Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề tại TP. Hải Phòng

Cập nhật: 06/01/2024

VOV.VN - Ngày 6/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri chuyên đề là công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố tại TP. Hải Phòng.

Đây là cuộc tiếp xúc cử tri rất đặc biệt và ý nghĩa vì được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2024), diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (12/2023), đây cũng là cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp bất thường lần thứ 5 với nhiều nội dung quan trọng.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu. 

Quốc hội chú trọng đến ý kiến, kiến nghị của cử tri trong công tác ban hành các dự án luật

Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt này đã thu hút hơn 500 công nhân lao động tại TP. Hải Phòng. Các cử tri đánh giá cao những hoạt động của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay trong công tác lập pháp, trong đó có nhiều luật liên quan đến trực tiếp đến công nhân, viên chức, người lao động đã được Quốc hội thông qua, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... Đặc biệt Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Quốc hội đã quan tâm chú trọng đến một số ý kiến, kiến nghị của cử tri như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội khi người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; về điều kiện hưởng lương hưu; về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần.

Các cử tri đã đề xuất, kiến nghị về các dự án Luật dự kiến chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua thời gian tới (Luật Việc làm; Luật Bảo hiểm xã hội; Bộ luật Lao động…); về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở và các biện pháp bảo đảm tạo điều kiện cho công nhân, người lao động dễ dàng tiếp cập nhà ở xã hội; đề xuất tiếp cận các chính sách miễn/giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ,...

Chính sách tiền lương, cần hài hòa lợi ích

Quan tâm đến vấn đề lương tối thiểu của công nhân lao động, cử tri Trần Thị Hằng, Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động quận Dương Kinh cho rằng, hiện nay mức thu nhập trung bình của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, nhưng phải chi rất nhiều khoản tối thiểu cho sinh hoạt gia đình.

Cử tri Trần Thị Hằng cho biết: "Việc xác định mức sống tối thiểu theo vùng làm căn cứ xác định tiền lương tối thiểu hiện nay rất thấp, chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ khái niệm mức sống tối thiểu của người lao động theo vùng thực tế hiện nay để có cơ sở quy định mức lương tối thiểu hợp lý, phù hợp với sự phát triển của xã hội".

Trả lời câu hỏi của cử tri, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương Binh xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: "Từ ngày 1/7 này chúng ta cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Theo đó sẽ có 5 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực doah nghiệp Nhà nước. Nhà nước không can thiệp vào việc ban hành thang bảng lương của các doanh nghiệp nữa nhưng Nhà nước có trách nhiệm để đảm bảo đưa ra mức lương tối thiểu: tối thiểu theo tháng, theo tuần theo ngày, theo giờ, để làm căn cứ để giữa chủ sử dụng lao động với người lao động hương thảo, thỏa thuận, làm sao không được thấp hơn mức lương tối thiểu này. Chúng tôi cũng sẽ tính toán sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6% trong năm 2024 này."

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định: "Tiền lương là thu nhập của người lao động nhưng lại là chi phí của doanh nghiệp. Do đó mà Đảng ta nhấn mạnh, phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nếu bản thân doanh nghiệp không tồn tại, phát triển được thì bản thân người lao động không có chỗ để làm việc. Do đó mà câu chuyện là nghỉ thêm bao nhiêu ngày, thời gian làm thêm như thế nào, chi phí và làm thêm giờ như thế nào? Điều này phải giải quyết bài toán là hài hòa lợi ích. Một bên là đại diện giới chủ một bên là đại diện cho người lao động. Nhà nước là đứng vai trò nhạc trưởng để điều hòa mối quan hệ này. Chúng ta phải tính toán rất kỹ lưỡng. Trong điều kiện quan hệ lao động rất phong phú đa dạng như hiện nay, thì Luật việc làm tới đây sắp tới phải sửa Luật việc làm. Luật bảo hiểm xã hội cũng phải tính toán rất nhiều. Các ý kiến cử tri đề cập, rất nhiều ý kiến hay, rất có giá trị. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và tiếp thu.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tiền lương cho ngành giáo dục và y tế cũng sẽ được ưu tiên xếp ngạch bậc cao nhất. 

Trả lời ý kiến cử tri Đỗ Thanh Phượng, cán bộ công đoàn thuộc LĐLĐ quận Hồng Bàng về tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài và giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: "Vấn đề trốn đóng bảo hiểm xã hội được Quốc hội rất quan tâm và các cơ quan của Quốc hội cũng vậy. Trong nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 vừa rồi thì cũng có đề cập đến vấn đề này, Quốc hội sẽ tăng cường việc giám sát và cũng khuyến nghị Chính phủ có các giải pháp cũng như cố gắng để cơ quan cảnh sát điều tra và Tòa án có gắng để đưa vài vụ việc vi phạm về trốn đóng nợ đóng bảo hiểm xã hội ra xét xử, để răn đe, cảnh tỉnh trong thời gian tới. Trong đấy có quyền khởi kiện của Công đoàn, cũng như khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội với tư cách là bị hại theo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán."

Trao đổi với cử tri về vấn đề minh bạch giá bán và các cơ chế về kiểm tra, thanh tra, giám sát nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Luật Nhà ở quy định rất cụ thể về quy định chi phí được tính vào giá bán nhà ở xã hội; phương án xác định giá bán; việc thẩm định đối với giá bán nhà ở xã hội: "Chúng tôi  đề nghị trước hết chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng phải tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát. Thứ hai nữa là đề nghị là người lao động là những đối tượng thuê hoặc thuê mua, hoặc mua nhà xã hội cũng phải tăng cường tự giám sát. Nếu phát hiện vi phạm  phải kiến nghị kịp thời với cấp chính quyền để có biện pháp xử lý. Về phía Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường cơ chế giám sát theo thẩm quyền của mình, để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc cũng như những vi phạm để báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý."

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một cuộc tiếp xúc cử tri nhưng lại có quy mô như diễn đàn của người lao động trong phạm vi TP. Hải Phòng, gắn với việc tổng rà soát hệ thống pháp luật. Với những ý kiến còn lại của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: "Trên cơ sở hôm nay, TP. Hải Phòng rà soát lại các chế độ, chính sách. Hiện nay, việc phân quyền, phân cấp cho địa phương rất nhiều, có nhiều thể chế chính sách là cái khung của Trung ương, nếu địa phương có nguồn lực thì có thể quy định cao hơn, đó là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Những vấn đề này trình ra Hội đồng nhân dân là có thể giải quyết được. Ví dụ như vấn đề phụ cấp cho cán bộ dân số, trong khi chưa giải quyết ở cấp trung ương toàn  thể như vậy, thì địa phương có thể tính toán để giải quyết việc này.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao 200 suất quà tặng các đoàn viên Công đoàn, người lao động có thành tích xuất sắc và đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Trước đó, cũng trong sáng 6/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ Khởi công dự án Nhà ở xã hội đầu tiên, tại phường Tràng Cát, quận Hải An.  Dự án nhà ở xã hội có tên Happy Home Tràng Cát do Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư, đây là dự án có quy mô và hạ tầng tiện ích lớn nhất tại Hải Phòng, cung cấp 4.300 căn nhà, góp phần giải quyết nhu cầu an cư cho hàng chục ngàn người lao động tại địa phương.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.800 tỷ đồng, triển khai theo chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án dự kiến hoàn thành trong 5 năm và là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất tại Hải Phòng tính tới thời điểm hiện tại.

Từ khóa: tiếp xúc cử tri, hải phòng,chủ tịch quốc hội vương đình huệ,vương đình huệ,Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam ,chủ tịch quốc hội,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri chuyên đề tại TP. Hải Phòng,78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam,Tổng tuyển cử đầu tiên

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lê tuyết - thanh nga/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập