Chuẩn bị những gì cho du học trong đại dịch?
Cập nhật: 05/08/2021
[VOV2] - Du học lâu nay vốn là một trong những cánh cửa vào đời được nhiều bạn trẻ lựa chọn bỗng đứt đoạn bởi Covid 19. Không ít bạn buộc phải chọn trở về giữa chừng hoặc loay hoay không biết liệu có thể tiếp tục hành trang lên đường...
Những dự định dang dở
Lê Vũ Anh Thư, một trong số những bạn trẻ quyết định trở về vào thời điểm nước Úc bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 ập đến hồi tháng 4 năm 2020. Đó là một trải nghiệm thực sự khó quên với Thư khi cùng lúc phải tự trả lời rất nhiều câu hỏi về quy trình xin về ra sao? Bảo lưu kết quả học thế nào?... Rồi từ lúc xin được giấy xác nhận từ trường đại học ở Úc đến khi ra sân bay trở về, bạn chỉ có đúng 3 tiếng để xử lí toàn bộ những phần việc từ thu xếp đồ đạc, thanh toán các khoản sinh hoạt phí... Đến giờ, dù vẫn muốn tiếp tục du học nhưng Thư vẫn chưa quyết định trở lại trường tại Úc.
Phạm Tuấn Minh, học sinh lớp 12A1 Lý, trường chuyên Khoa học Tự nhiên vừa tốt nghiệp với tổng 27 điểm khối A1 đồng thời đã giành được học bổng tại đại học Bách Khoa Paris đang làm thủ tục chờ ngày sang Pháp. Đợt dịch thứ 4 trở lại, Hà Nội thực hiện chỉ thị 16 nên Đại sứ Quán tạm đóng cửa. Nhưng việc lên đường với Tuấn Minh chỉ là vấn đề thời gian. Du học với Minh là dự định từ lâu, được ấp ủ và thực hiện theo lộ trình suốt những năm học phổ thông.
Cho đến nay, sau hơn 2 năm đại dịch Covid 19 hoành hành khắp thế giới, không có con số thống kê chính xác số lượng các bạn trẻ quyết tâm ở lại thực hiện nguyện vọng du học hay trở về như Anh Thư. Nhưng theo chị Hồng Diệp, chuyên gia tư vấn du học Công ty Cổ phần Giáo dục Vietint, thời điểm đầu, khi cả thế giới vẫn còn bị bất ngờ bởi dịch bệnh thì phần lớn các trường hợp trở về là học sinh bậc phổ thông hoặc mới ở năm đầu bậc đại học. Sinh viên năm cuối hoặc cao học thường chọn việc ở lại hoàn thành nốt những học kì còn lại, kể cả bằng hình thức online hay trực tiếp khi dịch được kiểm soát.
Nhận định về xu hướng du học trong thời gian tới, theo chị Hồng Diệp, chính việc nhiều quốc gia phát triển kiểm soát tốt dịch bệnh, bắt đầu mở cửa đã khiến lượng học sinh, sinh viên trên khắp thế giới, gồm cả Việt Nam có nhu cầu du học sắm sửa hành trang, sẵn sàng đón nhận cơ hội.
Những phương án tạm thời
Tháng 4 năm 2020, khi trở về Việt Nam, ngay tại khu cách ly, Lê Vũ Anh Thư mở lớp dạy học Tiếng Anh online cho các em nhỏ. Sau đó, việc học tập của Thư được nối lại và duy trì bằng hình thức online với trường đại học ở Úc ngay và tiếp tục kéo dài đến tận bây giờ, khi Hà Nội đang đối mặt với đợt dịch thứ 4.
Trở lại du học đúng nghĩa là mong mỏi không chỉ của Anh Thư mà rất nhiều du học sinh trở về khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, khá nhiều trong số đó gặp khó khăn để quay lại quốc gia du học trong điều kiện diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước khá phức tạp với biến thể mới hoặc tuyến đường bay quốc tế chưa thực sự thuận lợi.
Tiếp tục học online và chờ thời điểm thích hợp hoặc đăng ký ngành học tương đương ở một trường đại học trong nước được xem như những phương án khả thi với nhiều du học sinh và gia đình ở thời điểm này. Còn với những bạn du học sinh chưa kịp lên đường ngay thời điểm dịch tràn đến, phần lớn cũng sẽ chọn "tạm trú" ở một trường đại học trong nước.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Hà Nội có con trai tốt nghiệp THPT năm 2020. Chàng trai trẻ đã lên kế hoạch sẽ du học ngành Kinh tế ở Vương Quốc Anh ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Nhưng dịch bệnh bất ngờ bùng phát ngay khi tết âm lịch Canh Tý chưa kịp qua. Với chứng chỉ ngoại ngữ trên 8.0 cùng học bạ đẹp, chàng trai đã vào học trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo hình thức xét kết hợp. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm nay, con trai anh cùng bạn bè sẽ lên đường sang Anh tiếp tục hành trình du học.
Du học đúng đại dịch, cần chuẩn bị những gì?
Ở vai trò tư vấn du học lâu năm, chị Hồng Diệp cho rằng ngoài tri thức nền, ngôn ngữ, tài chính, kiến thức phòng chống dịch bệnh cần được đặc biệt quan tâm vì Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với những biến thể mới. Trước hết, các tân du học sinh cần được trang bị kiến thức về triệu chứng bệnh. "Covid 19 khác thế nào so với cảm lạnh, cảm cúm thông thường, để khi chúng ta có cơn ho hoặc sốt sẽ không hoang mang", chị Hồng Diệp nêu ví dụ.
Thêm vào đó, các bạn du học sinh cần có trong tay số điện thoại liên hệ với Trung tâm sức khỏe của trường. Nhân viên y tế trường Đại học hoặc Trung học luôn sẵn sàng tư vấn khi các bạn có triệu chứng đáng ngờ. Số điện thoại trung tâm y tế khu vực và bệnh viện nơi du học sinh thuê nhà cũng cần được lưu trong điện thoại, phòng những tình huống khẩn cấp về sức khỏe, không chỉ riêng với dịch bệnh Covid 19. Đó là những điều chị Hồng Diệp đặc biệt lưu ý với những du học sinh tương lai.
Việc tiêm phòng không nằm trong yêu cầu bắt buộc với du học sinh. Tuy nhiên, trước khi lên máy bay, các bạn cần trình giấy xét nghiệm âm tính.
Học sinh bậc phổ thông, đặc biệt ở nhóm độ tuổi nhỏ thuộc trường hợp được chị Hồng Diệp khuyên chưa nên đi du học ở thời điểm này. Nếu thực sự vẫn mong muốn du học, các bạn có thể theo học ở các trường Quốc tế ngay trong nước. Với bằng cấp tương đồng sẽ thuận lợi cho du học sinh ở những bậc học cao hơn khi tình hình đã thực sự kiểm soát tốt hơn.
Mời các bạn nhấn nút nghe những chia sẻ, hướng dẫn chi tiết về hành trang du học mùa dịch từ chuyên gia giáo dục Hồng Diệp:
Từ khóa: du học, du học mùa dịch, Covid-19, hành trang, hành trang du học, du học giữa mùa dịch, làm gì khi đi du học, du học có nguy hiểm, nguy hiểm du học, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2