Chuyển đổi số ngày càng khẳng định vai trò quan trong trong mọi lĩnh vực

Cập nhật: 10/10/2022

VOV.VN - Ngày 10/10 năm nay, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Ngày Chuyển đổi số Quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm nay là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Vào ngày 22/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 505/QĐ-TTg, quyết định chọn ngày 10/10 hàng năm sẽ là ngày chuyển đổi số quốc gia, là dịp nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 10/10/2022 đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên trở thành ngày chuyển đổi số quốc gia. Vậy chuyển đổi số là gì?

Khái niệm về chuyển đổi số

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020.

Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

"Chuyển đổi số" (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm "Số hóa" (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng "Số hóa" là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...); trong khi đó, "Chuyển đổi số" là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem "Số hóa" như một phần của quá trình "Chuyển đổi số".

Những kết quả to lớn không thể phủ nhận của chuyển đổi số mang lại

Sau nhiều năm thúc đẩy chuyển đổi số, đến thời điểm này lợi ích mang lại là rất lớn, thể hiện rất rõ trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ví dụ như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; cấp hộ chiếu phổ thông giúp người dân, doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian...

Bên cạnh đó, chuyển đổi số đang dần thay đổi các hoạt động hàng ngày của người dân, từ việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử, đặt xe taxi qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa,…

Chia sẻ về hiệu quả của việc chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước nhiều người cho biết, hiện nay người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính đã được các cơ quan tạo nhiều thuận lợi, bởi các thủ tục hành chính được tiếp nhận giải quyết công khai, minh bạch và được tạo những điều kiện thuận lợi nhất, rút ngắn thời gian nhất.

Ví dụ như, trước đây người dân đi làm thủ tục giấy tờ phải gặp nhiều bộ phận, đi hết chỗ này đến chỗ khác nên gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có cơ quan hành chính công việc giải quyết các giấy tờ, thủ tục thuận tiện hơn rất nhiều, không phải đi lại phiền hà như trước đây.

Hay đang chú ý như việc tỉnh Cà Mau triển khai App phản ánh hiện trường trên ứng dụng CaMau-G. Chính thức vận hành từ đầu tháng 7/2022, đến nay app ứng dụng Cà Mau-G đã tiếp nhận gần 200 phản ánh của người dân. Các phản ánh đều được Cổng Thông tin Điện tử Cà Mau – đơn vị được giao quản lý app, phân loại và chuyển đến đơn vị liên quan xem xét xử lý và trả lời cho người phản ánh. Nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời.

Ông Huỳnh Văn Thái, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau cho biết, ứng dụng CaMau-G bảo mật danh tính người phản ánh. Qua đó, thu hút được nhiều người dùng và đang là công cụ hữu hiệu giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan Nhà nước nhanh chóng, thuận tiện.

Theo đánh giá kết quả chuyển đổi số của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số vào tháng 8 vừa qua, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 52 nền tảng số được phát triển và công bố tại địa chỉ makeinVietNam.mic.gov.vn. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%.

 

Còn đối với doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi số cũng đã mang lại rất nhiều hiệu quả.

Đơn cử như, dầu tháng 8/2022, lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh trên không gian mạng, đây là bước khởi đầu trên lộ trình chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh trên thế giới. Khác với trước đây, lễ hội lần này thu hút 60 doanh nghiệp tham gia triển lãm hình ảnh, video về sâm Ngọc Linh.

Khách hàng được trải nghiệm thực tế các gian hàng qua hình ảnh 2D, 3D; giới thiệu các hoạt động giao thương, kết nối cung- cầu. Chị Trần Thị Ý Phi, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My có hơn 10 năm kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc sâm Ngọc Linh cho biết, dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động giao dịch, mua bán trong một thời gian dài, nhưng đã giúp nông dân và các hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh thấy rõ vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, tại tỉnh Quảng Nam, hiện các hộ dân chủ động tiếp cận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Tuy nhiên, không ít hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nỗ lực liên kết sản xuất, định danh vùng trồng, quản lý cây trồng, con vật nuôi thông qua hình thức số hóa.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang từng bước xây dựng nền tảng dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng sàn thương mại điện tử nông nghiệp và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân.

Cùng với đó, trong bối cảnh bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tác động bởi đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người… buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng.

Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, trước Covid-19, chỉ có 20% các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số nhưng chỉ sau 6 tháng đã lên đến 70%. Đến năm 2020, 50% các doanh nghiệp đã từng bước thực hiện chuyển đổi số.

Hiện, cả nước có khoảng 67.300 doanh nghiệp công nghệ số, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12 năm 2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng lên cũng đem lại kỳ vọng sẽ có nhiều người sử dụng các nền tảng số do các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu phát triển.

Chia sẻ tại một hội nghi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã có, được xây dựng giống như những nền tảng mạng xã hội đã thông dụng nên không phải là cái gì quá ghê gớm. Không cần phải làm gì trước khi nền tảng số chưa đến. Khi có nền tảng rồi thì chỉ cần mở ra thao tác, tìm tòi vài phút là có thể thực hiện được. Điều cần lưu ý và quan trọng nhất là quá trình bảo mật thông tin khi sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi, yêu cầu rất lớn từ người đứng đầu. Điều quan trọng nhất là phải biết mình cần gì, muốn gì và phải làm gì. Chuyển đổi số hướng tới là thay đổi cách làm, ví dụ như hiện nay đã có nền tảng số để việc chuyển tiền chỉ mất vài phút là xong. Chuyển đổi số hướng tới người dùng cuối cùng.

“Có rất nhiều khác biệt giữa thời công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Công nghệ thông tin cơ bản phục vụ cho những người trong hệ thống chính quyền, còn chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ người quản lý sang người dùng cuối cùng, là nhân viên trong tổ chức đó. Cho nên tư duy về chuyển đổi số thì phải tuy duy theo hướng người dân được hưởng lợi gì, người nhân viên được lợi gì” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số đang cần nhiều hơn nữa những con người vừa biết cách sử dụng các giải pháp nền tảng số, vừa biết cách đảm bảo an toàn thông tin. Tuy nhiên, thách thức trong quá trình chuyển đổi số đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. 

Hiệu quả nhưng cũng lắm thách thức

Thách thức đầu tiên của chuyển đổi số chính là nhận thức. Thực tế, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra không đồng đều trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: "Về nhận thức chuyển đổi số phải thực hiện trong toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề mua sắm thiết bị công nghệ, mà còn là về thể chế và chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức.

Thành công của công tác chuyển đổi số, thì công nghệ chỉ đóng góp 20% còn 80% là phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức triển khai. Tức là những nơi mà tập trung vào công nghệ 80 % thường sẽ thất bại. Chuyển đổi số quan trọng nhất là sự tham gia tất cả mọi người, mọi bộ phận trong tổ chức, mọi thành phần trong xã hội".

Một trong những thách thức nữa đối với chuyển đổi số ở nước ta là lộ, lọt thông tin dữ liệu và rủi ro là bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vay tiền trong những ứng tài chính online không được cấp phép…

Do đó, chuyển đổi số có nhanh hay không còn phụ thuộc vào việc xã hội sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ này hiện chưa cao. Hiện nay, các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được tích hợp, kết nối với nhau bao gồm dữ liệu về bảo hiểm xã hội, công dân, tìm vaccine Covid-19, thẻ căn cước công dân, cán bộ, giáo viên, định danh trẻ em đăng ký khai sinh.

Nếu như tất cả các dữ liệu được kết nối với Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin truyền thông chủ trì thì dữ liệu sẽ được chia sẻ trên quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, không phải dữ liệu nào cũng đã liên thông. Do đó, bên cạnh việc vận hành Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến, còn cần phải đẩy mạnh kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Như vậy, chuyển đổi số chỉ thành công nếu khắc phục được các thách thức từ nhân lực, an toàn thông tin cho đến việc kết nối và chia sẻ dữ liệu. Một trong những giải pháp là đẩy mạnh sử dụng các nền tảng trong hệ sinh thái các nền tảng số Make in Việt Nam.

Vì vây, để chuyển đổi số thực sự có thể giúp mỗi người dân biết cách thực hành các kỹ năng số cơ bản, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, tự bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, thì cần có thêm nhiều hơn nữa các nền tảng số của người Việt. Khi sử dụng các giải pháp nền tảng công nghệ số trong cuộc sống, người dân sẽ dần tích luỹ kinh nghiệm thực hành các nhóm kỹ năng số cơ bản./.

Từ khóa: Chuyển đổi số, Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập