Chùa Hương trong thơ nhạc

Cập nhật: 21/03/2022

(VOV5) -Những bài thơ và ca khúc về chùa Hương trong hơn trăm năm qua đã ghi dấu ấn sâu đậm trong không gian văn hóa Việt Nam cận hiện đại.

Nghe âm thanh tại đây qua giọng kể nhà văn Nguyễn Trương Quý:

Chùa Hương! Với đồi núi cao biết bao êm đềm

Phút mơ màng quên hết ưu phiền.

Chiều sương rơi còn đâu đây vang tiếng trầm theo gió

Tiếng nam mô! Lâng lâng hồn tôi bay theo tiếng chuông nơi xa mờ...

Những bài thơ và ca khúc về chùa Hương trong hơn trăm năm qua đã ghi dấu ấn sâu đậm trong không gian văn hóa Việt Nam cận hiện đại.

Vào những thế kỷ trung đại, thắng cảnh Hương Tích ở ven suối Yến, Mỹ Đức (Hà Nội ngày nay), đã nức tiếng là chốn "Nam thiên đệ nhất động" như lời chúa Trịnh Sâm, là nơi tu hành của Huyền Quang đời Trần, cũng như sự tích Bà chúa Ba, một hiện thân của Quán Thế Âm Bồ Tát trong tâm thức cộng đồng.

Chùa Hương trong thơ nhạc - ảnh 1Suối Yến chùa Hương mùa hoa súng

Mặc dù nhiều áng thơ cổ đã viết về chùa Hương, nhưng bài thơ thể hát nói của ca trù (hay còn gọi là ả đào) của Chu Mạnh Trinh (sinh 1862- mất 1905) đạt vị thế nổi bật nhất. Bài thơ này được cho là Chu Mạnh Trinh viết sau khi từ quan khoảng năm 1903, đi du ngoạn các nơi, và ông đã viết một tập mang tên Hương Sơn hành trình, trong đó có bài ca vịnh cảnh Hương Sơn, sau này được lấy tên là Hương Sơn phong cảnh ca hay Thú Hương Sơn, theo câu đầu phần bài hát nói. Bài hát nói này được xếp vào loại được ưa chuộng nhất ở các nhà hát cô đầu, bởi lẽ nội dung rất quen thuộc với người Việt, nhất là miền Bắc, nơi chùa Hương được người đời tìm đến hành hương mỗi dịp xuân về và chùa mở hội vào mồng 6 tháng Giêng, kéo dài đến tháng Ba âm lịch.

Bầu trời, cảnh bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non, nước nước, mây mây,

Đệ nhất động hỏi là đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng...

Sau bài hát nói Hương Sơn phong cảnh ca, những thi sĩ Thơ Mới cũng tìm đến chùa Hương, nơi mà họ cho là ngọn nguồn tiên cảnh. Trong số những bài thơ Mới, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp và Cô hái mơ của Nguyễn Bính xuất bản trong các tập thơ năm 1935 và 1940, là những bài thơ được yêu thích nhất, đến độ thành những biểu tượng thẩm mỹ thời đại. Cả hai đều kể về những câu chuyện tình giữa những tao nhân mặc khách ở chốn Hương Sơn, có rừng mơ và suối nước trong tuôn róc rách... nhưng rồi đều chỉ như những giấc mộng chóng tàn.

...Em đi, chàng theo sau.

Em không dám đi mau,

Ngại chàng chê hấp tấp,

Số gian nan không giàu.

...Đêm hôm ấy em mừng!

Mùi trầm hương bay lừng.

Em nằm nghe tiếng mõ,

Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!

Mơ nhiều... Viết thế thôi!

Kẻo ai mà xem thấy,

Nhìn em đến nực cười!...

Không phải ngẫu nhiên mà những bài tân nhạc thời kỳ đầu đã tìm đến những lời thơ này để phổ, hoặc viết thành những bài hát đến giờ vẫn còn dư âm. Sớm nhất là Chùa Hương của Hoàng Quý viết năm 18 tuổi - 1938, xuất bản năm 1943, một ca khúc trong trẻo, mơ màng và mang nét thanh khiết của tâm hồn tìm đến cõi bình yên giữa thiên nhiên tươi đẹp. Nhạc sĩ trẻ Phạm Duy cũng bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình bằng việc phổ bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính, trở thành một sự trình làng trong trẻo, báo hiệu một tương lai thành công. Còn bài thơ dài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp đã được Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bộ vào năm 1946, sau đó được ca sĩ Mộc Lan thể hiện thành công trong thập niên 1950. Bài hát thường được biểu diễn theo lối truyện ca, có xen kẽ ngâm thơ và hát.

Trong những ngày xuân và khai hội chùa Hương, sẽ thật là thú khi dạo quanh một vòng những tác phẩm thơ - nhạc nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam cận hiện đại, chẳng hạn những bản thu đặc biệt như bài hát nói ca trù Hương Sơn phong cảnh ca (tức Thú Hương Sơn) với phần biểu diễn của NSND Quách Thị Hồ, ca khúc Chùa Hương của Hoàng Quý viết năm 1938, xuất bản năm 1943 qua giọng ca kinh điển Thái Thanh hay mới mẻ của Mỹ Linh sau này, bài hát Cô hái mơ, thơ Nguyễn Bính, Phạm Duy phổ nhạc, ca khúc Đi chơi chùa Hương do nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp năm 1946 và gần đây do nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc, là những ca khúc được nhiều người yêu thích.

Từ khóa:

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập