Chương trình “5 không 3 có” trở thành thương hiệu của Đà Nẵng

Cập nhật: 26/09/2020

VOV.VN - Sau 20 năm thực hiện, Chương trình “Thành phố 5 không 3 có” của thành phố Đà Nẵng để lại dấu ấn sâu sắc, mang tính đột phá trong quá trình xây dựng phát triển thành phố.

Tại Hội nghị đánh giá thực hiện chương trình “Thành phố 5 không 3 có” và “Thành phố 4 an” gắn với thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy về văn hóa văn minh đô thị, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, chương trình “5 không 3 có” trở thành thương hiệu của Đà Nẵng.

Chương trình “Thành phố 5 không” thực hiện từ năm 2000 với các mục tiêu “không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang ăn xin, không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng và không có giết người để cướp của”.

Đến nay, thành phố cơ bản không còn tình trạng người ăn xin. Chương trình “Thành phố 3 có” thực hiện từ năm 2005-2020 với 3 mục tiêu có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị”. Đây là một bước tiến tiếp theo trên nền tảng của Chương trình “Thành phố 5 không”. Qua đó, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào sử dụng gần 11 ngàn căn hộ chung cư, nhà liền kề và khu ký túc xá, giải quyết chỗ ở cho hàng chục nghìn hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cán bộ viên chức công tác lâu năm chưa có chỗ ở ổn định, các đối tượng thuộc diện thu hút... Chương trình “Thành phố 4 an”, thực hiện từ năm 2016-2020 với 4 mục tiêu “An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm, An sinh xã hội” đạt nhiều kết quả.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao kết quả thực hiện các chương trình an sinh xã hội của Đà Nẵng trong những năm qua, nổi bật là chương trình “5 không 3 có”.  Người Đà Nẵng luôn sẵn sàng tham gia đồng hành thực hiện các chủ trương của thành phố. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thành phố đang đối mặt với những khó khăn phát sinh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như mất việc làm, nguy cơ tái nghèo… đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội trong thời gian tới.

“Quan điểm chủ trương nhất quán của thành phố là phát triển gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và mọi người dân thành phố đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất. Đây là vấn đề khó khăn phức tạp và thực hiện lâu dài, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền và người dân thành phố cùng thống nhất ý chí và hành động, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương xây dựng thành phố “5 không 3 có”, “4 an” và xây dựng văn hóa văn minh đô thị với quyết tâm cao hơn, phù hợp với tình hình phát triển của thành phố giai đoạn mới”, ông Quảng nhấn mạnh./.

Từ khóa:

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập