brunei, Chuyên gia Thái lan nhận định về chuyến thăm Singapore và Brunei của Thủ tướng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN