Chủ tịch Quốc hội: Thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật
Cập nhật: 17/09/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm, tặng quà Tết tại Bắc Giang
VOV.VN - Sáng 17/9, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Hội nghị Đảng đoàn Quốc hội với Ban cán sự Đảng Chính phủ về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 8 có nhiều nội dung nhất trong các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung thuộc công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát, công tác nhân sự và các vấn đề khác. Dự kiến, Kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 21/10 và diễn ra trong 29 ngày, được tổ chức thành 2 đợt.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hội nghị được thực hiện trước thời điểm diễn ra kỳ họp một tháng để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra có thời gian thực hiện theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhằm thảo luận, thống nhất về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8, nhất là các cơ quan cho ý kiến xem xét về tiến độ, thời gian, chất lượng theo quy định, việc chuẩn bị nội dung những dự án luật, nghị quyết để bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 theo chương trình rút gọn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt lưu ý, cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề và cho đến thời điểm này chưa thống kê hết những thiệt hại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại thêm khó khăn mới, thách thức mới. Chính phủ phải đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát và tăng giá các mặt hàng để đảm bảo đời sống cho người dân.
"Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cho rằng, thời gian để thực hiện kết hoạch kinh tế - xã hội 5 năm chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc, bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của cơn bão số 3 rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Những vấn đề nào Chính phủ điều hành, Chính phủ sẽ quyết định. Những nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tất cả trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn. Tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các cơ quan Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu các dự án luật, nghị quyết mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trước hết là do các cơ quan của Chính phủ chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, thực chất, chất lượng và hiệu quả.
Với những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất, còn ý kiến khác nhau, thì các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải ngồi với nhau nhiều lần, trên tinh thần xây dựng, trao đổi, tranh luận có lý lẽ khoa học, thực tiễn, để đi đến thống nhất phương án.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với những người đứng đầu các bộ, ngành cần phải đeo bám các dự án luật, nghị quyết đến cùng, tránh tình trạng nay cử người này, mai cử người khác thực hiện.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ... để những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các cơ quan thẩm tra và soạn thảo sẽ được thực hiện theo tinh thần "khó đến đâu, gỡ đến đó".
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ ngày càng tốt hơn; cho biết, hội nghị nhằm rà soát công việc còn vướng mắc, cần phải thống nhất, để thúc đẩy và nâng cao chất lượng của kỳ họp. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị hai bên cần có sự phối hợp tốt từ khâu soạn thảo dự thảo luật, nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, các ngành tích cực, chủ động, phối hợp một cách chặt chẽ và hiệu quả với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, ngoài việc phải thể chế hóa, cụ thể hóa, đường lối, chủ trương của Đảng để tổ chức thực hiện, các cơ quan tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từ chỗ chỉ tập trung cho công tác quản lý, sang vừa tập trung cho công tác quản lý hiệu quả, nhưng lại vừa góp phần kiến tạo phát triển.
"Tôi thấy cần phải đổi mới trong các cơ quan soạn thảo, cũng như các cơ quan thẩm định, trên cơ sở đó, mới huy động mọi nguồn lực. Hiện nay, nguồn lực đang ách tắc. Chúng ta tập trung quản lý hiệu quả là tốt rồi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phải mở ra không gian mới, kiến tạo cho sự phát triển, để huy động mọi nguồn lực của xã hội, nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, tùy từng tính chất của các dự án luật để có thể đưa ra những quy định chi tiết, nhưng với những vấn đề còn đang biến động, có nhiều tác động thì nên khái quát. Công tác lập pháp phải được thực hiện trên tinh thần cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả và đa số đồng tình thì luật hóa. Còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, còn diễn biến tạp, khó lường thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Bên cạnh đó, cần tập trung phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế các công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Với tinh thần nâng cao trách nhiệm dám nghĩ, dám làm và phân cấp, các bộ, ngành, địa phương phải quyết định và thực hiện sao cho hiệu quả. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm sẽ dễ kiểm tra, dễ đánh giá, phân loại. Vì vậy, phân cấp triệt để sẽ tăng cường việc chịu trách nhiệm, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho, đặc biệt là không tạo ra môi trường dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan soạn thảo cần phải gửi tài liệu đến Quốc hội trước ngày 1/10; trong đó đặc biệt quan tâm 6 nội dung trình tại 1 kỳ họp phải đảm bảo chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Van phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ tổng hợp những vấn đề xin ý kiến cấp thẩm quyền trong thời gian tới.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ quan soạn thảo cần tăng tốc hoàn thiện các hồ sơ trình Quốc hội. Về phần mình, khi có các dự án luật, nghị quyết, Quốc hội sẽ làm ngày, làm đêm, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Từ khóa: quốc hội, chủ tịch quốc hội, chủ tịch quốc hội trần thanh mẫn, kỳ họp thứ 8 quốc hội 15, đảng đoàn quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê tuyết/vov
Nguồn tin: VOVVN