Chủ tịch Quốc hội: Phòng, chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật
Cập nhật: 22/08/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục thống nhất nhận thức và triển khai nghiêm túc 15 nhiệm vụ và các giải pháp
Sáng nay (22/8), tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức với sự đồng chủ trì của các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Tham dự hội nghị có Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm và các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Đạt 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra, 8 nhiệm vụ vượt tiến độ
Kế hoạch 81 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện. Trong đó Chính phủ chủ trì 108, các cơ quan của Quốc hội chủ trì 12 và các cơ quan, tổ chức khác chủ trì 17 nhiệm vụ. Đến nay các cơ quan đã hoàn thành 68/137 nhiệm vụ, đạt 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra, trong đó có 8 nhiệm vụ vượt tiến độ.
Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19. Theo Kế hoạch, còn 69/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục thực hiện
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, VCCI đều đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là sự chủ động, đồng hành, sát sao, từ sớm, từ xa của Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; việc mở rộng việc lấy ý kiến nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự luật, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở tất cả các khâu của quy trình lập pháp, từ đó gia tăng hàm lượng “cuộc sống” và hàm lượng khoa học trong các dự thảo luật, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các dự luật.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức của trong điều kiện nguồn lực và quỹ thời gian đều có hạn nhưng phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, những nhiệm vụ hệ trọng chưa từng có để thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid -19.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự đổi mới, quyết liệt của tất cả các cơ quan với những biện pháp, cách thức triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả; lắng nghe ý kiến về các dự án luật, có những nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua nếu vẫn nhận được ý kiến thì vẫn tiếp tục thảo luận làm rõ nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ rất chặt chẽ, không phân biệt “quyền anh, quyền tôi”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật,
Nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục thống nhất nhận thức và triển khai nghiêm túc 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 81; khẩn trương chuẩn bị các đề nghị xây dựng luật đối với 32 nhiệm vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu rà soát để bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh tình trạng trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nội hàm, phạm vi điều chỉnh chưa thật rõ nên chưa đưa vào chương trình được.
Với 69 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, không lùi thời hạn so với Kế hoạch. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV không chỉ “đóng khung” lại trong 137 nhiệm vụ tại Kết luận số 81, đây chỉ là định hướng, do đó, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục tăng cường bố trí các phiên họp chuyên đề pháp luật với thời gian phù hợp; tiếp tục đổi mới cách thức lấy ý kiến góp ý, không chỉ đăng tải lên trên trang thông tin điện tử là đã hoàn thành nhiệm vụ, mà cần phải có hướng dẫn, tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp một cách rộng rãi, đa chiều. Đặc biệt cần tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm từ xa và lắng nghe lẫn nhau.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, xây dựng các cơ chế, chính sách để phòng, chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, để không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm lợi ích cục bộ, cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu đi sự đồng hành với người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81 nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo các cơ quan xây dựng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 19, Kế hoạch số 81 và báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về nội dung này trình Bộ Chính trị./.
Từ khóa: Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN