Chuyên gia Mỹ cảnh báo về an ninh Biển Đông giữa đại dịch Covid-19
Cập nhật: 29/05/2020
Cruise ship AIDAstella brings over 2,000 foreign tourists to Phu Quoc
Vietnam draws growing interest from global travelers for New Year celebrations
VOV.VN - Trung Quốc sẽ tiếp tục gia găng các hoạt động gây bất ổn ở Biển Đông sau khi nước này về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 trong nước.
Đây là nhận định được bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra tại buổi thảo luận trực tuyến về An ninh khu vực ở Biển Đông trong kỷ nguyên của đại dịch Covid-19 diễn ra tại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tối 27/5.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại buổi thảo luận trực tuyến. |
3 mục tiêu chính Trung Quốc hướng đến
“Trung Quốc thường ép các nước láng giềng phải thuận theo các lợi ích và những ưu tiên của Trung Quốc và nếu các nước láng giềng không chấp thuận, Trung Quốc sẽ có những hành động chèn ép, chủ yếu là thông qua các biện pháp kinh tế”, bà Glaser chỉ ra mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc hướng đến.
Vị chuyên gia người Mỹ nêu ví dụ điển hình là vào năm 2012 khi Philippines thực hiện việc bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh cá trong khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines và sau đó tiến hành khởi kiện Trung Quốc lên Toà Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2016, Trung Quốc đã có các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng Philippines vào Trung Quốc.
“Trung Quốc cũng thường cố tình diễn giải các tranh chấp trên Biển Đông theo hướng có lợi cho mình thông qua các điều kiện do Trung Quốc áp đặt”, bà Glaser đề cập thêm về mục tiêu thứ 2 và cho biết, mục tiêu cuối cùng mà Trung Quốc hướng đến là tăng cường kiểm soát những vùng biển bên trong chuỗi đảo đầu tiên, và bên ngoài phạm vi chuỗi đảo này.
“Chuỗi đảo đầu tiên mà Trung Quốc muốn kiểm soát kéo dài từ các đảo ở miền Bắc Nhật Bản qua Philippines xuống Malaysia trong đó Biển Đông chiếm một phần diện tích khá lớn trong chuổi đảo đầu tiên” bà Glaser giải thích thêm.
Cũng theo bà Glaser, trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ năng lực quân sự của mình, xây dựng hệ thống vũ khí rất lớn bao gồm nhiều loại tên lửa truyền thống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình nhằm khống chế các tàu và máy bay hoạt động trong khu vực chuỗi đảo đầu tiên.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy bãi Chữ thập bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo. Ảnh: IHS Janes |
“Mục tiêu của Trung Quốc là phải kiểm soát bằng được mặt biển, bầu trời và cả đáy biển (Biển Đông). Bất kỳ khi nào nhận thấy có cơ hội, Trung Quốc sẽ thúc đẩy mục tiêu này và khi đối mặt với sự phản kháng từ các nước khác, Trung Quốc sẽ tạm dừng mục tiêu này, củng cố những gì mà nước này chiếm được và chờ đợi cơ hội thuận lợi để tiếp tục mục tiêu nói trên”, bà Glaser nhận định.
Bà Glaser dẫn lại lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh: “Trong những tháng đầu tiên của năm 2020, Trung Quốc coi đại dịch Covid-19 là cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát khu vực Biển Đông”.
Mỹ sẽ có hành động thích hợp
Trước những quan ngại của cộng đồng quốc tế về những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm hiện thực hoá tham vọng đầy sai trái của nước này, bà Glaser cho biết, Mỹ sẽ có những phản ứng thích hợp, bao gồm cả những biện pháp đơn phương và đa phương nhằm ngăn chặn Trung Quốc đạt được điều này.
“Cụ thể, Mỹ và Nhật Bản đã cùng hợp tác trong việc nâng cao năng lực cho các đối tác như Việt Nam Philippines và Malaysia để các nước này hiểu rõ hơn về những động thái mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, đặc biệt là trong Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước nói trên, cũng như có đủ khả năng đối phó với những hành vi o ép, doạ dẫm của Trung Quốc”, bà Glaser cho biết.
Tàu đổ bộ trực thăng USS America được Mỹ triển khai ở Biển Đông hồi đầu tháng 5. Ảnh: AP |
Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai các tàu chiến và máy bay nằm trong chiến dịch đảm bảo hàng hải và hàng không ở Biển Đông (FONOP). Mới đây nhất, hồi đầu tháng 5, Mỹ đã triển khai tàu đổ bộ trực thăng USS America cùng nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu hiện diện tại khu vực tàu khoan dầu West Capella của Malaysia ở Biển Đông trước sự quấy rối liên tục của các tàu Trung Quốc. Đây là hành động chưa từng có trước đây.
“Những hành động nói trên của Mỹ cho thấy Mỹ muốn khẳng định nước này rất quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình chứ không phải thông qua những hành động o ép, doạ dẫm cũng như gửi một tín hiệu tới Trung Quốc rằng, Trung Quốc không nên tiếp tục duy trì những hành động tương tự”, bà Glaser nhấn mạnh.
Bà Glaser khẳng định, dù đại dịch Covid-19 có thể cản trở phần nào những tính toán của quân đội Mỹ ở Biển Đông khi có nhiều quân nhân Mỹ dương tính với SARS-CoV-2, quân đội Mỹ vẫn luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi tình huống khẩn cấp trên Biển Đông. Việc thiếu sự chuẩn bị kỹ càng là rất nguy hiểm bởi điều này có thể dẫn đến những tính toán sai lầm./.
Từ khóa: Biển Đông, Mỹ, Trung Quốc, covid-19, FONOP
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN