Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký LHQ António Guterres
Cập nhật: 22/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres nhân sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức LHQ như UNDP, UNICEF đối với Quốc hội Việt Nam, giúp nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử và kỹ năng của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng do Hiến pháp, Luật pháp đã quy định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay sau khi chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc được thông qua, Quốc hội Việt Nam là một trong những cơ quan lập pháp sớm nhất trên thế giới đã cụ thể hóa và thể chế hóa toàn bộ các khung chính sách của phát triển bền vững vào hệ thống luật pháp, các chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm.
Hiện nay Việt Nam đang triển khai rất nhất quán theo chủ trương phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để một ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế và những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã cam kết, để đảm bảo khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm.
Quốc hội Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội đóng góp rất tích cực vào quá trình cử lực lượng gìn giữ hòa bình, các chương trình hợp tác ba bên của LHQ với đối tác Việt Nam và một bên thứ ba như châu Phi.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của LHQ, giữa các cơ quan của LHQ với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác, qua đó, Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với các hoạt động chuyên môn của các tổ chức quốc tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội có thể tăng cường trao đổi hợp tác, học hỏi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.
Về vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều thách thức. Việt Nam chia sẻ lo ngại về tác động tiêu cực và nhiều mặt của đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, tác động của các khủng hoảng và xung đột đối với phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại các nước đang phát triển.
Vì vây, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, LHQ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Quốc hội nâng cao năng lực, kỹ năng trong hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp lý, giám sát triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó có lồng ghép hiệu quả các SDGs và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực của toàn cầu, nhất là của LHQ trong đề cao ưu tiên ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu; đề nghị các cơ quan của Liên hợp quốc cùng với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức đối thoại về chuyển đổi năng lượng. Liên Hợp Quốc có vai trò ngày càng lớn hơn, quan trọng hơn trong hợp tác chuyển đổi năng lượng quốc gia một cách công bằng và bền vững, để hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam tiết kiệm công nghệ, nguồn tài chính bảo đảm cân bằng lợi ích về chi phí của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Về vấn đề chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cũng như chuyển đổi năng lượng, thời cơ và thách thức của lĩnh vực này đan xen, đó là vấn đề niềm tin số, chủ quyền số, vấn đề an toàn, an ninh thông tin mạng. Với các cơ chế riêng có, LHQ có thể dẫn dắt trong việc định hình, thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng như chuyển đổi số. Quốc hội Việt Nam đang tập trung nỗ lực vào hai thách thức này để ban hành những khung khổ thể chế thích hợp, tận dụng được cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, rủi ro để đảm bảo sự phát triển.
Về vấn đề biển và đại dương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 như Hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn, phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các thách thức chung như khủng bố, nạn cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, các hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm ảnh hưởng đến hòa bình hữu nghị, an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Chủ tịch Quốc hội mong, LHQ hiểu, chia sẻ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông và vấn đề liên quan đến an toàn tự do Hàng hải theo UNCLOS 1982.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam cũng như Quốc hội Việt Nam luôn tuân thủ hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc nhất quán trong tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp là con đường để đạt được nền hòa bình một cách bền vững, mang lại thịnh vượng cho nhân dân, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên Luật lệ và một quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị giữa các quốc gia. Trong lĩnh vực này, Liên hiệp quốc đóng một vai trò đặc biệt quan trọng và Việt Nam luôn là một thành viên chủ động và có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres bày tỏ khâm phục đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh cũng như xây dựng, phát triển đất nước; khẳng định Việt Nam là tấm gương để nhiều nước noi theo.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng, Quốc hội là nơi tập hợp được sự đóng góp của người dân vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua.
Bày tỏ tự hào là đối tác của Việt Nam, theo Tổng Thư ký LHQ, Việt Nam là một trong những thành viên năng động, tích cực của Liên Hợp Quốc. Những cống hiến của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã góp phần làm khỏa lấp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của mình đã được tất cả các quốc gia tôn trọng. Đặc biệt, Liên Hợp Quốc coi tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói của sự phát triển.
Tổng Thư ký LHQ chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt, trong đó có sự bất bình đẳng về phân bổ vaccine Covid-19, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn lực để khôi phục đất nước. Đây cũng là khó khăn, là vấn đề chung của các nước đang phát triển. Bởi vậy, Tổng Thư ký LHQ mong Việt Nam và Liên Hợp Quốc tiếp tục sát cánh bên nhau để tạo ra sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, tránh nới rộng thêm khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về những khó khăn trong việc chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, Tổng Thư ký LHQ khẳng định, đây cũng là những vấn đề được Liên Hợp Quốc rất quan tâm và đưa vào chương trình nghị sự. Liên Hợp Quốc sẵn sàng cử chuyên gia giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề này.
Về biển Đông, Tổng thư ký LHQ hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam; khẳng định Liên hợp quốc luôn hỗ trợ hết sức theo theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)./.
Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Tổng Thư ký LHQ António Guterres thăm Việt Nam
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN