Chuyện chưa kể về Chương trình phát thanh đặc biệt ngày 30/4/1975

Cập nhật: 29/04/2020

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trở thành một người dẫn chương trình bất đắc dĩ ngày 30/4/1975

Ngay sau khi bộ đội ta tiến vào dinh Độc Lập giải phóng Sài Gòn, khoảng 14h ngày 30/4/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn phát Chương trình đặc biệt với lời phát biểu đầu hàng của Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của đại diện quân giải phóng - Chính ủy Bùi Văn Tùng.

Những nội dung quan trọng trong Chương trình phát thanh đặc biệt này được dẫn dắt bởi một MC bất đắc dĩ và toàn bộ Chương trình ấy được một nhà sử học Sài Gòn lúc bấy giờ ghi lại và nó như một nhân chứng quan trọng của ngày 30/4 lịch sử.

Kiến trúc sư trở thành người tổ chức sản xuất và dẫn chương trình

“Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - TP.HCM, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin anh em chúng ta sẵn sàng chuẩn bị làm cuộc ngày vui lớn. Và đây chúng tôi xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này".

"Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng Hoà hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố, chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn….”

KTS Nguyễn Hữu Thái

Đây là đoạn băng ghi âm lại một phần nội dung của Chương trình Phát thanh 45 năm trước do Đài Phát thanh Sài Gòn phát vào lúc 14h ngày 30/4/1975 mà người dẫn chương trình ngày hôm đó chính là Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái.

Chương trình phát đi lời đầu hàng vô điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa, lời tiếp nhận đầu hàng của đại diện quân giải phóng Chính ủy Bùi Văn Tùng và chính thức thông báo cho đồng bào Sài Gòn biết miền Nam đã được giải phóng.

6h ngày 30/4/1975, khi những chuyến trực thăng cuối cùng từ Đại sứ quánMỹbay ra Biển Đông thì Sài Gòn vắng lặng. Dân Sài Gòn lúc bấy giờ bị tuyên truyền là quân giải phóng vào sẽ có tắm máu lớn nên không ai dám ra đường.

Thời điểm ấy, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cùng với lực lượng sinh viên, nhân sĩ, trí thức yêu nước đã lên nhiều phương án phối hợp cùng các lực lượng nổi dậy bảo vệ tính mạng của người dân Sài Gòn và các công trình trọng yếu phục vụ dân sinh, nhất là phải chiếm cho được Đài phát thanh.

Ông cũng trực tiếp vào dinh Độc Lập từ sáng sớm để cùng với nhiều người góp thêm tiếng nói vận động nội các Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng.

11h30, xe tăng của bộ đội ta húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Lá cờ Măt trận dân tộc giải phóng được cắm lên nóc dinh-Sài Gòn được giải phóng. Ngay sau đó, KTS Nguyễn Hữu Thái đã tháp tùng xe chính ủy Bùi Văn Tùng, đưa nội các chính quyền SG đến đài Phát thanh để ghi âm và phát đi lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh.

Ngày 30/4 lịch sử, chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 và T59 số hiệu 390 lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính (hướng chính diện), tiến vào Dinh Độc Lập. (Ảnh: Francoise Demulder)

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trở thành một người dẫn chương trình bất đắc dĩ.

“Chúng tôi là những người biết hết nội dung của giải phóng nên đã lên chương trình, cái chính làm sao phát được tiếng nói đầu hàng của ông Dương Văn Minh để các vùng khác họ đầu hàng không đánh nhau nữa. Tiếng nói của chúng tôi vang lên làm cho dân Sài Gòn yên lòng. Lúc đó là tự biên tự diễn. Chúng tôi điều khiển chương trình Đài phát thanh cho đến sáu, bảy giờ tối, đến khi có phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng vào tiếp quản”-KTS Nguyễn Hữu Thái nhớ lại.

Sự xuất hiện của nhạc sĩ họ Trịnh với ca khúc “Nối vòng tay lớn”

Chương trình phát thanh ngày hôm ấy có sự xuất hiện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi người dẫn chương trình là KTS Nguyễn Hữu Thái mời nhạc sĩ phát biểu đôi lời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bày tỏ niềm hạnh phúc về ngày miền Nam được giải phóng. Độc lập, tự do và thống nhất đất nước là mơ ước bấy lâu của ông và của tất cả mọi người dân 2 miền Nam Bắc giờ đây đã trở thành hiện thực.

Ông kêu gọi các văn nghệ sĩ hãy hợp tác chặt chẽ với chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam chung tay xây dựng đất nước. Trong niềm hân hoan dâng trào ấy, dù không có đàn ghi ta đệm, nhưng ông đã cùng mọi người hát say sưa ca khúc “Nối vòng tay lớn” do ông sáng tác, góp phần tạo thêm nốt nhạc vui trong ngày chiến thắng của dân tộc:

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu: “Tôi xin hát lại bài Nối vòng tay lớn. Hôm nay thật sự vòng tay lớn đã được nối kết:

Rừng núi giang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la, anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam….”

Nhà sử học có công lưu giữ Chương trình Phát thanh lịch sử

Điều ít ai biết là tất cả các nội dung của Chương trình phát thanh đặc biệt phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn chiều ngày hôm đó đã được nhà sử học Nguyễn Nhã ghi lại qua chiếc máy cassette củagia đình.

Nhà sử học Nguyễn Nhã

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã kể lại rằng, trong ngày 30/4/1975, ông mở Radio để theo dõi tình hình và ngay khi chương trình này phát lên, là một người nghiên cứu về lịch sử, ông không thể bỏ qua sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng này.

“Tôi đã ghi âm toàn bộ những gì đã phát trên đài phát thanh lúc đó. Không chỉ là những tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh mà là tất cả những âm thanh, những lời trao đổi đầu tiên trong giờ phút quan trọng đó. Tôi nghĩ nó như là một nhân chứng quan trọng để cho mọi người thấy. Người đi theo và sắp xếp để chương trình sau đó được phát là KTS Nguyễn Hữu Thái”-ông Nguyễn Nhã kể.

Chương trình được phát lên đã làm yên lòng người dân Sài Gòn. Cả thành phố dần náo nhiệt trở lại. Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng như đón những người con đi xa mới về. Dinh Độc Lập trở thành nơi hội tụ của tất cả các cánh quân tiến vào Sài Gòn và là nơi gặp gỡ giữa hai miền Nam-Bắc sau bao năm dài xa cách. Mọi hoạt động đã được khôi phục trở lại. Thành phố Sài Gòn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn.

Cuộn băng casette ghi lại Chương trình phát thanh đặc biệt trong ngày 30/4 lịch sử ấy được gia đình Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã coi như báu vật. Sau này, cuốn băng gốc đã được ông trao tặng Trung tâm lưu trữ Quốc gia với mong muốn chương trình phát thanh ấy được lưu giữ mãi cho nhiều đời sau biết được người thật, việc thật và những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, để càng thêm tự hào: Mình là người Việt Nam.

Cao Thoa

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D