Chương trình OCOP giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là chương trình OCOP), đang tạo ra nhiều sản phẩm nông sản chủ lực tiến tới xây dựng thương hiệu.
Với đặc thù “mưa thì ngập lụt, nắng hãi hùng lột da”, Buôn Đôn là một trong những huyện cằn cỗi, khắc nghiệt nhất tỉnh Đăk Lăk. Với rất nhiều nỗ lực thử nghiệm các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, song nhiều năm qua, Buôn Đôn chưa thực sự thành công với mô hình nào: trồng sắn thì năng suất rất thấp, trồng mía thì năm được năm mất, trồng chuối thì bệnh hại nhiều khiến sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…
Năm 2017, sau những thử nghiệm và nghiên cứu thị trường, anh Khuất Duy Tuấn tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn thành lập Công ty TNHH Phú Quý chuyên trồng sả và chưng cất tinh dầu sả. Sau 2 năm hoạt động, anh Tuấn khẳng định: cây sả hoàn toàn phù hợp với vùng đất khó Buôn Đôn.
Sản phẩm ca cao đang được mọi người thưởng thức. |
Càng nắng như Buôn Đôn, cây càng cho nhiều tinh dầu. Ngập vài ngày cũng không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Tinh dầu sả chanh, sả Java có đủ điều kiện để trở thành sản phẩm đặc trưng của các xã ở Buôn Đôn.
“Thứ nhất đầu ra ổn định, thứ 2 giải quyết công việc làm cho người dân địa phương. Tôi muốn liên kết để làm dự án xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong khi công ty đang phải nhập nguồn nguyện liệu lá sả từ các địa phương khác như Ea Hleo, Ea Kar chở về chi phí di chuyển đội giá thành lên quá cao nhiều khi không có lãi do đó phát triển cây sả ở Buôn Đôn sẽ giảm chi phí vận chuyển” - anh Tuấn chia sẻ.
Là đơn vị có sản phẩm được đưa vào chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk đang tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các tiêu chí của chương trình.
Hiện, mỗi tháng công ty sản xuất ra 5 tấn ca cao thành phẩm cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu. Dù các sản phẩm làm từ ca cao của công ty khá đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm tốt đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Sầu riêng sản phẩmđượcđánh giá là thế mạnh của nhiềuđịa phương tạiĐăk Lăk. |
Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn cho biết, khó khăn hiện nay là các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc tham gia vào chương trình OCOP được xem là một thuận lợi cho sản phẩm ca cao của công ty.
“Ở Đăk Lăk có rất nhiều sản phẩm nổi trội về chất lượng đã được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên chưa chú trọng về việc xây dựng các hình ảnh đối với từng sản phẩm rất khó khăn. Tôi nghĩ chương trình mỗi xã một sản phẩm là động lực, là cú hích để giúp các cơ sở cũng như hộ dân kinh doanh cá thể có thông tin và có định hướng đúng đắn để xây dựng được các sản phẩm đáp ứng được với yêu cầu” - ông Quang nói.
Theo số liệu khảo sát, Đăk Lăk hiện có 27 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Đăk Lăk đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương và tiêu chuẩn hóa; công nhận/chứng nhận 1-2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia… Tỉnh đang triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ các địa phương để hoàn thành mục tiêu này.”
Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, tỉnh Đăk Lăk đang tích cực triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững./.
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Chuyện của thương hiệu OCOP
Lào Cai: Thêm 17 sản phẩm đủ tiêu chí OCOP cấp tỉnh
Từ khóa: chương trình OCOP, nông sản chủ lực, thương hiệu cho nông sản, Đăk Lăk
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN