Chuyện chưa kể của vị Giám đốc người Anh trong khu cách ly ở Việt Nam

Cập nhật: 20/03/2020

VOV.VN -“Tôi ước gì có thể cám ơn họ nhiều hơn, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên không diễn đạt được. Với cường độ làm việc như vậy, chắn chắn họ phải rất mệt nhưng họ không bao giờ phàn nàn”

Anh Peter Rimmer, Giám đốc điều hành Hiệp hội các doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV về Anh thăm gia đình vào cuối tháng 2. Ngày 14/3, anh Peter Rimmer quay trở lại Việt Nam vì gia đình anh đang ở đây (vợ Peter Rimmer là người Việt Nam). Khi xuống sân bay, anh được đưa vào khu cách ly Trường Quân sự QK7 phường Trung Mỹ Tây quận 12, TP HCM.

“Tôi xác định và chuẩn bị ngay từ đầu là đi cách ly”

“Tôi xác định và chuẩn bị tinh thần ngay từ đầu là đi cách ly sau khi xuống sân bay. Sau 32 tiếng đồng hồ bay từ Anh sang đến Việt Nam và 9 tiếng xếp hàng nhập cảnh và kiểm dịch, tôi được đưa lên xe chở đi cách ly”- anh Peter Rimmer kể.

chuyen chua ke cua vi giam doc nguoi anh trong khu cach ly o viet nam hinh 1
Anh Peter Rimmer: “Tôi xác định và chuẩn bị ngay từ đầu là đi cách ly”

Anh Peter Rimmer chia sẻ, khi anh quyết định quay trở lại Việt Nam thì đều được gia đình anh ở Anh và Việt Nam ủng hộ. “Nếu tôi không quyết sớm thì rất khó mà về lại được Việt Nam- nơi mà bây giờ đã là nhà của tôi. Với việc thắt chặt thị thực và trải qua hành trình di chuyển trên các chuyến bay cũng như việc lây lan dịch bệnh qua đường hàng không, chắc chắn tôi sẽ rất thận trọng khi khuyên người khác quay trở lại Việt Nam. Mặc dù đối với công dân Việt Nam, tôi hoàn toàn hiểu được mong muốn trở về nhà của họ, giống như trong trường hợp của tôi vậy, dẫu tôi biết rằng, Việt Nam đang xử lý khá tốt dịch Covid-19”.

Phải xa gia đình, bạn bè và tách rời công việc, Peter Rimmer cũng cảm thấy chút căng thẳng. Bởi ngoài việc phải xa gia đình trong thời gian cách ly thì Peter Rimmer còn lo lắng không biết mình có mắc Covid-19 hay không hay việc cách ly cùng với những người không biết họ ở đâu đến, có mang mầm dịch hay không. “Tôi nghĩ đây là tâm lý bình thường của mọi người, chắc chắn những người đi cách ly cũng có tâm lý như vậy”.

“Chúng tôi ăn 3 bữa, thức ăn được nấu khá ngon và chất lượng”

Anh Peter Rimmer kể, phòng của anh ở khu cách ly gồm 8 giường cho 8 người, trong đó có 6 người Việt và 2 người Anh, trong đó có anh. Cuộc sống hàng ngày trong khu vực cách ly rất yên tĩnh. Phần lớn thời gian mọi người ở trong khu cách ly là nghỉ ngơi trong phòng. Tầng trên của giường dùng để để hành lý, tầng dưới để ngồi và nằm ngủ. Mỗi phòng có hai nhà vệ sinh và nhà tắm có vòi hoa sen. Mỗi buổi sáng, khu mọi người tắm rửa xong thì có người đem bữa sáng đến tận phòng.

chuyen chua ke cua vi giam doc nguoi anh trong khu cach ly o viet nam hinh 2
“Chúng tôi ăn 3 bữa, thức ăn được nấu khá ngon và chất lượng”

“Một ngày chúng tôi được phục vụ 3 bữa sáng, trưa, tối. Thức ăn được nấu khá ngon và chất lượng. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi chờ để được kiểm tra nhiệt độ lần thứ nhất trong ngày. Ai cũng hy vọng không thấy nhiệt độ tăng, đồng nghĩa với việc mình không bị sốt, không phải quá lo lắng. Cho đến hôm nay, sau 5 ngày ở đây, 8 người trong phòng tôi đều ổn. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi bắt đầu dùng điện thoại, lên mạng để liên hệ với gia đình và mọi người. Giữ liên lạc với bạn bè và gia đình là rất quan trọng. Sáng sớm và chiều tối, trên khoảng sân rộng của Trung tâm, mọi người được chọn tham gia các môn thể thao mình yêu thích như bóng đá, cầu lông, bóng rổ và đá cầu.

chuyen chua ke cua vi giam doc nguoi anh trong khu cach ly o viet nam hinh 3
Mọi người được chọn tham gia các môn thể thao mình yêu thích như bóng đá, cầu lông, bóng rổ và đá cầu.
chuyen chua ke cua vi giam doc nguoi anh trong khu cach ly o viet nam hinh 4
Hàng ngày đều có các quân nhân đi dọn dẹp vệ sinh.

Anh Peter Rimmer cho biết, Trung tâm cách ly luôn được vệ sinh sạch sẽ và gọn gàng, hàng ngày đều có các quân nhân dọn dẹp vệ sinh. “Việc nhận/chuyển cho những người đang cách ly bưu kiện từ gia đình, bạn bè được làm khá tốt. Nhờ đó chúng tôi có thêm một số đồ dùng để cho cuộc sống trong này thoái mái, dễ chịu hơn. Tên người nhận được đọc trên loa phóng thanh để thông báo cho mọi người rằng họ có đồ được gửi đến. Tôi cũng thường xuyên nhận được đồ của vợ và gia đình. Cô ấy chu đáo gửi cho tôi quần áo mỏng để tôi được thoải mái như ở nhà. Loa phát thanh ngoài việc thông báo tin tức, còn phát đi các bản nhạc để mọi người thư giãn”.

“Sự nhiệt tình, tận tâm của nhân viên y tế đã xoá tan nỗi lo của chúng tôi”

Ấn tượng ở khu cách ly đối với Peter Rimmer có lẽ là sự nhiệt tình và thân thiện của các bác sĩ và tất cả nhân viên y tế ở đây. “Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Tôi ước gì có thể cám ơn họ nhiều hơn, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên tôi không diễn đạt được. Với cường độ làm việc như vậy, chắn chắn họ phải rất mệt nhưng họ không bao giờ phàn nàn về điều đó. Sự tận tâm, chu đáo của họ đã giữ cho Trung tâm trật tự và bình tĩnh trong khi ai cũng lo lắng về dịch. Các thủ tục, quy trình phục vụ của họ luôn được thay đổi và cải thiện. Ví dụ, để kiểm tra nhiệt độ, bây giờ các y tá và bác sĩ gọi lần lượt chúng tôi ra gần cửa thay vì vào phòng. Đây là hành động “khôn ngoan” để giảm tiếp xúc nhiều người một lúc.

chuyen chua ke cua vi giam doc nguoi anh trong khu cach ly o viet nam hinh 5
"Để kiểm tra nhiệt độ, bây giờ các y tá và bác sĩ gọi lần lượt chúng tôi ra gần cửa thay vì vào phòng. Đây là hành động “khôn ngoan” để giảm tiếp xúc nhiều người một lúc"

Những người phục vụ đồ ăn cũng rất thân thiện và tận tình. Các quân nhân xuất hiện ở quanh trung tâm, giúp đỡ mọi người bất cứ khi cần và chúng tôi thấy đây là sự sẵn sàng giúp đỡ hơn là sự có mặt để kiểm soát. Đây là những người chúng tôi tiếp xúc hàng ngày, nhưng với tất cả những gì tôi cảm nhận thì những người làm nhiệm vụ khác trong khu cách ly cũng đang cần mẫn ngày đêm thì nơi đây mới có sự bình yên, thân thiện đến như vậy. Tất cả những người ở đây xứng đáng nhận được lời cảm ơn và đánh giá cao về sự chuyên nghiệp”.

Peter Rimmer kể, khi anh mới vào cách ly, gia đình anh cả ở Anh và Việt Nam, rất lo lắng. Nhưng khi biế anh đang “sống tốt” trong khu cách ly, được chăm sóc chu đáo về mọi mặt thì mọi người đã trút bỏ hết lo lắng. “Tôi thường xuyên liên lạc với gia đình qua mạng xã hội và bằng cách gọi điện thoại. Trong khi tôi đang được cách ly, việc thông báo cho gia đình về những gì đang diễn ra ở đây và theo dõi thông tin về dịch Covid -19 dường như lại càng quan trọng hơn lúc nào hết. Người thân của tôi rất mừng khi tôi trở lại Việt Nam và được đối xử tốt và cẩn thận đến như vậy”.

“Cuối cùng tôi muốn gửi lời cảm ơn rất nhiều với tất cả những người ở Việt Nam đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi trong thời gian cách ly. Thật không lời nào diễn tả được sự biết ơn của tôi. Đất nước mà tôi yêu- nơi tôi có may mắn được gọi là nhà, đang nỗ lực hết sức để bảo vệ tôi và các công dân khác. Tôi biết ơn vô cùng”- anh Peter Rimmer xúc động./.

Từ khóa: chuyện chưa kể, cách ly, Covid -19, dịch covid, corona

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập