Chuyện gã tội phạm đã lừa đảo thành công để trở thành Anh hùng Liên Xô
Cập nhật: 24/01/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Tên tội phạm này đã làm giả rất nhiều thứ và y đã thực sự trở thành một nhà báo, thậm chí còn được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan an ninh lật tẩy, gã tội phạm này đã bị xử tử.
Gã lừa đảo khét tiếng Vladimir Golubenko/Valentin Purgin. Ảnh: Sputnik. |
Gã tội phạm Vladimir Golubenko đã mạo danh bằng cái tên Valentin Purgin. Và nhân vật giả này đã được tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng Liên Xô”. Tờ báo Komsomolskaya Pravdangày 22/5/1940 thậm chí còn đăng bài ca ngợi y là “một người có giá trị, một người ái quốc nhiệt thành, một quân nhân và một nhà báo thực thụ, một đảng viên Bolshevik chân chính có trái tim trẻ trung và ấm áp”.
Bài viết đã mô tả chi tiết các chiến công của một người lính can đảm trên chiến trường của cuộc Chiến Mùa Đông giữa Liên Xô và Phần Lan. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, người ta nhanh chóng phanh phui ra được “anh hùng” này thực ra không phải là anh hùng, mà là một tên tội phạm chưa một ngày ra mặt trận.
Một câu hỏi được đặt ra làm thế nào mà một kẻ bất lương, xảo quyệt như vậy lại có thể được nhận danh hiệu quân sự cao quý nhất của Liên Xô?
Trộm biến thành nhà báo
Ở tuổi 23, Vladimir Golubenko đã là một tên tội phạm cộm cán. Y đã ngồi tù hai lần vì tội trộm cắp và tội lừa đảo. Khi trốn khỏi trại cải tạo, y đang phải thi hành bản án thứ 2. Thế là y quyết định tạo cho mình một danh tính mới.
Golubenko ngụy tạo giấy tờ để được cấp một hộ chiếu mới dưới cái tên giả Valentin Purgin. Y hành động rất trơ trẽn. Bằng việc sử dụng một chứng nhận đào tạo giả mạo từ Học viện Vận tải Quân sự, y nhận được công việc trong một tòa báo ở Sverdlovsk (ngày nay là Yekaterinburg).
Tiếp đó, tham vọng của “Purgin” đã đưa y tới thủ đô Moscow. Nhờ sự giúp đỡ từ các mối liên hệ có vị thế, y cuối cùng được làm việc cho một trong các tờ báo hàng đầu của Liên Xô - Komsomolskaya Pravda.
Ra vẻ là đặc vụ cơ quan an ninh Xô viết
Mặc dù chưa học cấp 3, Purgin vẫn xoay sở để có một sự nghiệp thành đạt. Chẳng mấy chốc y được thăng chức từ một nhà báo bình thường thành Phó Phòng tin tức quân sự của tờ báo y làm.
Purgin cố tình xây dựng cho mình hình tượng một sĩ quan cơ quan an ninh với vẻ kín miệng. Y luôn tới cơ quan với một chiếc huân chương Cờ Đỏ trên ve áo. Khi được hỏi mình làm gì mà được nhận huân chương đó, y trả lời một cách bí hiểm: “Ở nước ta, chẳng có ai không lập được chiến công mà lại được thưởng thứ này”.
Huân chương Lenin. Ảnh: Sputnik. |
Sau đó người ta mới phát hiện ra rằng các huân huy chương và các giấy tờ liên quan đã bị mẹ của Golubenko (tên thật của y) đánh cắp. Chả là y đã sắp xếp để mẹ mình được làm lao công tại Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao của Liên Xô. Sau đó một cựu đồng phạm của y đã giúp y làm giả các giấy tờ.
Trong cuộc xung đột Liên Xô-Nhật Bản gần sông Khalkhin Gol vào mùa hè năm 1939, Purgin đã làm giả một bức thư từ Dân ủy Quốc phòng với nội dung nói rằng cần cử y ra Viễn Đông. Sau đó y sắp xếp để bức thư này được gửi tới tòa soạn. Và sau “chuyến công tác nguy hiểm”này ở Viễn Đông, y trở về với tấm Huân chương Lenin mới lấp lánh trên ve áo.
>> Xem thêm: Nữ đao phủ phát xít Đức sống ngang nhiên ở Liên Xô suốt 30 năm
“Anh hùng” trong Cuộc Chiến tranh Mùa Đông
Khi tờ báo Komsomolskaya Pravdanhận được một mệnh lệnh quân sự (cũng bị giả mạo) yêu cầu cho Purgin được nghỉ làm ở báo để ra mặt trận Xô viết-Phần Lan chiến đấu, không một ai mảy may nghi ngờ.
Tất nhiên, Purgin không có ý định ra mặt trận. Thay vào đó, gã về trú tại căn hộ của bạn mình ở Moscow. Hai người cùng dành tiền sinh hoạt hàng phí của Purgin được gửi từ báo tới để có thể tận hưởng cuộc sống thoải mái trong các quán rượu và nhà hàng một thời gian.
Sau đó gã lừa đảo quyết định thực hiện vụ lừa đảo táo tợn nhất của mình để trở thành Anh hùng Liên Xô. Trong cuộc Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan, hơn 400 người lính Hồng quân được thưởng huân chương này và Purgin muốn mình nằm trong số đó.
“Anh hùng” Liên Xô
Vào tháng 3/1940, Cục Khen thưởng của Bộ Dân ủy Hải quân nhận được một yêu cầu (bằng một lá đơn chính thức bị đánh cắp từ Sư đoàn 39) tặng thưởng Purgin danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Đề nghị này đã liệt kê danh sách các phần thưởng trước đó của Purgin, bao gồm Huân chương Lenin, và Huân chương Sao Đỏ, tất cả đều là giả mạo.
Bài báo ca ngợi “anh hùng” Valentin Purgin, đăng trên báo Komsomolskaya Pravda. |
Các nhân sự tại Cục Khen thưởng của Hải quân Xô viết đã bị ấn tượng mạnh trước bản thành tích trên và đã không tiến hành kiểm chứng đúng cách. Vào ngày 22/4/1940 (đúng sinh nhật Lenin), một sắc lệnh nhà nước đã trao cho kẻ giả mạo danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Và đúng một tháng sau đó, tờ Komsomolskaya Pravdađăng tải một bài báo về các “chiến công” của người “có giá trị nhất trong tất cả” trong cuộc chiến với Phần Lan, theo ghi chép lời từ miệng của Purgin.
Theo bản thành tích đó, anh hùng can đảm này đã phá hủy một boong-ke của địch, dũng cảm đẩy lui quân địch, bắt 2 tù binh, và đã sống 3 ngày trong thời tiết giá lạnh, cuối cùng quay về được với đơn vị.
Tuy nhiên bản báo cáo sáng chói này đã phản tác dụng đối với Purgin. Bức ảnh đi kèm bài báo trên đã giúp các nhân viên Bộ Nội vụ Liên Xô từng áp giải trùm trộm cắp Vladimir Golubenko tới nhà tù nhận diện được y. Bên cạnh đó, một số nạn nhân của gã cũng nhận ra gã qua bức ảnh đó.
Sau một cuộc điều tra kỹ càng, Purgin/Golubenko đã bị bắt. Quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho y đã bị hủy bỏ. Vào tháng 11/1940, Purgin/Golubenko bị hành quyết.
Sau vụ tai tiếng này, hệ thống kiểm tra đơn của các ứng viên cho các giải thưởng nhà nước đã được cải cách. Mặc dù các năm sau đó vẫn có lẻ tẻ một số lỗi nào đó, đã không bao giờ xảy ra một trường hợp nào tương tự như Purgin trở thành Anh hùng Liên Xô./.
>> Xem thêm: Chuyện các tội phạm phấn đấu thực sự để trở thành anh hùng Liên Xô trong Thế chiến 2
Từ khóa: Anh hùng Liên Xô, giả mạo giấy tờ, ngụy tạo danh tính, lừa đảo, Vladimir Golubenko
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN