“Chúng ta đang đối xử với mẹ thiên nhiên như con bò bị vắt sữa“
Cập nhật: 11/06/2020
VOV.VN -Ông Dương Trung Quốc: Hiện nay chúng ta đang đối xử với mẹ thiên nhiên như con bò bị vắt sữa. Cần giáo dục nâng cao ý thức con người, văn hóa ứng xử với thiên nhiên
Tối 10/6, Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp với báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. |
TạiHội nghị, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã cao hơn rất nhiều so với năm 2015, cùng với đó là thế giới đang phát triển, thay đổi nhanh chóng tác động của nhiều yếu tố nhất là cuộc cách mạng công nghiệp nên việc luật môi trường cần phải sửa đổi để nâng cao hơn, ưu việt, xứng tầm với điều kiện mới nhất là hết sức cần thiết”.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Bộ TN&MT cho biết, Bộ TN&MT muốn lắng nghe hết ý kiến của các đại biểu và mong muốn đây sẽ là một cuộc cách mạng giúp thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Bộ TN&MT mong muốn luật thực sự đi vào cuộc sống, từ đó giúp đảo ngược tình trạng ô nhiễm hiện nay, giải quyết các nhiệm vụ quản lý của nhà nước và các bên có liên quan.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Bộ TN&MT. |
“Với tinh thần đã đá bóng thì không thổi còi, cần có 1 luật để phân định rõ trách nhiệm các bên giúp quản lý thống nhất. Đã đến lúc cần làm rõ người chịu trách nhiệm. Vấn đề môi trường có tính toàn cầu, liên quan đến tất cả các ngành, các lĩnh vực khác nhau. Chưa bộ luật nào có cách tiếp cận mạnh mẽ như luật Bảo vệ môi trường lần này, luật mới giúp cắt bỏ 40% thủ tục hành chính, đưa những yếu tố công nghệ thông tin hiện đại vào để quản lý giúp quy định môi trường của Việt Nam ngang bằng với Châu Âu và phương Tây”, ông Hà nhấn mạnh.
Với nhiều ý kiến lo ngại sự quyết liệt của Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tác động đến nền kinh tế, ông Hà cho rằng: “Những năm đầu áp dụng, Luật môi trường mới sẽ tác động đến nền kinh tế, sau đó sẽ giúp cải thiện được tình hình và xác lập vị thế quan trọng từ đó như một cuộc cách mạng xử lý các vấn đề bất cập hiện nay đang gặp phải. Luật mới không còn cảnh thanh, kiểm tra chồng chéo như hiện nay.Về thực trạng ô nhiễm, ông Hà thông tin, hiện chỉ có 1/5 các dự án gây ô nhiễm, tương ứng với 20%, còn lại 80% dự án là thân thiện với môi trường.
“Phải phân ra dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính hạn chế thanh kiểm tra. Như vậy sẽ không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã phân loại lĩnh vực ô nhiễm với 17 nhóm để tập trung quản lý, 17 nhóm này chỉ tập trung trong số 300-400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng lại góp tới 80% ô nhiễm ở đất nước chúng ta", ông Hà cho hay.
Về nhiệm vụ thực thi kiểm tra, ông Hà cho rằng việc thanh tra, kiểm tra môi trường phải khác với đất đai, vì môi trường có biến động. "Những dự án thân thiện với môi trường có thể không cần phải kiểm tra nhưng sẽ kiểm tra liên tục với những dự án liên tục vi phạm, công nghệ lạc hậu. Việc xử phạt vi phạm cũng đề xuất theo hướng trốn tránh bao nhiêu, xử phạt bấy nhiêu, chứ mức phạt hành chính hiện nay còn thấp chưa đủ sức răn đe”, ông Hà cho biết thêm.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) |
Phát biểu góp ý trong hội thảo, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Dự thảo luật môi trường sửa đổi cần tạo ra ý thức con người, văn hóa nhận thức của con người với thiên nhiên. Hiện nay chúng ta đang đối xử với mẹ thiên nhiên như con bò bị vắt sữa. Chúng ta cần giáo dục nâng cao ý thức con người, văn hóa ứng xử với thiên nhiên”.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn TP Hải Phòng). |
Đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn TP Hải Phòng) cho rằng, trong bảo vệ môi trường, quan trọng nhất vẫn là nhận thức. “Làm sao cho người dân và toàn xã hội có nhận thức chung, nhận thức đúng. Không nhận thức được thì không làm được. Trong quá trình lập dự án, cái sợ nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường - ĐTM. Tuy nhiên, phải coi báo cáo đánh giá tác động môi trường là công cụ quản lý; kiểm soát chặt từ khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là phải lựa chọn công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, vấn đề tài chính trong luật mới này cũng đáng chú ý và hoàn toàn đúng vì gắn được trách nhiệm với những người gây ra ô nhiễm, không chỉ thuần túy là vấn đề thu ngân sách cho nhà nước”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TP HCM. |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TP HCM nêu quan điểm: “Tôi đồng tình với việc xây dựng bộ luật về môi trường, Hiện nay có tình trạng luật này vô hiệu hóa với luật kia, đánh mất đi luật có hệ thống vì vậy Luật Bảo vệ môi trưởng sửa đổi rất cần thiết. Tôi đánh giá cao đưa yếu tố bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên vào trong luật. Nhiều năm nay chúng ta đang tập trung vào tăng trưởng mà chưa quan tâm đúng mức tới môi trường. Thời đại hiện nay môi trường càng ngày càng thiết yếu vì vậy luật mới sẽ giúp quản lý, bảo vệ những giá trị môi trường rộng lớn xung quanh chúng ta"./.
Từ khóa: Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu quốc hội, môi trường, ô nhiễm không khí
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN