Chuyến đi đặc biệt tới Arizona - Nước mắt đàn ông ngày hội ngộ
Cập nhật: 23/02/2020
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai
TP. HCM lắng nghe trí thức hiến kế để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ về chuyến đi xúc động tới Arizona, hoạt động đầu tiên của năm kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ.
Một tuần sau Lễ khởi động Năm kỷ niệm lần thứ 25 bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ tại Washington D.C. (1995-2020), tôi thăm bang Arizona để tổ chức hoạt động kỷ niệm chính thức đầu tiên trên đất Mỹ.
Nhiều đồng nghiệp Mỹ hỏi tôi: tại sao Arizona? Tôi trả lời: vì Thượng nghị sĩ John McCain! Bang Arizona gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động chính trị của thượng nghị sĩ, một trong những người Mỹ đi đầu trong nỗ lực bình thường hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Dĩ nhiên, mỗi chuyến thăm địa phương của đại sứ ta tại Mỹ còn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với chính quyền, quốc hội của bang, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ, giáo dục, du lịch; tăng cường giao lưu nhân dân, gặp cộng đồng người Việt sở tại…
Hơn 30 năm gắn bó với quan hệ Việt - Mỹ, chưa có chuyến đi nào mang lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt như lần này và dư âm của nó vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng này.
11/2 là ngày hoạt động chính của đoàn chúng tôi và cuộc đầu tiên là với các nghị sĩ quốc hội bang Arizona. Dự báo thời tiết buổi sáng ở Phoenix, thủ phủ Arizona, mưa và lạnh. Thật may, khi xe chúng tôi đến bãi đậu xe thì trời hửng nắng, vì chúng tôi còn phải đi bộ một đoạn khá xa đến tòa nhà quốc hội bang.
Khi anh chị em trong đoàn chuẩn bị bước vào thang máy để lên phòng họp, thì có một người đàn ông cao lớn, tóc muối tiêu, trạc 70 tuổi, nhưng còn rất phong độ, đến gần tôi và hỏi: các bạn đoàn Việt Nam đúng không? Tôi "vâng". Ông bảo chúng tôi đi theo ông. Tôi băn khoăn không biết ông là ai, nhưng chưa tiện hỏi.
Khi dẫn chúng tôi vào bên trong phòng họp chính của quốc hội bang Arizona, ông dừng lại. Chúng tôi đứng thành vòng tròn và ông bắt đầu lên tiếng: “Tôi từng ở Việt Nam. Việt Nam, đất nước của các bạn…”. Nói đến đó thì ông ngừng bặt và khuôn mặt ông tái đi, mắt đỏ hoe, ngấn nước, môi run run; ông cứ đứng vậy, không cất lên lời.
Linh cảm mách bảo tôi ông là cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Không khí trầm lặng bao trùm. Tôi chủ động lên tiếng để ông bớt xúc động: “Thưa ông, chúng ta đã đi được một chặng đường dài, từ cựu thù, bây giờ chúng ta đã là bạn, là đối tác của nhau và hôm nay, Đoàn Việt Nam đến đây để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với bang Arizona”.
Ông lấy lại bình tĩnh và gật nhẹ đầu, lấy danh thiếp đưa tôi. Tôi lướt nhanh và thoáng ngạc nhiên: ông là Noel Campbell, Hạ nghị sĩ bang, đại diện cho quận 1 của Phoenix. Giọng nghẹn ngào, ông cho biết mình từng là quân nhân, hoạt động ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long năm 1968. “52 năm qua, tôi không dám quay trở lại Việt Nam và Đại sứ là người Việt Nam trong nước đầu tiên tôi gặp kể từ ngày đó!”
Tôi lặng đi trong giây lát và cảm nhận ông đang trút gánh nặng chất chứa từ bao lâu trong sâu thẳm cõi lòng mình. Tôi nói với ông: “Đã đến lúc ông trở lại Việt Nam; chúng ta bây giờ là những người bạn, Sứ quán sẽ hỗ trợ thu xếp chuyến thăm Việt Nam của ông”.
Ông không đáp lại lời tôi…, chỉ nói khẽ: “Để tôi dẫn các bạn vào phòng họp, không trễ giờ”.
Đại sứ Hà Kim Ngọc và Hạ nghị sĩ bang Noel Campbell, một cựu binh tại Việt Nam. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Mỹ. |
Bên trong phòng họp, đã có các nghị sĩ ngồi chờ đoàn chúng tôi. Câu chuyện sôi nổi xoay quanh những đóng góp của Thượng nghị sĩ John McCain đối với quan hệ hai nước, những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và những tiềm năng hợp tác giữa bang Arizona và Việt Nam, rồi tình hình khu vực có liên quan đến Việt Nam, cả câu chuyện về virus corona. Các nghị sĩ tranh nhau đặt câu hỏi với tôi và thỉnh thoảng, căn phòng lại rộ lên những tiếng cười rộn ràng.
Gần cuối buổi gặp, anh chị em trong đoàn đề nghị chiếu video clip về Thượng nghị sĩ John McCain; mọi người ngồi quây lại quanh chiếc laptop đoàn mang theo.
Đây là những thước phim tư liệu quý giá về quá trình từ khi John McCain rơi ở Hồ Trúc Bạch, bị giam tại Hỏa Lò, rồi trở thành chính khách ở Mỹ và có những đóng góp to lớn vào việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hai nước, gắn bó với Việt Nam cho đến khi ông qua đời.
Video clip được xây dựng công phu và thuyết minh bằng tiếng Anh, do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện theo đơn đặt hàng của sứ quán trong thời gian hơn một tuần lễ, để chúng tôi kịp giới thiệu trong chuyến đi Arizona.
Do ý nghĩa quan trọng, video clip này được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh.
Các nghị sĩ có mặt tiếp chúng tôi đều là nam giới (có hai nữ nghị sĩ trong danh sách tiếp, nhưng phút chót bận đột xuất không tham gia được), thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ở Mỹ, nghị sĩ của hai đảng có quan điểm khác nhau khi nhìn nhận một vấn đề nào đó là chuyện rất thường tình. Thượng nghị sĩ John McCain vốn thuộc đảng Cộng hòa. Vì thế, tôi có chút hồi hộp, không biết video clip này sẽ được họ đón nhận như thế nào.
Căn phòng im phăng phắc khi trên màn hình xuất hiện hình ảnh Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ngày 11/7/1995. Rồi những hình ảnh của Thượng nghị sĩ John McCain được tái hiện sinh động và hết sức ấn tượng.
Khi những thước phim cuối cùng trôi qua, tôi ngửng lên, hết sức ngỡ ngàng trước cảnh tượng tôi chưa từng thấy: tất cả các nam nghị sĩ có mặt trong phòng, dù đó là vị nghị sĩ gốc da trắng, Mỹ Latin, hay da màu; dù đó là nghị sĩ cao tuổi hay còn trẻ; dù từng tham chiến ở Việt Nam hay sinh sau khi Việt Nam thống nhất, tất thảy đều… đang khóc. Họ khóc mà không ngại ngùng, không giấu giếm, không kiềm chế, cứ để cảm xúc của mình trôi theo những thước phim. Nước mắt của những người đàn ông chính khách Mỹ!
Thông điệp của thước phim về hành trình hòa giải, hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc và nỗ lực hướng tới tương lai, mà Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những người đi tiên phong, đã chạm vào trái tim của những người Mỹ, lay động tâm can họ.
Ở khoảnh khắc đó, một lần nữa, tôi cảm nhận sâu sắc rằng: Việt Nam vẫn chiếm vị trí rất đặc biệt trong lòng người Mỹ. Tiễn chúng tôi về, ông Chủ tịch Hạ viện cùng ông Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại chia sẻ: “Đại sứ đến thăm chúng tôi thật đúng lúc; mấy hôm rồi, chúng tôi đang thảo luận việc mở Văn phòng thương mại của bang ở khu vực, chúng tôi vừa thống nhất với nhau sẽ chọn Việt Nam; ngân sách có sẵn rồi! Thành phố Phoenix cũng mong muốn kết nghĩa với một thành phố Việt Nam, tùy Đại sứ chọn và cho chúng tôi biết nhé!”.
Hạ nghị sĩ cựu binh Noel Campbell nắm chặt tay tôi và nói: “tôi hứa với Đại sứ sẽ sớm thăm lại Việt Nam. Đã đến lúc tôi phải trở lại…”. Mắt lại đỏ hoe, nhưng trên môi ông đã nở nụ cười.
Chia tay ông, anh chị em trong đoàn mới nói với tôi: ban nãy, khi chúng tôi vừa đến, anh chị em đã nhìn thấy ông định bước về phía đoàn chúng tôi, rồi ông bước đi; thế nào ông lại trở lại hỏi han và dẫn chúng tôi đi.
Không rõ cuộc hội ngộ của ông, một nghị sĩ từng là cựu binh chiến tranh Việt Nam, với chúng tôi, những đại diện của nước Việt Nam thống nhất, là tình cờ hay có sự sắp đặt? Ông không có tên trong danh sách các Nghị sĩ Bang Arizona tiếp chúng tôi. Ông xuất hiện đúng lúc chúng tôi đang tìm đường lên địa điểm họp như thể có hẹn trước; quay đi, rồi quay lại với chúng tôi… Trong suốt cuộc họp với các Nghị sĩ bang, mỗi khi nói về Việt Nam, khuôn mặt ông vẫn đầy xúc cảm, mắt đỏ hoe, ngấn lệ.
Thì ra, ông vẫn đang đấu tranh với bản thân mình, với những mặc cảm ông đã chôn sâu trong lòng suốt 52 năm qua. Chắc ông biết tin chúng tôi đến, nhưng ông không dứt khoát được để điền tên mình vào danh sách các nghị sĩ tiếp. Khi thấy chúng tôi, ông vẫn tiếp tục đấu tranh: trở đi hay ngoảnh lại, và cuối cùng, ông đã bước qua lằn ranh khắc nghiệt để đến với chúng tôi.
52 năm trường – hơn nửa thế kỷ, cả tuổi thanh xuân của mình, ông đã chôn sâu những ký ức thời chiến, ông không dám nghĩ đến việc trở lại Việt Nam, không dám gặp người từ Việt Nam; vết thương lòng đó chắc phải sâu lắm, day dứt lắm, đau đớn lắm.
Nhưng giờ đây, cuối cùng thì ông đã mở lòng mình, đã khóc được với Việt Nam, đã cười được với Việt Nam, đã nắm chặt tay người đại diện của nước Việt Nam và hẹn ngày trở lại với Việt Nam.
Tối hôm đó, một thành viên của đoàn là Sean Lâm bỗng nhiên... mất tích. Sean Lâm là Việt kiều, thành viên Hội đồng hợp tác của Bang Colorado và Việt Nam, từng tháp tùng tôi trong chuyến thăm bang Colorado năm 2019; và sau chuyến đi ấy, tôi đã bàn với cậu ấy cùng Chương Lê, một Việt kiều khác đang làm cho công ty luật có văn phòng tại Phoenix, lên kế hoạch thăm Arizona. Sáng hôm sau 12/2, khi cả đoàn ăn sáng để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo, anh chị em sứ quán có người thắc mắc… Sean Lâm “đêm qua đi ăn mảnh”.
Trái với vẻ nhanh nhẹn và tinh nghịch hàng ngày, cậu có vẻ trầm ngâm khác thường và buồn buồn. Thấy “khả nghi”, mọi người càng tò mò và chờ Sean Lâm “khai thật” đêm qua đi đâu, làm gì, mà bây giờ như người mất hồn vậy. Cậu dường như vẫn còn xúc động, khẽ khàng chia sẻ: “Anh ạ, đêm qua em lại một lần nữa… khóc”.
Như mọi khi, thể nào tôi cũng trêu chọc cậu, rằng có em nào lại làm cậu khóc được, nhưng tôi cảm nhận có điều gì đó hệ trọng mà cậu chưa nói hết.
Không để đợi lâu, cậu tiếp lời: Em đến thăm lại vị ân nhân của em, ông Mike Morse, sau 35 năm trời, cả hai đều khóc quá trời. Vậy là ngày hôm qua, em đã khóc 3 lần, khi anh gặp các nghị sĩ, khi em nghe anh phát biểu buổi trưa và tối qua gặp ông Morse! 35 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Mỹ, ông đã giang rộng vòng tay giúp em, đúng vào dịp Giáng sinh, dù chẳng biết em là ai.
Khi đó, ngoài bộ quần áo trên người, em không còn gì khác. Sáng hôm sau mở cửa ra, nào là quà, quần áo, đồ đạc cùng thức ăn chất đầy trước cửa nhà em. Thì ra, ông đã kêu gọi bạn bè quyên góp giúp đỡ em. Rồi ông hỗ trợ em tìm việc làm, từng bước hội nhập cuộc sống ở miền đất hoàn toàn xa lạ. Nhờ có ông, em mới được như ngày nay, công việc ổn định, gia đình đầm ấm, các con em đều học hành đến nơi đến chốn.
Tôi lặng người, lại một cuộc hội ngộ thật xúc động sau 35 năm. Tôi buột miệng hỏi: sao trưa qua em không mời ông Morse đến dự lễ kỷ niệm và cuộc hội thảo 25 năm quan hệ Việt - Mỹ. Cậu ấy lắc đầu buồn bã: “ông ấy chưa vượt qua được...”.
Đại sứ Hà Kim Ngọc với các hoạt động tiếp xúc tại bang Arizona. Ảnh góc phải là gia đình Đại sứ Hà Kim Ngọc và Phu nhân Nguyễn Phương Liên gặp gỡ Phu nhân Cindy McCain và con trai James McCain. Ảnh: ĐSQ Việt Nam ở Mỹ. |
Thấy tôi ngạc nhiên, Sean Lâm từ tốn kể: ông Morse là cựu binh chiến tranh Việt Nam, thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, từng hoạt động tại Đà Nẵng, Hội An, Huế năm 1966. Ông ấy vẫn chưa thoát khỏi mặc cảm về cuộc chiến...
Tôi bỗng cảm thấy như có luồng điện xẹt qua đầu mình. Tôi quay sang hỏi anh chị em trong đoàn về chương trình trong buổi sáng trước khi rời khách sạn ra sân bay, thấy còn khoảng trống, tôi bèn nói ngay với Sean Lâm: anh muốn gặp ông Morse và vợ ông ấy, đến nhà ông bà bây giờ có tiện không?
Sean Lâm sợ làm phiền tôi vì chương trình còn khá bận rộn, nên đề nghị mời ông bà đến khách sạn gặp. Tôi hơi ái ngại vì báo quá gấp, như vậy không phải với ông bà, nhưng Sean Lâm nói tôi cứ yên tâm. Sau khi đi gặp một doanh nghiệp của Arizona đang đầu tư tại Củ Chi, tôi trở lại khách sạn thì đã thấy Sean Lâm ngồi cùng một người đàn ông mà tôi chắc là ông Morse.
Tôi chào, bắt tay ông, cảm ơn ông đã đến gặp. Ông hơi có chút ngại ngùng ban đầu, nhưng tôi nói để ông yên tâm rằng Sean Lâm đã kể với tôi về cuộc gặp ông tối qua. Ông tỏ ra thoải mái hơn và trò chuyện tự nhiên hơn. Sau những câu xã giao hỏi han về công việc, cuộc sống, ông trở nên cởi mở hơn. Ông kể cho chúng tôi nghe về những chấn thương cả thể xác và tâm lý giày vò ông và đồng đội, những người từng tham chiến ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước.
“Đại sứ ạ, cựu chiến binh từ chiến trường về tự tử nhiều lắm! Số còn lại nhiều người sống lay lắt, bệnh tật, sang chấn tâm lý…”. Ông tự cho mình là người may mắn hơn, nên ông đã đứng ra tập hợp các đồng đội cũ, tham gia các hoạt động câu cá giải trí của tổ chức Water Healing – Flying Fish, như liệu pháp để xoa dịu vết thương cho các cựu chiến binh.
Nói về Việt Nam, ông nhắc đi nhắc lại: đất nước của các bạn đẹp lắm; người dân thật tốt bụng và hiền hòa. Ông nói mà vẫn có điều gì đó dồn nén. Tôi hỏi thăm vì sao ông chưa trở lại thăm Việt Nam, ông chỉ im lặng và lắc đầu, nét mặt căng thẳng và khắc khổ.
Để ông bớt ngại ngần, chúng tôi gợi sang chuyện khác, bình luận về món ăn Việt Nam mà ông yêu thích, về những cựu binh Mỹ thăm Việt Nam được các cựu binh Việt Nam đón tiếp như những người bạn cũ, về những đóng góp của Thượng nghị sĩ John McCain… Ông chợt nở nụ cười và bảo: tôi có biết thượng nghị sĩ khi ông ấy còn sống, tôi đã gặp và trò chuyện rất lâu với thượng nghị sĩ.
Chúng tôi hỏi ông có muốn xem video clip về McCain không, ông gật đầu đồng ý. Xem xong, ông có vẻ xúc động mạnh, nhưng mặt ông cũng đã giãn ra nhiều. “Rất hay, rất xúc động!”, ông nói với chúng tôi.
Rồi ông kể: đã có lúc tôi muốn tổ chức cho các đồng đội cùng tôi thăm lại Việt Nam, nhưng có rất nhiều lý do khiến chuyến đi chưa diễn ra. Tôi nói với ông năm nay kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, là thời điểm thích hợp nhất để ông thăm lại Việt Nam; Sứ quán sẽ giúp tổ chức chuyến thăm của ông cùng đồng đội, thăm lại chiến trường xưa và gặp các cựu chiến binh Việt Nam từng chiến đấu ở đó…
Lúc chia tay, ông nắm tay tôi thật chặt, cảm ơn tôi đã dành thời gian gặp ông. Ông cũng tiếc là vợ ông, bà Lin Morse, vì bận tiếp thợ đến sửa nhà hẹn từ trước, nên không có dịp gặp tôi. Ông ôm Sean Lâm thật chặt, vỗ mạnh vào lưng cậu và nói: đừng để 35 năm nữa, chúng ta mới lại gặp nhau! Quay sang tôi, ông mỉm cười nói: tôi cùng đồng đội sẽ sớm thăm lại Việt Nam. Còn Sean Lâm thì hứa sẽ tháp tùng ông trong chuyến đi lịch sử đó.
Tôi không rõ cuộc hội ngộ của Sean Lâm với ông Morse là chủ định của cậu ấy khi tham gia chuyến đi cùng Đoàn chúng tôi đến Arizona, hay chính cuộc gặp của chúng tôi với Hạ Nghị sĩ Noel Campbell và bài phát biểu của tôi trong Hội thảo trưa 11/2 đã thôi thúc cậu gặp lại ông Morse tối hôm đó.
Có điều mà cậu ấy không thể ngờ được là bằng cuộc hội ngộ với ân nhân sau hơn một phần ba thế kỷ, chính cậu đã giúp ông Mike Morse được giải thoát, hoà giải với chính mình và hàn gắn với Việt Nam.
Gần trưa ngày 12/2, trước khi rời khách sạn đi sân bay, tôi còn hoạt động cuối cùng là gặp gỡ một số anh chị em trong cộng đồng người Việt ở Arizona. Đây là hoạt động không thể thiếu trong mỗi chuyến đi địa phương của Đại sứ ta tại Mỹ.
Trước cuộc gặp, tôi đã xem danh sách khách mời, tiểu sử và quá trình làm việc, học tập, nghiên cứu của từng người. Tôi thấy có vài cái tên kết hợp cả Việt và Mỹ, nhưng không lưu tâm nhiều, vì đây cũng là điều bình thường đối với các Việt kiều thế hệ thứ 2 và thứ 3 ở Mỹ, anh chị em thường đặt thêm tên Mỹ để dễ hòa nhập và giao tiếp.
Do đang là ngày làm việc, nên số lượng khách đến không đông lắm. Tôi chào hỏi và mời mọi người vào bàn, vừa trò chuyện vừa dùng bữa trưa. Ngồi kế bên trái tôi là một người đàn ông da đen cao lớn, đội chiếc mũ của các chàng trai chăn bò miền Tây, dáng vẻ rất lịch thiệp...
Vì đã xem ảnh trong tiểu sử mọi người chuẩn bị trước cho tôi, tôi nhận ra đó là Tuấn “Butch” Raphael. Đây là lần đầu tiên, trong cuộc tiếp cộng đồng người Việt tại Mỹ, tôi gặp và nói chuyện với một người là con lai Mỹ. Tuy có tên Việt là Tuấn, nhưng bề ngoài của cậu ấy không có nét Việt Nam mà 100% là người Mỹ.
Câu chuyện nở như ngô rang giữa các thành viên của Đoàn với vị khách cao niên đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại Mỹ, các bạn trong nước sang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc sau đại học tại Arizona, một chị làm trong Bộ Giáo dục của bang, hay một anh làm trong ngành an ninh, lại có cả chàng trai Mỹ Taylor, là con rể Việt Nam, bố của anh ấy cũng là cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Góc này góc kia vang lên những tiếng cười vui vẻ.
Sau hồi nói chuyện chung, mọi người quay sang nói chuyện riêng với nhau. Khi đó, Tuấn mới khẽ khàng hỏi tôi: “Đại sứ có biết liệu trong nước còn lưu trữ hồ sơ về những người như tôi không?”.
Tuấn sang Mỹ theo diện con lai trên chuyến bay chở trẻ em (baby lift) cuối cùng vào ngày 30/4/1975. Theo lời Tuấn kể, khi đó cậu mới khoảng 4, 5 tuổi; không biết được quê quán ở đâu, chỉ nhớ cậu được đưa về Sài gòn rồi lên máy bay sang Mỹ. Trên người cậu lúc đó chỉ có cái quần xà lỏn và chiếc áo thun.
Sang đến Mỹ, cậu được gia đình người da trắng theo đạo Do Thái nhận làm con nuôi, sống cùng với các anh chị em khác, cũng là con nuôi của gia đình đó.
Cậu đã khóc rất nhiều vì nhớ mẹ, khóc đến nỗi cậu nghĩ không còn nước mắt để khóc nữa. Rồi cậu cũng quen dần với gia đình bố mẹ nuôi và hoàn cảnh mới. Cậu lớn lên, theo học trường Mỹ, kết hôn và hiện giờ có 3 người con, đứa lớn nhất đã 18. Cuộc sống ổn định. Cậu là đầu bếp giỏi nên thu nhập khá. Nhưng có nỗi niềm vẫn day dứt trong lòng cậu 45 năm qua, dù cậu biết mình được sinh ra ở Việt Nam, người sinh ra cậu là bà mẹ Việt Nam, nhưng cậu không làm sao tìm lại được.
Giờ đây, khi đã là người đàn ông trưởng thành, cứng cáp, cậu vẫn thấy hoang mang, không biết mình thuộc về đâu. Điều thôi thúc cậu lớn nhất là tìm về cội nguồn Việt Nam, về người mẹ đã sinh ra mình. Khác với vẻ mạnh mẽ, sôi nổi ban nãy, lúc này giọng Tuấn chùng xuống, có lúc lạc đi; khuôn mặt cậu như người đang khóc, nhưng không có nước mắt, hay những giọt nước mắt đã chảy ngược vào trong!
Miệng tôi đắng ngắt. Chưa bao giờ, tôi thấy bất lực như vậy. Tôi không biết phải trả lời Tuấn thế nào, vì những thông tin Tuấn cung cấp rất ít ỏi, và thật khó mà tìm ra manh mối nào để giúp cậu đạt mong ước của mình. Như hiểu tâm trạng tôi, Tuấn nói: “Gặp được Đại sứ ở đây, tôi mừng coi như đã được gặp lại Việt Nam sau 45 năm xa cách”.
Đến giờ ra sân bay, tôi bắt tay Tuấn và dặn: Tuấn hãy liên kết với những người Việt khác cũng là con lai Mỹ để giúp đỡ nhau trong cuộc sống và cùng nhau tìm về cội nguồn văn hóa, bản sắc của mình ngay trên đất Mỹ; nếu cần bất cứ điều gì, cứ cho tôi và Sứ quán biết để hỗ trợ. Cậu gật đầu và hẹn: “Lần tới gặp lại, tôi sẽ trổ tài nấu ăn đãi Đại sứ và gia đình”.
Bước lên xe, tôi còn chưa hết xúc động! Những giọt nước mắt đàn ông ở Arizona – những cung bậc của cảm xúc. Có vị chua xót, đắng cay, ân hận; có sự dồn nén chịu đựng dai dẳng nhiều thập kỷ; có sự can đảm dám đi đến tận cùng vết thương lòng, tận cùng nỗi đau, tưởng chừng phải vĩnh viễn che giấu, để hôm nay, nước mắt có vị ngọt của niềm vui, của sự giải thoát, của hàn gắn, hoà giải với chính mình, với quá khứ, với Việt Nam và hướng tới tương lai, dù có muộn màng.
Những giọt nước mắt chảy ngược vào trong của Tuấn vẫn ám ảnh tôi nhiều nhất: vết thương lòng của cậu ấy tưởng đã thành sẹo sau 45 năm, hóa ra vẫn còn đang âm ỉ.
Kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, trong khi hai bên cùng chung tay thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc, thì hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại và hòa giải vẫn tiếp tục là sứ mệnh của những người cán bộ ngoại giao chúng tôi ở Mỹ.
Từ khóa: quan hệ Việt Mỹ, 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN