Chưa cấp phép bay cho Vietravel Airlines và hàng không Cánh Diều

Cập nhật: 10/09/2020

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ yêu cầu các cơ quan có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ GTVT cấp phép cho hãng hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Liên quan đến việc Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ GTVT trước ngày 14/9/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Trước đó, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định. Nội dung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đảm bảo phù hợp với Quyết định số 457/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

“Các cơ quan cần có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ GTVT trước ngày 14/9/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo.

Theo Cục HKVN, với quy mô đội tàu bay trong 3 năm đầu là 3 - 6 tàu bay và đạt 8 tàu bay vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5 - 3% về số lượng trong giai đoạn 2021 - 2023 nên về tổng thể tác động không đáng kể, đảm bảo tính ổn định của thị trường.

Vietravel Airlines cũng đưa ra 4 phương án khai thác, tương đồng với các kịch bản khai thác thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.

Trước đó, Chính phủ cũng đã quyết định chưa cấp phép lập hãng Hàng không Cánh Diều (KiteAir) và giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư trả lời nhà đầu tư việc này.

Văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư trả lời Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh về việc dự án vận tải Hàng không Cánh Diều (Kite Air) chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng xem xét, cấp phép.

Quan điểm "chỉ nên cấp phép hãng hàng không mới sau năm 2022" từng được Bộ GTVT nêu và nhận sự đồng ý về nguyên tắc của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Dự án hàng không Cánh Diều có mục tiêu thành lập một hãng hàng không chi phí thấp, với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ (18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ (82% vốn đầu tư).

Hãng dự kiến sau khi được cấp phép đầu tư sẽ khai thác các đường bay nội địa, với các đường bay nối trực tiếp tới các địa phương có dung lượng thị trường nhỏ và các đường bay nối cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nội Bài, TP HCM với các địa phương./.

Từ khóa:

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập