Chuyên gia Australia tư vấn giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra

Cập nhật: 10/10/2023

VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, nếu ngành cá tra chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh và kiểm soát chất lượng, cơ hội cho cá da trơn và các giống cá khác sẽ rất triển vọng.

“Việt Nam đang trên con đường hướng tới các sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế khó tính” - Đây là nhận định của ông David Whitehead - Cố vấn cấp cao Nhóm Tham vấn Kinh doanh nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), khi nói về triển vọng ngành cá tra của Việt Nam, cùng những tư vấn để phát triển ngành này một cách bền vững. Phóng viên VOV đã phỏng vấn chuyên gia về nội dung này.

PV: Thưa ông, biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến ngành cá tra tại khu vực ĐBSCL của Việt Nam. Từ góc độ của người làm trong lĩnh vực nông nghiệp và 1 doanh nhân, ông suy nghĩ gì về trực trạng này?

Mr. David: Biến đổi khí hậu đang có ảnh hưởng rất lớn đến lưu vực sông Me Kong, đây là vấn đề rất quan trọng đối với khu vực này. Có hai vấn đề lớn: Đầu tiên là biến đổi khí hậu và sự thay đổi mô hình thời tiết. Thứ hai là hiện tượng xâm nhập mặn, xuất phát từ sự vận động của các dòng nước. Những điều đó ảnh hưởng đến các loại cây trồng người nông dân có thể canh tác và cả những loài cá mà họ có thể nuôi ở đây. 

Trước những vấn đề lớn như vậy, làm thế nào để chúng ta khắc phục? Rõ ràng đây là bài toán vô cùng khó khăn. Nhưng trước hết, tất cả chúng ta cần chia sẻ nhận thức từ những điều căn bản như các tác động cụ thể của biến đổi khí hậu, tốc độ diễn tiến nhanh đến mức độ nào… Đơn cử, có thể chỉ trong vòng 5 - 10 năm nữa, sẽ có sự thay đổi đáng kể về kiểu hình thái thời tiết ở khu vực sông Me Kong. Nếu mô hình thời tiết này bao gồm tình trạng xâm nhập mặn, đây sẽ là bài toán lớn cần giải quyết với những chiến lược mới.

PV: Từ kinh nghiệm của Australia - quốc gia mạnh về nông nghiệp, cũng như Trung tâm ACIAR với nhiều dự án tại các quốc gia, khu vực cũng là điểm nóng của biến đổi khí hậu, Việt Nam làm sao để có thể thích nghi được với những thách thức như ông vừa nêu?

Mr. David: Đúng vậy, Australia rất mạnh về nghiên cứu nông nghiệp, đặc biệt thể hiện qua các hoạt động, dự án của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). Nhiều năm qua, chúng tôi hoạt động rất tích cực tại Việt Nam - trong đó có ĐBSCL nên đã nhận thức rõ về những thách thức tại khu vực được ví như “vựa lương thực, thực phẩm” của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Về phía Australia, chúng tôi rất coi trọng khu vực này, đặc biệt là những hợp tác giữa Australia và Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp mà còn hợp phát triển kinh doanh, thương mại. Chúng tôi muốn tiếp tục phương thức hợp tác đó theo cả hai hướng. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là các dự án cần xuất phát từ khía cạnh thương mại. Chúng tôi thực sự quan tâm đến việc liệu các dự án có thể phát triển hiệu quả về mặt thương mại, mang lại lợi nhuận hay không, từ đó góp phần phát triển nghiên cứu và thu hút các đối tác khác nhau cùng tham gia nghiên cứu. Vấn đề của con cá da trơn (cá tra) cũng như vậy.

Vì thế, chúng ta cần đội ngũ nhân lực đa dạng từ các ngành khác nhau, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu.... Điều quan trọng là có thể tập hợp tất cả lại với nhau - như chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm.

Bản thân tôi cũng có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi hiểu tất cả những động lực và cả những thách thức trong lĩnh vực này, đặc biệt là vấn đề chi phí sản xuất. Bởi thế, vấn đề cần làm là xây dựng các dự án kết hợp hiệu quả giữa nghiên cứu, thương mại cùng sự hỗ trợ và kiểm soát của chính phủ, cơ quan quản lý cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ ổn định về dài hạn.

PV: Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tại Australia, cũng như thực trạng ngành cá tra tại Việt Nam. Liệu hai bên có thể gặp gỡ nhau hay không?

Mr. David: Thị trường cá ở Australia rất đa dạng, phong phú bởi người dân chúng tôi sử dụng rất nhiều cá. Cá da trơn được đánh giá cao ở Australia cùng với các loại cá khác. Xin chia sẻ là người Australia thường ăn 2 loại cá cơ bản là cá biển và cá nước ngọt. Với cá da trơn (cá tra) - loài cá nước ngọt, những người yêu thích cá nước ngọt sẽ lựa chọn miễn là chất lượng được đảm bảo.

Các bạn biết đấy, người tiêu dùng tại Australia hoàn toàn kiểm soát được vấn đề này và đặc biệt quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc, vấn đề vệ sinh của sản phẩm. Thậm chí, các thông tin cũng cần thể hiện rõ về quá trình, đơn vị đóng gói cho đến chuỗi cung ứng, vận chuyển để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nếu Việt Nam có thể vận hành chuỗi sản phẩm theo những tiêu chuẩn đó, cơ hội cho cá da trơn và các giống cá khác là rất triển vọng.

Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới các tiêu chuẩn chất lượng cao, bao gồm việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã vạch trên sản phẩm, để người tiêu dùng có thể biết rõ về sản phẩm. Tôi thấy các bạn hiện cũng đang xây dựng các chính sách dựa trên những nguyên tắc đó để đáp ứng các thị trường quốc tế khó tính. Rõ ràng, Việt Nam không muốn bị tụt lại phía sau trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì vậy, để tham gia vào chuỗi cung ứng một cách bền vững, không chỉ hướng đến thị trường Australia mà còn cả châu Âu hay Mỹ, Việt Nam luôn cần chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh và kiểm soát chất lượng. Các bạn cũng cần phải có hệ thống quản lý và tiếp thị thật tốt, trong đó chú trọng cả bao bì sản phẩm. Tất cả những điều đó cần thực hiện cùng lúc.

Tất nhiên, nói thì đơn giản nhưng để thực hiện với quy mô, số lượng lớn thì không hề dễ dàng. Nhưng chắc chắn, Việt Nam đang trên con đường đó và thị trường đã sẵn sàng chờ đợi sản phẩm chất lượng tốt từ Việt Nam.

PV: Cám ơn ông với cuộc trao đổi vừa rồi.

Từ khóa: cá tra, nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu cá tra, biến đổi khí hậu, chuyên gia David Whitehead

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phương hoa/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan