Chuẩn bị khởi công sân bay Quảng Trị hơn 5.800 tỷ đồng theo hình thức PPP
Cập nhật: 03/07/2024
VOV.VN - Đây là dự án sân bay có thời gian chuẩn bị đầu tư nhanh nhất trong cả nước theo hình thức PPP. Việc mở rộng sân bay Quảng Trị sẽ thêm cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị và khu vực.
Ngày 6/7 tới đây, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T Group - Cienco 4 sẽ chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.
Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là một trong 16 cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021 - 2030 và 1 trong 19 cảng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với quy mô hơn 265ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là một trong 16 cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021 - 2030 và 1 trong 19 cảng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4.
Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tăng cường kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được khai thác, đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, dự án đường ven biển nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cao tốc Lao Bảo - Cam Lộ, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo, dự án CHK Quảng Trị là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của địa phương, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội Quảng Trị phát triển.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam của Việt Nam. Nơi đây có cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cầu Hiền Lương chính là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền dọc theo vĩ tuyến 17.
Về T&T Group, đây là doanh nghiệp tư nhân ra đời từ năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, T&T Group của bầu Hiển hiện trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, hoạt động đa ngành với 7 nhóm chính: Bất động sản; tài chính và đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển và logistic; công thương; khoáng sản, năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục và thể thao.
Các dự án hạ tầng trọng điểm đang được Chính phủ gấp rút triển khai. CIENCO4 (mã chứng khoán C4G) với nền tảng nhân sự, kỹ thuật, thiết bị hiện đại, cùng tiềm lực tài chính tốt đã không để các cơ hội lớn trượt khỏi tầm tay…
Thúc đẩy đầu tư công, nhất là đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm đã thành trọng tâm trong điều hành của Chính phủ năm 2023. Trong đó, việc khởi công dự án sân bay Long Thành vào cuối tháng 8/2023 là sự kiện đặc biệt quan trọng. Siêu sân bay này được quy hoạch đáp ứng phục vụ 100 triệu hành khách/năm. Khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 (dự kiến vào năm 2026), sân bay này đã có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Ngoài ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội, việc khởi công dự án hạ tầng với khối lượng xây lắp đặc biệt lớn này là cơ hội bứt phá cho các nhà thầu được tham gia thi công.
Trong đó, Tập đoàn CIENCO4 được Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) lựa chọn làm đối tác để triển khai thi công Gói thầu số 4.6. Gói thầu này có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, là gói thầu lớn thứ 2 của toàn bộ dự án (Gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành là 5.10 - xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Long Thành). Điều này không quá bất ngờ vì CIENCO4 là tên tuổi quen thuộc, uy tín tại các công trường xây mới hoặc mở rộng đường băng, nhà ga ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Cam Ranh, Phú Bài, Đà Nẵng, Pleiku.
Ngoài sân bay, CIENCO4 đã liên tiếp trúng thầu tại nhiều dự án trọng điểm gần đây, trong đó có thể kể đến: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh với giá trị trúng thầu hơn 1.800 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau giá trị hơn 1.700 tỷ đồng; Gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km54+500-Km68+854,48 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trị gói thầu hơn 2.992 tỷ đồng; Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội giá trị gần 900 tỷ đồng; Vành đai 3 vùng TP.HCM giá trị 1.417 tỷ đồng...
Theo Mirae Asset, CIENCO4 là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, vận hành trạm thu phí BOT, cung cấp dịch vụ cho thuê thiết bị, cho thuê văn phòng và mặt bằng. Trong đó, mảng xây dựng là hoạt động kinh doanh chính, thường chiếm hơn 60% doanh thu qua các năm. Giá nguyên vật liệu xây dựng giảm sẽ giúp cải thiện được biên lợi nhuận cho doanh nghiệp trong năm 2023. Chưa kể, các giá trị các hợp đồng đã ký của riêng C4G trong năm 2023 với các dự án lớn như dự án Vành đai 3 - TP. HCM, Vành đai 4 - Hà Nội..., hay gần nhất là Dự án Sân bay Long Thành có thể giúp doanh nghiệp có nguồn thu ổn định cùng với cơ hội tăng trưởng và lợi nhuận cho công ty trong những năm tới.
Từ khóa: Quảng Trị, sân bay Quảng Trị, PPP, hình thức PPP, Cienco4, nhà thầu, thi công cao tốc,Quảng Trị
Thể loại: Xã hội
Tác giả: phi long/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN