Chưa kiểm soát được việc khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản
Cập nhật: 25/09/2019
Khai thác và phát triển thủy sản thiếu kiểm soát, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn diễn ra, hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy.
Ngày 6/12, tại Thanh Hóa, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Giải pháp, định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến tập trung phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp trên cơ sở thực tế địa phương mình. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh với giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, bằng cách phân cấp quản lý cho UBND cấp huyện quản lý vùng biển ven bờ; quản lý tàu cá và quản lý cấp phép khai thác; quy định vùng cấm khai thác thủy sản, vùng cấm khai thác có thời hạn.
Trước nạn khai thác tận diệt, tỉnh Bình Thuận đã cắt cử cán bộ bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình vi phạm, bố trí lực lượng, phương tiện nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm về khai thác hải sản.
Khai thácvàphát triểnthủy sảnthiếu kiểm soát,tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa: KT) |
Từ thực tế ở địa phương, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, một mặt cần củng cố lực lượng thực thi pháp luật và tăng cường quản lý, về lâu dài cần có chính sách mang tính chiến lược đối với ngư dân: “Cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, giải tán tàu cá nhỏ ven bờ để người dân chuyển sang khai thác cái khác thân thiện với môi trường hoặc chuyển nghề khác,; phải có chính sách để khi bị cấm biển trong 2 tháng thì người dân sẽ sinh sống ra sao. Nếu cấm mà người dân không có việc làm, không có thu nhập thì sẽ rất khó khăn”.
Luật Thuỷ sản 2017 đã đưa ra các quy định về khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện linh hoạt, có thể giao cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm vừa huy động được nguồn lực từ xã hội vừa nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời chia sẻ trách nhiệm quản lý với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, và tích cực xử lý sai phạm liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tăng cường thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản, kiểm soát các hoạt động gây suy giảm nguồn lợi thủy sản phát triển, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi và tích cực tăng cường công tác thanh, kiểm tra thực thi pháp luật trên biển. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế chính sách, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, khai thác và bảo quản chế biến sau thu hoạch, ông Hùng nêu giải pháp.
Sau hơn 20 năm tiếp cận và xây dựng các mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đến nay, đã có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mô hình đồng quản lý, 97 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ trên 25 huyện với hơn 13.000 ngư dân tham gia. Thông qua các hoạt động này, nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ được nâng cao, các hành vi vi phạm có chiều hướng giảm, môi trường, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu phục hồi./.
Từ khóa: thủy sản, đánh bắt thủy sản, nguồn lợi thủy sản, chế biến sau thu hoạch, hải sản,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN