Chung tay hành động vì một Tây Bắc xanh, bền vững, toàn diện
Cập nhật: 30/08/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Một Tây Bắc xanh, bền vững, toàn diện là mục tiêu, là bức tranh viễn cảnh đẹp đẽ. Nhưng để trở thành hiện thực, cần phải có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ ngay ở thời điểm hiện tại.
Tây Bắc - lõi nghèo của cả nước, cũng là địa bàn nằm trong phạm vi tác động của Nghị quyết 11 Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động (còn gọi là Nghị quyết 96) để thực hiện nhiệm vụ này. Đây là cơ sở quan trọng để cả bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương chung tay vì mục tiêu phát triển một Tây Bắc xanh, bền vững và toàn diện.
Chớm thu, từng vườn nhãn chín muộn cho quả nặng trĩu, căng tròn trên những nương đồi xanh bạt ngàn là thành quả ngọt ngào sau cả một năm vất vả của bà con thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn ở Mai Sơn (Sơn La).
Hơn 120 ha nhãn của Hợp tác xã vụ năm nay cho sản lượng 1.500 tấn, năng suất cao nhất toàn huyện; có vườn đạt gần 30 tấn/ha, sản phẩm thu về tiêu thụ tốt trên thị trường với giá cả thỏa đáng. Ông Nguyễn Văn Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết, không phải trồng đầu năm, cuối năm thu hoạch rồi phá đi, mà cây nhãn xác định trồng duy trì hàng trăm năm tuổi. Chính vì thế từ năm 2016, Hợp tác xã đã chăm sóc theo quy trình VietGAP. Đến nay tất cả đều được cấp mã số vùng trồng. Mục đích của Hợp tác xã để xuất khẩu, không thì cũng tiêu thụ trong nước, nên phải làm sao để mọi người được ăn loại hoa quả đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ở Sơn La hiện có trên 700 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản, trong đó, gần 80% đang hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Đây là mạng lưới quan trọng giúp Sơn La có bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, phát huy được lợi thế của địa phương sở hữu diện tích đất nông nghiệp rộng lớn hàng đầu cả nước, tới 400.000 ha.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong nhiệm kỳ, địa phương này sẽ phấn đấu xây dựng, hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mục tiêu đưa Sơn La trở thành cực tăng trưởng, gắn với vai trò Trung tâm chế biến nông sản vùng trung du, miền núi Bắc bộ, thậm chí mở rộng vùng nguyên liệu sang cả các tỉnh Bắc Lào.
Tuy nhiên, để mở rộng quy mô ra tầm vùng, quốc gia, việc cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị vào thực tiễn hết sức quan trọng, phải tạo động lực thông qua nguồn vốn đầu tư đủ lớn, cơ chế phát triển, điều phối, liên kết vùng đủ mạnh mới giúp Sơn La vượt qua những rào cản của địa hình miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; khó khăn về kinh tế, hạ tầng, nguồn nhân lực; hạn chế trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ…
"Muốn liên kết vùng bền vững phải có những chủ trương, định hướng, tạo ra cơ chế căn bản, chung cho toàn vùng Tây Bắc để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, cho liên kết vùng. Và một điều nữa là cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống logictics trong khu vực", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết thêm.
Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, tương ứng với nhiệm vụ hàng đầu của Chương trình hành động là Chính phủ tập trung xây dựng quy hoạch cho toàn vùng thì Lào Cai thời gian qua cũng đã chủ động xây dựng sớm Quy hoạch chung của tỉnh, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Sa Pa và Quy hoạch 128 km dọc sông Hồng gắn với trục kinh tế động lực, tương lai sẽ là hành lang kinh tế kết nối với Hà Nội và vùng hạ du. Trước đó, các quy hoạch lớn như mở rộng Khu Kinh tế cửa khẩu lên 16.000 ha, quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa đã được hoàn thiện và đang dần hiện hữu.
Các quy hoạch được xây dựng phù hợp với vị trí địa chính trị là cửa ngõ, là phên dậu quốc gia, nhằm mục tiêu đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc).
Việc các địa phương làm tốt quy hoạch, đặt mình trong tổng thể vùng, quốc gia sẽ giúp bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững. Song song với đó, các địa phương cũng cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, thực thi, nhưng để mở rộng hợp tác, liên kết không thể thiếu vai trò của các bộ, ngành trung ương.
"Vì các bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực nên sự liên kết giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các bộ, ngành với địa phương là không thể tách rời, nó nằm trong định hình phát triển chung của từng địa phương, của từng vùng và của cả quốc gia nên vai trò rất quan trọng. Chính vì thế cần thường xuyên có sự trao đổi, thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình phát triển", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị.
Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, là nơi chung sống của đông đảo cộng đồng dân tộc anh em. Ngoài những địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Mộc Châu, Mù Cang Chải…, Tây Bắc còn sở hữu kho trầm tích văn hóa dân gian vô cùng giá trị. Đã có những nét đẹp truyền thống như: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xoè Thái đặc trưng của đồng bào Tây Bắc được ghi danh là di sản của nhân loại.
Theo ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, từ lâu nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch đã được các địa phương Tây Bắc quan tâm; chương trình hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc khởi xướng từ năm 2008, nhưng năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu, chưa khai thác được hết thế mạnh. Hy vọng Nghị quyết 11 sẽ tạo ra một “cú hích” lớn cho phát triển.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, tới đây các tỉnh Tây Bắc sẽ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, hy vọng sẽ có sự đầu tư tương xứng cho văn hóa và liên kết vùng trong phát triển du lịch. Từ đó các di tích, di sản sẽ được bảo tồn, phát huy giá trị; các thiết chế văn hóa sẽ được đầu tư và đời sống của bà con vùng cao, vùng sâu vùng xa sẽ được nâng lên, rút ngắn chênh lệch so với khu vực trung tâm.
Tây Bắc sở hữu trên 2,5 triệu ha rừng, chiếm gần 1/5 tổng diện tích rừng toàn quốc, với tỷ lệ che phủ khoảng 52% (theo số liệu công bố năm 2020). Nơi đây cũng là khởi nguồn của các dòng chảy lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, tạo sinh thủy và nguồn điện năng dồi dào.
Vấn đề giữ rừng ở Tây Bắc còn mang ý nghĩa giữ đất, giữ nước, giữ dân và giữ biên giới. Nhưng nhiều thế hệ lãnh đạo các địa phương trong vùng luôn trăn trở, rằng với tỷ lệ rừng chiếm gần 1 nửa diện tích tự nhiên, vì sao Tây Bắc bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi “lõi nghèo” của cả nước?
Từng chia sẻ trước báo giới, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, có thể nguồn lợi từ rừng trước mắt không cao bằng nhiều thước đo vật chất khác, nhưng rừng sẽ cho đa giá trị và bền vững. Trên quan điểm không đánh đổi diện tích rừng để chạy theo số thu ngân sách, Yên Bái thời gian qua đã gia tăng được tỷ lệ che phủ lên trên 63%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt gần 700.000 m3, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhưng để người dân giàu có, hạnh phúc, yên tâm sống tốt nhờ rừng thì Trung ương cũng cần có sự quan tâm đúng mức hơn; phải có chính sách đặc thù vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, không cực đoan, máy móc trong vấn đề bảo vệ, phát triển rừng ở Yên Bái, cũng như các tỉnh Tây Bắc thì giá trị cốt lõi ấy mới đạt được.
Cụ thể, theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, mọi cơ chế chính sách đều phải xuất hiện từ thực tiễn cơ sở, lấy người dân làm trung tâm và mục tiêu cuối cùng là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Một Tây Bắc xanh, bền vững, toàn diện là mục tiêu, là bức tranh viễn cảnh đẹp đẽ. Nhưng để trở thành hiện thực, cần phải có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ ngay ở thời điểm hiện tại. Đó cũng thể hiện vai trò kiến tạo, chỉ đạo của Chính phủ thông qua Chương trình hành động, và sự chung tay đồng hành nghiêm túc, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương./.
Từ khóa: Nghị quyết 11 Bộ Chính trị về phát triển Tây Bắc, lõi nghèo Tây Bắc, phát triển Tây Bắc
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN