Chủ tịch Quốc hội tiếp các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU
Cập nhật: 17/06/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Đinh Thế Huynh
Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên thông minh của nhân loại
VOV.VN - Chiều nay (17/6), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các Đại sứ/Đại biện là cầu nối thực tiễn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy Nghị viện 9 nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư để thương mại - đầu tư song phương phát triển mạnh mẽ.
Tại buổi tiếp, qua các Đại sứ, Đại biện của EU, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo nghị viện các nước thành viên EU đã gửi thư chúc mừng nhân dịp được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu (EP) đang phát triển rất tốt đẹp, tích cực. Hai bên đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam - EU và đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU với mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc Ủy ban Thương mại Quốc tế EP đề xuất về việc thành lập cơ chế hợp tác chung giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu. Hai bên đã duy trì các cuộc đối thoại và trao đổi thường xuyên giữa các Nghị sĩ Châu Âu và đại biểu Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, đóng góp chung vào sự phát triển quan hệ Việt Nam - EU.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các Đại sứ, Đại biện tăng cường trao đổi, tiếp xúc, phối hợp với các nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực.
Trong nhiệm kỳ công tác của mình, các Đại sứ, Đại biện sẽ cùng Quốc hội Việt Nam tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là trao đổi đoàn cấp cao để tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự gần gũi và hiểu biết, tạo động lực cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại hiện có, nhất là kênh hợp tác nghị viện, nhằm triển khai tốt Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, cũng như các hiệp định khác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các Đại sứ/Đại biện là cầu nối thực tiễn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy Nghị viện 09 nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư để thương mại - đầu tư song phương phát triển mạnh mẽ.
Thay mặt các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU, Đại sứ EU Julien Guerrier bày tỏ tin tưởng, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng luật pháp, giám sát và thúc đẩy thực hiện các dự án lớn, trong đó có các dự án hạ tầng.
Các Đại sứ, Đại biện đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới; cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy với các nước trên thế giới; đóng góp tích cực vào việc củng cố, duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, là những thành tựu bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam, các quyền liên quan tới trẻ em, phụ nữ.
Đại sứ Julien Guerrier cho rằng, quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới như phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn, nông nghiệp, dược phẩm, tư pháp, lao động, quốc phòng – an ninh, hợp tác phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu với ưu tiên triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân bên cạnh các nguồn lực từ nhóm đối tác quốc tế IPG trong đó EU là điều phối viên.
Đại sứ nhấn mạnh, EU đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến hợp tác với khu vực, nhất là Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu, kết nối hạ tầng, giao thông, năng lượng và hạ tầng số ở khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, hai bên nhất trí cho rằng, hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam - EU thời gian qua phát triển tích cực, đặc biệt là khi hiệp định EVFTA đi vào triển khai, nhất trí phối hợp triển khai đầy đủ và hiệu quả hơn nữa hiệp định.
Với đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sớm gỡ bỏ "Thẻ vàng" IUU, các đại sứ, đại biện của EU cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc thúc đẩy gỡ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, hai bên cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Về phía EU cũng mong muốn tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế; ứng phó với các thách thức phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng.
Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội, Đại sứ,EU,Chủ tịch Quốc hội,Trần Thanh Mẫn,Nghị viện 9,Hiệp định Bảo hộ đầu tư,Nghị viện châu Âu
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê tuyết/vov
Nguồn tin: VOVVN