Chứng khoán Mỹ lao dốc: Mối lo sức khỏe của nền kinh tế số 1 thế giới
Cập nhật: 04/09/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Đây được xem là một khởi đầu khá tiêu cực cho tháng 9 giữa lúc các nhà đầu tư chờ đón dữ liệu kinh tế mới có thể ảnh hưởng đến quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/9, chỉ số Dow Jones giảm 626,15 điểm xuống 40.936,93 điểm, S&P 500 mất 119,47 điểm còn 5.528,93 điểm và Nasdaq Composite trượt 577,33 điểm thành 17.136,30 điểm. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 8.
9 trong số 11 ngành thuộc S&P 500 đều trượt dốc, dẫn đầu là công nghệ, năng lượng, dịch vụ truyền thông và nguyên vật liệu. Nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu, “Magnificent Seven”, giảm mạnh. Nvidia mất gần 10%, “thổi bay” 279 tỷ USD giá trị thị trường.
Tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực khi dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy, ngành sản xuất của Mỹ vẫn đang trì trệ mặc dù có sự cải thiện khiêm tốn vào tháng 8 so với mức thấp nhất trong tám tháng được ghi nhận hồi tháng 7 vừa qua. Các nhà phân tích tin rằng, tính mùa vụ cũng đóng một vai trò không nhỏ trong xu hướng suy giảm của thị trường.
Bà Melissa Brown, Giám đốc Điều hành nghiên cứu quyết định đầu tư của Simcorp giải thích: "Tâm lý của thị trường khá tiêu cực, một phần vì dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử sắp tới. Rất nhiều vấn đề địa chính trị đang diễn ra, ít nhiều tác động đến giá cổ phiếu. Nếu mọi thứ bắt đầu nóng lên, không ngoại trừ khả năng kéo theo nhiều bất ổn hơn".
Theo ông Jason Browne - Chủ tịch Alexis Investment Partners (Texas), tháng 9 vẫn thường được coi là một trong những tháng có hiệu suất thị trường ảm đảm nhất, dựa vào các số liệu kể từ những năm 1950. Tính trung bình, trong 10 năm trở lại đây, tháng 9 luôn là tháng tệ nhất của thị trường chứng khoán.
Trước đó, chứng khoán Mỹ cũng đã trải qua một tháng 8 đầy biến động do bị chi phối bởi các yếu tố gồm nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ, việc giới đầu tư rút khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên và khả năng FED bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 đã trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết.
Bà Jill Cetina- Giáo sư điều hành ngành Tài chính tại trường kinh doanh Texas A&M cho biết, hiện các nhà giao dịch đang nín thở chờ báo cáo việc làm tháng 8 năm nay của Mỹ, đồng thời theo dõi sát cuộc họp của FED trong tháng này sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell gần đây lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Dữ liệu về báo cáo việc làm tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 6/9. Ngày 11/9 sẽ có thêm dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng hoặc chỉ số lạm phát gần đây nhất. Sau đó, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED sẽ nhóm họp vào ngày 18/9 tới. Các dữ liệu được phát hành sẽ mang tính tham khảo, định hình suy nghĩ về việc liệu có nên cắt giảm lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản vào tháng 9 hay không”, Giáo sư Jill Cetina phân tích.
Theo công cụ FedWatch Tool của CME Group, có 63% khả năng FED hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, trong khi có 37% khả năng hạ 50 điểm cơ bản.
Từ khóa: chứng khoán mỹ, chứng khoán mỹ, lao dốc, kinh tế mỹ, fed,chỉ số Dow Jones
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: phương anh/vov1
Nguồn tin: VOVVN