Chủ tịch TP.HCM lý giải vì sao đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8 % năm 2024

Cập nhật: 09/02/2024

VOV.VN - Ông Phan Văn Mãi cho rằng: Năm 2024, thành phố đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là từ 7,5 - 8%. Đây là một chỉ tiêu rất thách thức nhưng thành phố sẽ cố gắng.

 

TP.HCM làm thế nào để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công cũng như huy động, tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng mới để mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 ở mức 7,5% đến 8%? Đây là nội dung được ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời phỏng vấn phóng viên VOV và các cơ quan báo chí nhân cuộc gặp mặt đầu xuân.

PV: Thưa ông! Năm 2024, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8 %, trong khi chỉ số này của năm 2023 là 5,81%. Vậy mục tiêu đặt ra năm nay có phải là quá lớn?

Ông Phan Văn Mãi: Năm 2024, thành phố đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là từ 7,5 - 8%. Đây là một chỉ tiêu rất thách thức nhưng thành phố sẽ cố gắng.

Với chỉ tiêu này thì thành phố đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý và đã triển khai các giải pháp, biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay từ đầu năm.

Trong đó, chúng tôi tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng như là tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 98; cũng như là xu hướng phát triển mới, các mô hình kinh doanh mới để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các hình thức thương mại.

Với những nỗ lực này, trong tháng 1/2024, TP.HCM đã có kết quả đáng mừng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,9% so với cùng kỳ, doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 24,4 %, xuất nhập khẩu tăng 23,3%, giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng 3,2 lần so với tháng 1/2023. Nhờ vậy, thu ngân sách của thành phố đã đạt được 16,7 % so với dự toán.

Thành phố sẽ tiếp tục cập nhật các kịch bản tăng trưởng và có một số trọng tâm. Quan trọng chúng tôi sẽ lên kịch bản tăng trưởng cho hàng tháng để bổ sung các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng đạt được những chỉ tiêu đề ra.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục gia cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, đồng thời phát triển thêm các động lực mới như: Kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư chiến lược để làm sao đảm bảo chắc chắn rằng là tăng trưởng sẽ đạt được chỉ tiêu đấy.

Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung vào cải cách hành chính cho công tác điều hành để làm sao tăng hiệu quả của nền hành chính cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc. Với các giải pháp đồng bộ như thế, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng của năm.

PV: Vâng! Ông tin tưởng sẽ đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay, trong khi đầu tư công là một động lực thúc đẩy sự tăng trưởng. Tuy nhiên năm 2023, TP.HCM đã không đạt được mục tiêu đề ra về giải ngân vốn đầu tư công. Vậy, thành phố sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ điểm nghẽn này?

Ông Phan Văn Mãi: Năm 2024, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của thành phố rất nặng nề đến 80.000 tỷ đồng. Nếu so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2023 (370.000 tỷ đồng) thì chiếm đến 21,6%.

Đây là một khối lượng rất lớn và nếu như giải ngân tốt thì nó sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng phát triển của thành phố.

Do đó, Thành phố cũng rất chủ động. Đến giờ này, chúng tôi đã có quyết định giao vốn tất cả các nguồn vốn cho các chủ đầu tư. Thành phố cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2024.

Và tuần lễ đầu tiên sau nghỉ Tết Nguyên đán, Thành phố sẽ tiến hành giao ban lần đầu tiên trong năm để rà soát việc cập nhật, triển khai kết quả này như thế nào. Chúng tôi thấy rằng, việc triển khai khá chủ động và kết quả tháng 1/2024 đã giải ngân được gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Ở đây chúng tôi xác định mấy vấn đề. Thứ nhất, trách nhiệm của chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân vốn được giao cho từng dự án và phải theo sát để kịp thời phối hợp tháo gỡ, kịp thời báo cáo khi có những tình huống để kịp thời điều chỉnh vốn.

Thứ hai là, trách nhiệm của các sở, ngành trong quá trình thẩm định, cho ý kiến trong phối hợp để giải quyết vướng mắc phát sinh. Ở đây, chúng tôi đặt ra vấn đề là, thời gian giải quyết các thủ tục có liên quan đến đầu tư công phải giảm 30% so với quy định chung.

Trách nhiệm của các bên có liên quan, ví dụ nhà thầu, các đơn vị tư vấn thì chúng tôi sẽ theo sát và sẽ làm việc thường xuyên, kịp thời xử lý nếu như có những trường hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của công trình.

Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây là trách nhiệm chính của các quận, huyện nhưng chúng tôi cũng xác định phải có sự phối hợp của các chủ đầu tư và sự tháo gỡ của các sở, ngành.

Thành phố đã thành lập tổ công tác về giải phóng mặt bằng và giao tổ theo sát nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, vướng mắc chỗ nào, trọng tâm lớn đang nằm chỗ nào thì sẽ có sự phối hợp để triển khai.

Thứ ba đó là, công tác điều hành vốn theo sát với kế hoạch để có một sự điều chỉnh khi cần thiết. Nếu dự án này không kịp thời giải ngân do những lý do gì đấy thì sẽ điều chỉnh vốn. Ở đây chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, các ban quản lý dự án, các địa phương chuẩn bị sẵn một số dự án trong trung hạn để kịp thời thay thế khi có nhu cầu điều chỉnh vốn.

Cơ quan thường trực theo dõi công tác giải ngân đầu tư công là Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ trực tiếp phụ trách và sẽ có đề xuất với UBND thành phố. Và thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân cấp, ủy quyền và kể cả là xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.

Đó là những biện pháp tổng hợp mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện ngay từ đầu năm với quyết tâm là trong năm nay là sẽ giải ngân đạt kết quả cao nhất trong 80.000 tỷ đầu tư công.

PV: Bên cạnh quyết tâm giải ngân đạt kết quả cao nhất như ông vừa nói, thì năm nay, TP.HCM chính thức bước vào hành trình "xanh hóa" nền kinh tế. Đây được xem là một mục tiêu khá tham vọng. Vậy, TP.HCM sẽ làm gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?

Ông Phan Văn Mãi: Phát triển xanh là một xu hướng mà thế giới đang đi và đó sẽ là tất yếu đối với nền kinh tế của Việt Nam và TP.HCM.

Từ tháng 10/2020, Thành phố đã ban hành một kế hoạch gồm 56 chương trình và 30 dự án nhằm thực hiện các mục tiêu này, hướng đến là giảm phát thải đối với thành phố. Vừa qua, thành phố cũng đã ban hành khung chiến lược về tăng trưởng xanh thành phố đến năm 2030 mà thành phố đang hoàn thiện để trình HĐND ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh của thành phố dự vào kỳ họp giữa năm 2024 này.

Chúng tôi sẽ tập trung để giảm phát thải thông qua giao thông, tức là khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, chuyển đổi các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Chúng tôi sẽ giảm phát thải thông qua sản xuất, chuyển đổi công nghệ sản xuất bằng cách đó là áp dụng kinh tế tuần hoàn. Giảm phát thải thông qua các hành vi như: Xây dựng xanh, du lịch xanh, tiêu dùng xanh và thành phố cũng sẽ tập trung cho việc chuyển đổi năng lượng hướng tới sử dụng năng lượng sạch và sử dụng tiết kiệm năng lượng.

  Đồng thời, thành phố cũng sẽ đầu tư để giải quyết các vấn đề về xử lý nước thải, rác thải, xử lý tiết kiệm các nguồn đầu vào cho quá trình sản xuất và sinh hoạt của thành phố.

Đây là một việc rất lớn, cần thời gian, nguồn lực và tất nhiên cần sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Chúng tôi cũng rất mong muốn bên cạnh chính sách của thành phố, chính sách của Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng phải có sự đầu tư, người dân cũng phải thay đổi nhận thức, hành vi để thực hành các hành vi xanh trong quá trình chuyển đổi xanh thành phố.

Thành phố cũng mong muốn được hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi xanh của thành phố được diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Từ khóa: tăng trưởng, tphcm, phan văn mãi, kinh tế tphcm, chủ tịch tphcm, tphcm giải ngân,tăng trương

Thể loại: Nội chính

Tác giả: việt đức - hà khánh/vov.tphcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập