Chuyên gia cảnh báo tình trạng dụ nạn nhân “chat sex” rồi tống tiền
Cập nhật: 29/06/2024
VOV.VN - Lợi dụng lúc nạn nhân có chuyện buồn, cô đơn hoặc khi say xỉn… các đối tượng lừa đảo sẽ dẫn dụ nạn nhân “chat sex”. Sau đó, chúng dùng các ứng dụng quay chụp màn hình để làm tư liệu khống chế nạn nhân.
Những ngày gần đây, công an 1 số tỉnh, thành phố liên tục phát đi cảnh báo người dùng mạng xã hội cần cảnh giác trước chiêu trò nhắn tin tán tỉnh, dụ dỗ chat sex của các đối tượng nhằm thực hiện hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản.
Theo nhận định của chuyên gia tội phạm học, đây là hình thức không mới, nhưng vẫn có rất nhiều người mắc bẫy. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn lấy hình ảnh thật, thông tin thật của diễn viên hay người mẫu chia sẻ trên mạng xã hội,….Sau đó, sử dụng công nghệ AI deepfake (một phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video bởi trí tuệ nhân tạo) để tạo cuộc gọi video call theo thời gian thật, tương tác thật với nạn nhân.
Khi đã tạo được lòng tin và kết bạn với nạn nhân, các đối tượng sẽ tìm cách khai thác thông tin đời tư, cá nhân, các mối quan hệ, các tài khoản mạng xã hội… thu thập các thông tin của nạn nhân rồi tìm cách khống chế, cưỡng đoạt tài sản.
Cụ thể, những ngày giữa tháng 5/2024, ông T, ngụ tại quận 10, TP Hồ Chí Minh đã lên công an trình báo vụ việc bị đối tượng chủ động làm quen qua mạng xã hội Facebook. Đối tượng sử dụng hình ảnh của một người mẫu khá nổi tiếng trên mạng.
Ông T. và đối tượng đã trao đổi nhiều lần qua video call nên có được sự tin tưởng. Sau thời gian làm quen, lợi dụng lúc ông T. say rượu, đối tượng đã dẫn dụ nạn nhân “chat sex”. Sau đó, đối tượng đã sử dụng clip và hình ảnh đó để liên tục đe dọa, khống chế nạn nhân phải chuyển tiền nhiều lần, nếu không sẽ chuyển clip đến người thân và mạng xã hội của ông T. Do bị khống chế, lo sợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự bản thân, ông T. đã phải chuyển cho đối tượng hơn 450 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, đối tượng tiếp tục khống chế đòi hỏi thêm nên ông T. đã trình báo cơ quan công an.
Gần đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Công Toàn (SN 1995), trú phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tháng 3, Lê Công Toàn sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook lấy hình đại diện là phụ nữ gửi lời mời kết bạn đến tài khoản Facebook của anh L.X.H (SN 2003), trú huyện Krông Nô. Trong quá trình nhắn tin, Toàn đề nghị anh H. nhắn tin và quay video có nội dung khiêu dâm để gửi qua messenger cho Toàn. Sau đó, Toàn dùng những hình ảnh khỏa thân của anh H. để đe dọa và yêu cầu anh H. chuyển tiền cho Toàn. Lo sợ các hình ảnh, clip trên bị phát tán nên H. đã 2 lần chuyển cho Toàn tổng cộng 2,4 triệu đồng.
Trước đó, công an tỉnh Thanh Hoá đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Đình Hiền (SN 2002, ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cũng với thủ đoạn như trên, Hiền đã khống chế và cưỡng đoạt tài sản của gần 30 người với số tiền gần 300 triệu đồng.
Qua qua sát các vụ việc nêu trên, Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh, giảng viên khoa Cảnh sát hình sự, Học Viện Cảnh sát nhân dân khẳng định, việc các đối tượng dụ dỗ nạn nhân tham gia chát sex, sau đó thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới. Nhưng điều đáng nói ở đây là tình trạng này bắt đầu gia tăng trong những năm trở lại đây với những thủ đoạn hết sức tinh vi.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Oanh, nguyên nhân đầu tiên đến từ sự thiếu kỹ năng và thiếu hiểu biết về sử dụng mạng xã hội an toàn của chính người dân.
“Ước tính tại Việt Nam có 75,5% người sử dụng mạng xã hội. Nhưng việc thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết trong quá trình sử dụng mạng xã hội, qua đó, tạo cơ hội để các đối tượng thực hiện hành vi dụ dỗ họ tham gia chát sex. Từ đó mới dẫn đến tình trạng họ bị cưỡng đoạt tài sản sau này”- Thiếu tá Oanh nói.
Một nguyên nhân nữa đáng chú ý được Thiếu tá Oanh nhấn mạnh, liên quan đến tâm lý của người sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, sau khi bị các đối tượng quay clip liên quan việc “chat sex”, lo sợ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, nhiều bị hại không trình báo, không tố giác với cơ quan chức năng. Điều này gây khó khăn cho công tác điều tra, khi các vụ việc không được phát hiện, đối tượng gây án lại nhởn nhơ tiếp tục thực hiện hành vi này với nhiều nạn nhân khác.
“Sự chủ quan này, có thể xuất phát từ việc, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, người sử dụng thường xuyên post những hình ảnh, clip có liên quan đến đời sống cá nhân của mình lên trên đó. Nhưng họ lại không hiểu đây là cơ hội cho nhiều đối tượng có ý đồ xấu tập hợp lại các thông tin, các hình ảnh, clip để biên tập, cắt ghép gắn liền với các video hoặc clip liên quan đến 18+. Qua đó, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”- Thiếu tá Oanh phân tích.
“Chúng ta thấy rằng, rất nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh, clip của những người nổi tiếng, thậm chí là bạn bè trên mạng xã hội để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của chính người sử dụng mạng xã hội. Ví như họ có thể gửi thông qua các hình ảnh, gọi điện trực tuyến, nhưng đã được cắt ghép bởi công nghệ AI, dẫn đến người sử dụng mạng xã hội không phân biệt được đó không phải bạn mình nên vẫn chuyển tiền. Thậm chí là click vào những đường link có mã độc. Từ đó, các đối tượng có thể lấy cắp thông tin liên quan , đặc biệt là tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi chuyển tiền một cách nhanh chóng” - Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh phân tích thêm .
Trước khi kết bạn với một ai đó, ngươi dân cần cẩn thận, cảnh giác, đánh giá xem những lời mời kết bạn đó từ ai, có trong danh sách bạn bè của chúng ta, hay có là bạn của bạn chúng ta trên mạng xã hội hay không? Và tại sao họ biết thông tin của chúng ta và kết bạn với chúng ta nhằm mục đích gì?
Nhưng ông Oanh cũng khẳng định, thực tế hiện nay, các đối tượng lừa đảo rất thông minh. Chúng tạo ra các trang mạng xã hội giả, rồi sử dụng các kỹ năng tạo sự tương tác, tăng uy tín, tạo niềm tin với người bị hại. Ngay chính bản thân bị hại cũng không phân biệt được, từ đó chúng dễ dàng thực hiện các hành vi lừa đảo. Trong đó, có hành vi cưỡng đoạt tài sản, hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp này, theo ông Oanh, người sử dụng mạng xã hội cần kiểm tra các thông tin có liên quan. Thậm chí, đặt ngược lại câu hỏi đối với người muốn kết bạn với mình. Qua đó, giúp đảm bảo uy tín, chính xác đối với những người mà chúng ta thực hiện hoạt động kết bạn trên facebook. Trong trường hợp, người dùng mạng thấy các đối tượng liên tiếp gửi lời mời kết bạn, thậm chí đường link, mã độc, hình ảnh mang tính chất gợi dục thì người dùng mạng cần có hành động ngăn chặn hành vi này.
“Nếu thấy sự mất an toàn đó đang hiện hữu với mình thì người sử dụng mạng xã hội, tạm thời khoá các trang mạng, tránh bị các đối tượng đeo bám. Trong trường hợp đã thao túng tâm lý, yêu cầu chuyển tiền một lần, thì chúng ta phải lưu ý, có một lần rồi sẽ có lần thứ hai và đối tượng sẽ tiếp diễn hành vi khống chế đòi tiền chuộc, hoặc tiền mua lại những clip, hình ảnh mang tính chất gợi dục mà các đối tượng quay lại. Việc này rất nguy hiểm. Bởi, các đối tượng lừa đảo nắm bắt được tâm lý muốn che giấu của nạn nhân, nên chúng sẽ không dừng lại ở lần thứ nhất, sẽ tiếp tục đòi tiền nếu lần 1 thành công”- Thiếu tá Oanh nói.
Nếu người dân bị rơi vào trường hợp này, ông Oanh cho rằng, họ cần tỉnh táo, và có biện pháp trì hoãn, nhận diện, "câu giờ" việc chuyển tiền. Trong thời gian đó, cần thông báo với cơ quan chức năng, bố mẹ, thầy cô để giải quyết. Đặc biệt, cần phối hợp cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng này, không để các đối tượng thực hiện hành vi tiếp theo. Trong những trường hợp nguy hiểm, người dùng mạng cần tạm thời khoá luôn tài khoản đó, tránh việc làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của chính bản thân mình.
Từ khóa: chat sex, chat sex, lừa đảo, lừa đảo để tống tiền, lừa đảo qua mạng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN