Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 trên 7%

Cập nhật: 15/01/2022

VOV.VN - Năm 2022, thành phố Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản trong tăng trưởng kinh tế. Theo đó, kịch bản thấp nhất là tăng từ 4% - 5%; kịch bản thứ hai là tăng từ 6 - 7%; kịch bản thứ 3 là trên 7%.

Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, kinh tế thành phố Đà Nẵng từng bước khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng của một thành phố năng động. Kết thúc năm 2021, Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng dương. Năm 2022, được thành phố Đà Nẵng chọn là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Đây cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.

PV: Thưa ông, năm 2021, Đà Nẵng đã chủ động, sáng tạo trong ứng phó, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thành phố đã sớm chuyển trạng thái chống dịch, khôi phục kinh tế song hành với kiểm soát dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào về mức độ phục hồi kinh tế của Đà Nẵng hiện nay?

Ông Lê Trung Chinh: Có thể nói, năm 2021 là một năm đầy khó khăn. Đầu năm 2021, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng tôi cũng đã kiểm soát được dịch. Kinh tế của thành phố trong 4 tháng đầu năm rất khả quan với mức tăng trưởng khoảng 6%. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 10, dịch ảnh hưởng rất nặng nề nên tăng trưởng giảm sâu. Trong 3 tháng cuối năm, khi chúng tôi kiểm soát được dịch bệnh thì tăng trưởng trở lại nên cuối năm 2021, tăng trưởng đạt 0,18%. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố.

Hiện nay, chúng tôi đã ban hành kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế cho năm 2022 và những năm tiếp theo trên tinh thần vừa chống dịch, vừa đề xuất các biện pháp quyết liệt trong phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, chú ý đến hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt là các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống, đẩy mạnh thu hút đầu tư công, đẩy nhanh các công trình trọng điểm, giải ngân đầu tư công. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn đối với doanh nghiệp sau các kết luận thanh tra, kiểm tra và các bản án. Hy vọng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp thì kinh tế của thành phố năm 2022 sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

PV: Năm 2022, thành phố Đà Nẵng chọn là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Để thực hiện có hiệu quả chủ đề này, thành phố đặt ra những giải pháp như thế nào?

Ông Lê Trung Chinh: Thành phố đã xây dựng 3 kịch bản trong tăng trưởng kinh tế. Kịch bản thấp nhất là tăng từ 4% - 5%; kịch bản thứ hai là tăng từ 6 - 7%; kịch bản thứ 3 là trên 7%. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng có những giải pháp khống chế dịch bệnh theo tinh thần ứng phó dịch bệnh và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, triển khai quyết liệt các công trình trọng điểm, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Thành phố tập trung chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, các kết luận thanh tra, kiểm toán, tòa án, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng để khơi thông nguồn lực đất đai, sớm triển khai, đưa các dự án vào hoạt động.

Hy vọng, trong năm 2022, chúng tôi sẽ khắc phục được những hạn chế trong năm 2021, kế thừa những kết quả đạt được, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đã đề ra.

PV: Sau hơn 1 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng nhưng đến nay, cơ chế mang tính đặc thù dành cho thành phố hầu như chậm đi vào thực tế. Hiện ngoài cơ chế về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, xin ông cho biết các Đề án mang tính động lực như: Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực; Đề án Khu Phi thuế quan thành phố Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy như thế nào cho thành phố Đà Nẵng tăng tốc?

Ông Lê Trung Chinh: Trong thời gian vừa qua, thành phố Đà Nẵng dành được sự quan tâm rất lớn của Trung ương. Cụ thể như: Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về một số cơ chế đặc thù đối với thành phố cũng như tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chúng tôi đang triển khai và bước đầu có kết quả.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 144 cho thành phố. Theo đó, sẽ có những cơ chế thêm cho thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, Trung ương cũng có một số chủ trương đầu tư một số công trình trọng điểm lớn, mang tính chất liên vùng khu vực miền Trung. Tôi nghĩ những công trình này có những tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo trong vấn đề tháo gỡ khó khăn trong các kết luận, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tôi nghĩ rằng đây là sự quan tâm rất lớn của Trung ương. Về phía thành phố Đà Nẵng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình. Cái gì thuộc thẩm quyền của mình thì chúng tôi nhanh chóng tháo gỡ. Những gì thuộc Trung ương thì tích cực phối hợp, đề xuất Trung ương quan tâm tháo gỡ những vấn đề này.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng cũng đã hoàn thành Dự thảo về Đề án thành lập Trung tâm Tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng và đang xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương. Chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án Khu Phi thuế qua. Đây là 2 Đề án lớn của thành phố có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội thành phố trong tương lai.

PV: Trong năm 2022, Đà Nẵng lựa chọn các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn nào để khởi công xây dựng hoặc đưa ra lộ trình thực hiện?

Ông Lê Trung Chinh: Thứ nhất là chúng tôi tập trung dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng, Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan), nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Dự án Khu Du lịch Làng Vân; Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14B (đoạn Túy Loan - Hòa Khương); hoàn thành Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; Dự án tuyến đường Vành đai phía Tây 2, Nhà máy nước Hòa Liên… Tôi nghĩ rằng, đây là những công trình, dự án động lực, trọng điểm có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.

Từ khóa: Đà Nẵng, tăng trưởng kinh tế, chính quyền đô thị

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập