Chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc không thể nuốt trọn Biển Đông
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - Trung Quốc không ngừng gây leo thang căng thẳng hòng độc chiếm Biển Đông nhưng giới quan sát cảnh báo đây không phải việc dễ dàng.
Gần đây, dư luận quốc tế ít nghe về thông tin liên quan đến hoạt động sai trái của Trung Quốc bồi đắp, cải tạo quy mô lớn các rạn san hô, bãi đá thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhưng điều đó không có nghĩa là tham vọng phi lý của Trung Quốc muốn “nuốt trọn” gần như toàn bộ vùng biển có diện tích 3,5 triệu km2 này đã giảm bớt.
Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa trên đá Subi. Ảnh:spatialsource. |
Thậm chí hoàn toàn ngược lại, tham vọng của Trung Quốc dường như đã leo thang lên một nấc thang mới, nguy hiểm hơn khi Bắc Kinh nghĩ rằng các thực thể mà họ bất chấp luật pháp quốc tế để tạo ra trên Biển Đông sẽ giúp họ khẳng định được “cái gọi là chủ quyền” khi phải đối mặt với những yêu sách chồng chéo trên biển.
Kể từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã bất chấp tất cả để bồi đắp nên 7 hòn đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi đá ngầm ở Biển Đông. Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình từng hứa hẹn rằng các hoạt động của nước này chỉ phục vụ lợi ích chung nhưng thực tế lại không phải như vậy. Việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông không chỉ khiến môi trường bị hủy hoại mà còn tạo ra sự bất ổn trong khu vực.
Tờ The Economist nhận định, sở dĩ câu chuyện Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông không còn nóng bởi vì phần lớn kế hoạch này đã hoàn thành. Các chỉ huy quân sự Mỹ cũng thừa nhận, những tiền đồn này cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong bất kỳ kịch bản chiến tranh toàn diện nào với Mỹ.
7 tiền đồn Trung Quốc thiết lập phi pháp ở Biển Đông giúp nước này cải thiện năng lực tác chiến. Cũng có thể vì đó nên các tàu dân quân biển, tàu hải cảnh, đặc biệt là các tàu khảo sát của nước này hoạt động ngày càng nhiều và hung hăng hơn ở những vùng biển tranh chấp hoặc thậm chí là không có tranh chấp, hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác, ngang nhiên thách thức luật pháp quốc tế.
“Tàu khảo sát của Trung Quốc chạy đi chạy lại như máy cắt cỏ”, Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu vềBiển Đôngcủa Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nói.
Kể từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương 08 với sự hộ tống của các tàu dân quân biển và cảnh sát biển hộ ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng bãi Tư Chính là lãnh thổ của nước này.
Phản bác luận điệu sai trái của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 3/10 nêu rõ: "Việt Nam khẳng định khu vực Trung Quốc gọi là bãi Vạn An thực chất là bãi ngầm, làmột phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ViệtNam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm1982 (UNCLOS). Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vìTrung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đốivới khu vực này. UNCLOS và thựctiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều đó”. Việt Nam bác bỏ tuyên bố sai trái của Trung Quốc về bãi Tư Chính
Không chỉ đưa tàu xâm phạm EEZ của Việt Nam, Trung Quốccòn cho tàu xâm phạm các vùng biển của Philippines, Malaysia và quấy rối hoạt động kinh tế của các nước này.
Giới quan sát nhận định, đây là chiến thuật áp đặt, buộc các nước láng giềng chấp nhận chuyện đã rồi, biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính” khi mà thực tế không phải mọi thứ đều diễn ra như cái cách mà Trung Quốc mong đợi.
Những rào cản lớn thách thức tham vọng của Trung Quốc
Thứ nhất, có nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề cực lớn khi các cấu trúc bê tông trên những hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông không biết sẽ đứng vững được bao lâu trước khí hậu khắc nghiệt của biển. Sự ăn mòn của muối biển có thể khiến các kết cấu này sớm sụp đổ khi phải đối mặt với những cơn bão lớn vẫn thường xuyên “ghé thăm” Biển Đông.
Thứ hai, Trung Quốc đang phải đối mặt với phản ứng ngày càng quyết liệt của các quốc gia khác trước cách hành xử sai trái, coi thường luật lệ của Bắc Kinh. Dù Philippines có tuyên bố thúc đẩy chủ trương hợp tác và phát triển chung với Trung Quốcnhưng tới nay, tất cả cũng chỉ là phát ngôn ngoại giao và chưa có một văn bản nào được hai nước ký kết chính thức.
Tàu thăm dò Hải Dương 8 liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Weibo. |
Cũng phải thấy rằng, Trung Quốc không ngăn được các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông khai thác tài nguyên, càng không cản được các quốc gia khác hợp tác khai thác tài nguyên với các nước ở Biển Đông. Điều đáng nói là những hành động bắt nạt của Trung Quốc chỉ gây bất lợi thêm cho nước này khi đang cùng với ASEAN hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với hạn chót mà Bắc Kinh đề xuất là năm 2021.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại ViệnISEAS YusofIshak của Singapore nhận định, rào cản bắt nguồn từ chính những tham vọng không có giới hạn của Trung Quốc. Cụ thể, để COC có giá trị pháp lý thì bộ quy tắc này phải được đệ trình lên Liên Hợp Quốc mà Bắc Kinh lại phản đối điều này.
Thứ nữa là cần phải xác định phạm vi điều chỉnh của COC. Trung Quốc khăng khăng đòi COC phải công nhận yêu sách “đường 9 đoạn” mà nước này đơn phương vẽ ra ở Biển Đông, hòng chiếm gần như toàn bộ diện tích vùng biển này. Đương nhiên, các quốc gia ASEAN có liên quan không bao giờ chấp nhận điều này.
Một “nút thắt” khác trong đàm phán COC đó là tìm ra tiếng nói chung cho câu hỏi hoạt động nào nên bị cấm? Trung Quốc đương nhiên phản đối việc cấm quân sự hóa và cải tạo đảo, đá ở Biển Đông còn ASEAN chắc chắn sẽ không để Trung Quốc “gài” điều khoản cấm hiệp hội này tập trận chung với Mỹ.
Hiểu rõ ý đồ của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin không ngần ngại chỉ ra rằng, Trung Quốc đang muốn mộtbộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông mà trong đó chỉ có nước này và các nước Đông Nam Á thỏa thuận với nhau, không nước nào khác được tham gia.
“Một thỏa thuận như vậy sẽ là lời công nhận ngầm cho sự bá quyền của Trung Quốc”, ông Locsin nói. Ngoại trưởng Philippines cho rằng một bộ quy tắc như vậy nếu được hình thành sẽ giống như "sống chung với bá quyền hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng một con rồng ngay trong phòng khách nhà bạn vậy"./. Trung Quốc cố tình làm sai để theo đuổi yêu sách phi lý ở Biển Đông
Từ khóa: Trung Quốc muốn nuốt trọn Biển Đông, Trung Quốc, Biển Đông, tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông, bãi Tư Chính
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN